"Nhiều người bảo tôi ngu, đó mới là Kim Phượng"

ANTĐ - “Đô la trắng, Ngã rẽ cuộc đời, Tham vọng, Hạnh phúc có thật, Sóng tình, Eva thời hiện đại, Chuyện tình mùa thu, Sóng gió gia đình, 14 ngày phép”… là một “gia tài” không nhỏ của người đàn bà được “đo ni đóng giày” với những vai diễn kiêu kỳ, lẳng lơ, chảnh chọe, đanh đá và thủ đoạn.

Chị là một người đàn bà đẹp! Chị đã từng sống trong những mất mát khi phải sớm chứng kiến sự ra của những người thân; rồi còn đó những thời khắc khó khăn của cuộc sống khi trong túi chỉ vẻn vẹn 5.000 đồng, phải ngồi tính làm sao để đủ ăn một ngày. Kim Phượng bảo chị sợ chết, sợ bệnh; rồi bệnh tật cũng có buông tha ai khi mới ngoài đôi mươi chị được bác sỹ kết luận bị ung thư vú. Chị đã gặp bác sỹ xin được làm hồ sơ bí mật giấu kín gia đình và bạn bè với mục đích không muốn người thân đau lòng. Chị nói dối gia đình phải đi đóng phim ở xa để nhập viện. Việc xạ trị đi vào ngõ cụt khi cơ thể chị không có phản ứng với hóa chất. Chị nói quãng thời gian đó chị cô đơn và tuyệt vọng vô cùng khi không thể chia sẻ nỗi đau riêng của mình với ai. Rồi người đàn bà đẹp đó “trốn chạy” tới Mỹ với lý do du học nhưng thực chất để trị bệnh. Và chị đã chiến thắng bản thân, vượt qua cuộc chiến sinh tử với bệnh tật để bước qua cánh cửa hẹp trở lại với cuộc đời… Thời gian qua đi, ngồi lại đây là một nữ doanh nhân thành đạt Kim Phượng, một nữ  diễn viên, một người vợ hạnh phúc. Hãy nghe “bà trùm” khét tiếng Phượng Đê trong bộ phim “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” trải lòng… 

- Chào chị, cựu sinh viên của trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Luật?

- Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước mình vẫn là tân sinh viên của hai ngôi trường đại học này.

- Khát khao học của chị dường như rất lớn, chị muốn thay đổi cuộc sống?

- Với Phượng, khát khao học để hoàn thiện bản thân trước vì khi còn nhỏ Phượng luôn nghe bà ngoại dạy anh hai “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” nhưng không hiểu rõ, dần lớn lên thì câu của bà ngoại nói thấm sâu vào tim óc Phượng.

- Còn danh hiệu thí sinh Diễn xuất xuất sắc trong trong Cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng, chị có coi đó là một danh hiệu cũ?

- (Cười) Đúng là danh hiệu này đã cũ rồi, nhưng Phượng không thể quên được nó mà mỗi khi nhắc lại Phượng thấy mình thật may mắn. Điện ảnh là niềm đam mê từ nhỏ của Phượng. Tuổi thơ Phượng gắn liền với những vở diễn tự chế với bạn diễn là cây dừa, cây xoài hay em mèo, em chó… Lâu lâu được xem chiếu bóng lưu động với những phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang”, “Mùi gió chướng”, “Cô bé Hà Nội”…; và chính những thước phim, chính những diễn xuất nồng nàn và chân thật của các cô chú và đặc biệt đôi mắt biết nói của NSND Trà Giang đã thắp lên và nung nấu niềm đam mê điện ảnh cho Phượng đến tận bây giờ.

- Học Kinh tế - Luật, cơ hội để thay đổi cuộc sống dễ dàng hơn với Điện ảnh đấy chứ?

- Kinh tế, Luật hay Điện ảnh cũng không làm cuộc sống thay đổi nếu mình nhởn nhơ và lười biếng. Điện ảnh đã góp phần thay đổi tư duy của Phượng. Phim là đời, nếu mình biết được nhiều lĩnh vực khác nhau, chịu khó học hỏi và quan sát thì vào vai diễn sẽ đa chiều hơn. Điện ảnh đã giúp Phượng sống với nhiều cuộc đời, tiếp cận nhiều số phận, hoàn cảnh và nhiều cung bậc tình cảm qua từng vai diễn, dần làm cho mình cảm thông và rộng lượng hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, nghề diễn góp phần hoàn thiện bản thân và cho Phượng thêm nhiều vốn sống thực tế.

