Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Tôi luôn khâm phục cha mình

ANTĐ - Năm 1965, nhạc sỹ Đỗ Nhuận tham gia trực tiếp vào quá trình dàn dựng vở opera đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 -“Cô Sao”. Ông đồng thời cũng là tác giả của vở opera tuyệt vời này.  47 năm sau, năm 2012, con trai ông, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã bắt tay vào phục dựng 1.000 bản tổng phổ “Cô Sao” bị thất lạc của cha mình. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. 

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận (bên trái) lên thăm con trai Đỗ Hồng Quân (giữa)

tại An Phú - Yên Dũng - Hà Bắc năm 1966. Bên phải là nhạc sỹ Nguyễn Liệu

- PV: Trước giờ ra mắt, “Cô Sao” năm 2012 nhiều người lo ngại về chất lượng nghệ thuật liệu có ngang bằng “Cô Sao” năm 1976 với sự tham dự của thế hệ “vàng” các nghệ sỹ opera Việt Nam thời gian đó như Ngọc Dậu, Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Hưng…?  

- Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Về tinh thần, vở diễn vẫn được giữ nguyên vẹn hồn cốt như ban đầu. Nhưng lần phục dựng này, tôi và đội ngũ sáng tạo đã nâng chất lượng tác phẩm lên một tầm cao hơn. Nói như vậy, không có nghĩa chúng tôi không công nhận chất lượng của “Cô Sao” năm 1976 nhưng “Cô Sao” của lần biểu diễn thứ 3 (2012) sẽ có mức độ quy mô hơn với sự cộng tác của nhiều đơn vị nghệ thuật như Nhà hát nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Hơn thế, do việc bị mất các bản tổng phổ gốc do nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết nên việc tìm và phục dựng gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong cái rủi có cái may, cha tôi đã để lại các bản viết nhạc bằng bút chì nên tôi đã tỉ mỉ khôi phục từng nốt nhạc mờ dần theo năm tháng. Cha tôi là người sáng tạo nên tác phẩm, nhưng “Cô Sao” của năm 2012, tôi cũng là đồng tác giả. 

- Lý do gì mà ông quyết định chọn Huyền Nga, một đạo diễn rất trẻ đảm nhận vai trò chỉ huy cho vở diễn có tầm và ý nghĩa lớn như vậy? 

- Lịch sử của vở opera đầu tiên của Việt Nam cho thấy sự tín nhiệm và đặt trọng trách quan trọng này vào tay các đạo diễn trẻ. Năm 1976, vở diễn được giao cho đạo diễn Văn Hà, người vừa tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn với tấm bằng đỏ từ Liên Xô trở về. Đạo diễn Hà đã tạo nên một phiên bản mới ngắn gọn hơn. Đến năm 2012, trọng trách lại được giao cho đạo diễn trẻ Huyền Nga mới từ TP.HCM ra Hà Nội. Đó là một sự quyết đoán của toàn bộ đội ngũ sáng tạo và còn có cả một sự phiêu lưu. Tất nhiên, chúng tôi không hồ đồ mà thực ra chính Huyền Nga đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo. Vừa tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu TP.HCM nhưng cô đã tập hợp được lực lượng diễn viên trẻ đông đảo là cơ sở để bắt tay vào dàn dựng vở diễn lần này. 

- Trong bối cảnh, người dân Việt Nam còn khá xa lạ với opera, lý do nào để Hội Nhạc sỹ Việt Nam lựa chọn phục dựng “Cô Sao”?

- Việc phục dựng vở opera đầu tiên của Việt Nam là Hội Nhạc sỹ Việt Nam đưa ra hướng đi của văn hóa nghệ thuật. Đã đến lúc, các loại hình bác học phải có vị trí xứng đáng với các loại hình âm nhạc khác. Đặc biệt, sự hiện diện của kho tàng âm nhạc Việt Nam mà cụ thể ở đây là các di sản âm nhạc để lại của lớp thế hệ đi trước luôn cần thiết để người Việt Nam không quên và tự hào. Có rất nhiều băn khoăn khi bắt tay vào dàn dựng vở “Cô Sao” nhưng nỗi lo lớn nhất lại đến từ việc khán giả ngại và lãng quên các tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Khó còn hơn không, những tác phẩm âm nhạc dù quý đến đâu, nếu không vang lên thì mãi mãi chỉ là con số 0.

- NSƯT Chiều Xuân - vợ ông có giúp đỡ ông nhiều trong vấn đề tìm kiếm nhà tài trợ để khôi phục vở opera của nhạc sỹ Đỗ Nhuận?

- Nền kinh tế suy thoái ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề tìm kiếm nguồn tài trợ. Nhưng trước sự xuất hiện trở lại của một tác phẩm đỉnh cao như “Cô Sao”, các nhà hát đã ý thức được việc làm của mình và họ đều tự cáng đáng phần kinh phí. Tôi chỉ lo kinh phí cho các phần việc phụ khác và rất may nhận được sự ủng hộ của các hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Họ là những người tự nguyện, không cần hồ sơ đi xin tài trợ mà tiền vẫn “chảy” về ầm ầm. Chính vì thế, bà xã tôi bị thất nghiệp (cười). 

- Ông khâm phục cha mình điều gì nhất? 

- Cha tôi, từ một anh nông dân chơi kèn trong đội quân nhạc đã nỗ lực học tập, làm việc để trở thành một nhạc sỹ sáng tác ca khúc. Không dừng lại ở đó, ông còn tham gia sáng tác ở lĩnh vực khí nhạc, phạm vi hoạt động của ông trong âm nhạc rất rộng. “Cô Sao” ra đời là sự kết tinh của thái độ làm việc nghiêm túc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã trở thành một tác phẩm opera đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là điều khiến tôi rất khâm phục cha mình!

- Xin cảm ơn ông!