- Tại sao lại có bước ngoặt lớn đó trong cuộc đời chị?

- Thật tình đó là định hướng chứ không phải là bước ngoặt. Như Phượng đã chia sẻ điện ảnh là niềm đam mê từ nhỏ. Để được sống thử cuộc sống của những con người khác, môi trường và nhiều cung bậc tình cảm khác với Phượng vô cùng thú vị, nên Phượng quyết tâm chạm tới và theo đuổi cho bằng được nghề này.

- Từ ngày dấn thân với điện ảnh đến nay, chị thấy mình “được” hay “mất” nhiều hơn?

- Được, mất là do quan điểm và sự bằng lòng của mỗi người. Với Phượng, thất bại là khởi đầu của thành công, khó khăn chính là động lực để mình trưởng thành. May mắn vì Phượng thật sự mê nghề nên có đủ nghị lực và kiên trì để từng bước vượt qua những khó khăn.

- Đến giờ nhắc đến chị người ta thấy chị đóng đinh với các vai: đầu gấu, xã hội đen, lẳng lơ, đanh đá, thủ đoạn…, nội lực của chị dường như phát lộ cho những vai phản diện?

- Không! Phượng lại thấy nội lực của Phượng đang chinh phục bản thân mình đấy chứ, vì các vai diễn đó thú vị vô cùng vì nó khác với Phượng ngoài đời. Chính vì vậy Phượng phải tìm tòi, quan sát và bắt chước sao cho toát lên được thần thái, tính cách, ngoại hình lẫn cả thói quen đặc thù của từng vai.

- Chị nói các vai diễn đó khác chị ngoài đời, vậy trong cuộc sống hiện tại đã bao giờ chị muốn nổi loạn như trong phim?

- Sự nổi loạn của Phượng là luôn phải thắng bản thân mình. Ngoài ra sự nổi loạn đó còn được thả vào vai diễn, vào kịch bản mà Phượng viết nữa. Phượng tham lam quá phải không (?!) (Cười)

- Dường như chị đang rất khao khát được đóng những vai ngược với những gì khán giả đã thấy về mình lâu nay?

- Lâu nay rất nhiều đạo diễn hay nhà sản xuất chỉ trông mặt mà bắt hình dong. Chắc là do cơn lốc vũ bão làm nhanh của phim truyền hình mà người ta không có thời gian để tạo ra cái gì mới mà chỉ nhìn vào một dạng vai nào đó mà diễn viên đã thành công rồi đóng khung cứng nhắc cho họ. Đã đến lúc diễn viên phải chinh phục các nhà làm phim. Biết đâu Phượng phải tự viết kịch bản để tạo ra một dạng vai khác cho chính bản thân và nhiều diễn viên khác nữa để họ có cơ hội lột xác, để thay đổi cái nhìn mới cho các nhà làm phim và thổi một luồn gió mới cho khán giả.

- Đó đơn thuần là ước mơ hay dự định thật sự của chị?

- (Cười) Đó chỉ là ước mơ thôi; nhưng tôi hay biến ước mơ thành sự thật lắm! Có thể một ngày gần đây sẽ có phim và kịch bản của Kim Phượng đến với công chúng.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với vai Phượng Đê trong phim “Những đứa con Biệt động Sài Gòn”?

- Đây không phải là cơ duyên mà là một quá trình do cách làm việc và khả năng vào vai của tôi mà nhà sản xuất, đạo diễn Long Vân yên tâm thuyết phục tôi vào diễn vai này.

- Một vai gai góc, lấy nguyên mẫu thật từ một “bà trùm” khét tiếng, chị chinh phục vai diễn bằng cách nào?

- Không! Vai diễn và nhân vật có thật đã chinh phục tôi. Khi nhận vai tôi muốn ra Hải Phòng để tìm cảm giác. Nhưng vì tính an toàn của bộ phim nên nhà sản xuất và đạo diễn cẩn thận không cho tôi đi. Thế là tôi tìm hiểu hầu hết các thông tin từ các diễn đàn trên mạng về “chị Dung Hà”; thậm chí tôi còn xin thông tin và hồ sơ bên phía công an nữa. Tôi quyết định dựa vào “chị Dung Hà” để tạo ra một Phượng Đê mang thần thái của nhân vật có thật nhưng ngoại hình thì gần gũi với giới trẻ để khán giả trẻ dễ cảm nhận hơn cho một phim hình sự gai góc. Thậm chí muốn tạo tính cách cho nhân vật, tôi thuyết phục đạo diễn bằng cách: Khi ngồi nói chuyện với đạo diễn Long Vân tự nhiên tôi bước ra ngoài vung chân lên đá thẳng một phát qua khỏi đầu, thế là đạo diễn Long Vân đã “sáng tác” thêm cảnh Phượng Đê đánh nhóm dê xồm để bảo vệ hai người đẹp của mình rất thú vị.

- Thế còn yếu tố đồng tính nữ của vai diễn, chị hiểu gì về thế giới của họ và vào vai thế nào để thuyết phục khán giả?

- Tôi thâm nhập và đồng cảm với các bạn đồng tính. Tôi có rất nhiều bạn đồng tính, họ đặc biệt, tinh tế, đa chiều và rất có tài. Tôi quý, khâm phục và trân trọng các bạn ấy nên tôi có cơ hội tìm hiểu thật kỹ để diễn cho thật đúng. Lúc diễn tôi là họ.

- Chị ấn tượng nhất điều gì với vai diễn này và hài lòng với nó chứ?

- Tôi ấn tượng với đạo diễn, nhà sản xuất vì đã tôn trọng và cho tôi thỏa sức “bay” vai Phượng Đê theo cách diễn của tôi định hình cho nhân vật. Ước gì tôi được diễn lại vai này trên phim điện ảnh, với cách làm của phim điện ảnh tôi sẽ được làm thật kỹ, thật tốt, diễn thật hết mình và tôi tin lúc đó khán giả sẽ thật “đã” khi xem.

- Từng đó thành công trong nghề đã đủ để chị kén chọn vai chưa?

- Tôi không kén chọn vai, tôi chỉ kén chọn quan điểm và ê-kíp làm nghề thôi.

- Nghiệp diễn đã bao giờ làm chị cảm thấy mệt mỏi và muốn buông tay?

- Chưa bao giờ. Tôi sẽ theo nghề này cho đến khi lực bất tòng tâm.

- Diễn viên khi xuất hiện trước công chúng thường là những hình ảnh đẹp, rạng ngời. Phía sau vẻ rạng rỡ đó có bao giờ là những trăn trở với nghiệp diễn trong chị?

- Không, tôi chỉ là người bình thường mê diễn và cố gắng diễn sao cho thật, nên khi tôi xuất hiện cũng rất bình thường và rất thật. Còn trăn trở về nghiệp diễn thì luôn xốn xang, rộn ràng chưa bao giờ hết.

- Chị là một người đàn bà đẹp, sắc đẹp đó có giúp chị tự tin và cảm thấy kiêu hãnh khi xuất hiện trong các vai diễn?

- Tôi thường thôi, nhưng rất nhiều lần tôi phải làm mình già-xấu-khó ưa thậm chí rất “manly” khi vào vai trên màn ảnh vì tôi yêu và kính trọng cảm nhận của khán giả.

- Chị đã từng tuyệt vọng với bệnh tật, nghị lực nào giúp chị hòa vào với cuộc sống vậy?

- Niềm tin về sự thương yêu!

- Ai là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho chị trong giai đoạn đó?

- Rất nhiều người đặc biệt là mà ngoại, mẹ, anh tôi và bạn Khoa nữa!

- Bạn Khoa, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa; chị muốn nói thêm điều gì về ông xã của mình?

- (Cười) …Còn nữa, giảng viên Đại học Quốc tế RMIT.

- Thật sự muốn biết chị là mẫu người thế nào trong cuộc sống gia đình?

- Một người phụ nữ, một người bạn đồng hành.

- Với chị, điều gì có giá trị nhất trong cuộc sống?

- Chân thật!

- Chị thích câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”’; chị hồn nhiên và bình yên chứ?

- Tôi không biết, nhưng tôi thích sống chân thật không màu mè, không kiểu cách và không tiểu xảo để khỏi phải đối phó việc gì với dư luận, với công chúng là khỏe nhất. Nhiều người bảo tôi ngu, thôi kệ... đó mới là Kim Phượng!

- Cảm ơn. Chúc chị hạnh phúc, thành công!