Nhạc sĩ Hồng Đăng và ca khúc được viết từ cuộc giải cứu con tin kinh điển trong lịch sử ngành Công an

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng gắn liền với mảnh đất Hà Nội, với hương hoa sữa “ngọt ngào đầu phố đêm đêm”. Cũng ở mảnh đất đó, ông đã có nhiều ca khúc viết nên từ tình cảm của người nhạc sĩ với công an Thủ đô. Trong đó, có cả ca khúc được viết sau vụ án bắt cóc con tin người Nhật gây chấn động Hà Nội năm 1999.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, người hóm hỉnh và gần gũi

Nhạc sĩ Hồng Đăng có mối quan hệ thân tình với Báo An ninh Thủ đô. Lúc ông làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã được làm quen rồi kết thân với ông từ một người bạn.

Theo chia sẻ của Đại tá Đào Lê Bình, thực lòng, lúc mới gặp nhạc sĩ Hồng Đăng, ông rất ngại, vì Hồng Đăng là nhạc sĩ nổi tiếng, tên tuổi của ông không ai là không biết đến. Nhưng sau một hồi nói chuyện thì thấy thân thuộc ngay. Nhạc sĩ rất gần gũi, mắt nheo nheo cười, nói chuyện hóm hỉnh. Trong phòng làm việc của ông ở số 51 Trần Hưng Đạo, trên bàn bao giờ cũng có một bình trà, đĩa kẹo, khách đến thì mời, rất thân tình.

Cố nhạc sĩ Hồng Đăng

Cố nhạc sĩ Hồng Đăng

Mối lương duyên gắn kết nhạc sĩ Hồng Đăng với các chiến sĩ công an Hà Nội cũng như Báo An ninh Thủ đô đã bắt nguồn từ rất lâu. Nhưng đến năm 1999, thì mối lương duyên ấy đã hiện hữu bằng một tác phẩm âm nhạc. Nhiều người dân Hà Nội hẳn vẫn còn nhớ về vụ án cách đây hơn 20 năm-vụ án bắt cóc con tin người Nhật xảy ra ở phố Thụy Khuê, làm chấn động Thủ đô vì tính chất manh động và cũng là vụ án bắt cóc con tin đầu tiên xảy ra trên địa bàn Thủ đô. Nhớ lại vụ án cách đây khá lâu, Đại tá Đào Lê Bình vẫn cảm nhận được sự cam go, nguy cấp.

Năm 1999, khi vụ án xảy ra, Giám đốc Công an Hà Nội khi đó là Thiếu tướng Phạm Chuyên và Đại tá Đào Lê Bình đang đi công tác. Từ xa, Thiếu tướng Phạm Chuyên chỉ đạo Phòng Hình sự số 7 Thiền Quang vào cuộc. Theo yêu cầu của đối tượng, hắn cần một chiếc taxi để di chuyển và người vào vai lái xe taxi chính là một chiến sĩ công an. Chiếc xe di chuyển về phía Hải Phòng và đột ngột đổi hướng di chuyển về phía Lạng Sơn để hướng đi Trung Quốc.

Suốt chặng đường chiếc taxi di chuyển, các chiến sĩ Công an Hà Nội bám đuổi và liên tục áp sát vận động đối tượng thả con tin. Nhưng con dao vẫn lăm lăm kề vào cổ cháu bé. Tình hình cực căng thẳng. Sau khi xin ý kiến của chỉ huy, Ban Chuyên án quyết định nổ súng. Viên đạn trúng cổ đối tượng, còn cháu bé an toàn trong vòng tay của các chiến sĩ một cách tuyệt giỏi và tuyệt mỹ.

Vụ án đã khép lại trong 1 ngày. Ngay chiều hôm đó, Công an Hà Nội đã tổ chức họp báo, công bố kết quả chuyên án. Đại sứ quán Nhật Bản đã cử người đến họp, gia đình cháu bé cảm động, gửi lời cảm ơn các chiến sĩ công an.

Ngay lúc ấy, nhạc sĩ Hồng Đăng đã gọi điện cho Thiếu tướng Phạm Chuyên bày tỏ sự xúc động về tinh thần chiến đấu, khả năng xử lý tình huống và xử lý truyền thống rất gọn gàng của Công an Hà Nội. Và ngay trong cuộc điện thoại đó, nhạc sĩ Hồng Đăng đã hát cho Thiếu tướng Phạm Chuyên nghe ca khúc ông vừa hoàn thành “Thành phố lại bình yên”, được lấy cảm hứng từ sự dũng cảm, khôn khéo của những công an Thủ đô. Vụ án này còn là niềm cảm hứng cho nhà thơ Trương Nam Hương làm 1 bài thơ và sau đó được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Trong đó có câu: “Anh lặng lẽ như thơ/ Đứng bên ngoài hạnh phúc”.

Tiếc thương một người nhạc sĩ tên tuổi đã mãi đi xa

Ca khúc “Thành phố lại bình yên” dù được nhạc sĩ Hồng Đăng viết từ một vụ án nhưng câu từ lại rất dung dị, không lên gân lên cốt và mang được chất Hà Nội trong mỗi người chiến sĩ công an Hà Nội vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Đó là “Chúng tôi lại băng trên đường, ấm bàn tay đồng đội, giữa bạn bè rất yêu thương, giữa trăm nghìn phố phường Hà Nội. Sóng sông Hồng ơi có nghe tiếng hát chúng tôi, có một dòng sông trôi sao tình yêu vẫn khát, chiến tranh đã qua mà chúng tôi chưa một ngày ngon giấc, có rất nhiều bữa cơm, nâng lên chẳng kịp ăn, nhiều đêm phơi mình giữa trời giá rét căm căm. Thành phố phải được bình yên, thành phố phải được bình yên”.

Bài hát lần đầu tiên được biểu diễn vào ngày 19/8-ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân và do tốp ca Công an Hà Nội biểu diễn, bên cạnh “Hành khúc Công an Nhân dân”. Ca khúc mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả ngày hôm đó.

Ca sĩ Ngọc Anh thể hiện ca khúc "Thành phố lại bình yên" tại chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Những bước chân lặng lẽ” do CATP Hà Nội thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam.

Ca sĩ Ngọc Anh thể hiện ca khúc "Thành phố lại bình yên" tại chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Những bước chân lặng lẽ” do CATP Hà Nội thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam.

Sau đó, ca khúc đã được nhạc sĩ Nguyễn Quang hòa âm, phối khí rồi in thành đĩa. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã ký tặng cho nhiều người. Điều thú vị hơn, nhà văn “Chiếc lược ngà” Nguyễn Quang Sáng từ Sài Gòn biết tin về chiến công của công an Hà Nội trong vụ án bắt cóc con tin người Nhật đã xin được viết kịch bản phim tôn vinh chiến công của những người lính mặc sắc phục. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và con trai ông - đạo diễn Quang Dũng đã ra Hà Nội và ở tại khách sạn mà nay là trụ sở của Báo An ninh Thủ đô đúng 1 tuần. Đoàn làm phim đã đi đúng tuyến đường mà các chiến sĩ công an đã rượt đuổi chiếc xe taxi trong vụ án. Kịch bản bộ phim là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, âm nhạc là nhạc sĩ Hồng Đăng. Phim sau đó được phát sóng trên VTV.

Không chỉ là một người bạn của Công an Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng còn là một cộng tác viên thân thiết của Báo An ninh Thủ đô. Đây là một tờ báo của công an nhưng lại có rất nhiều bạn bè là các văn nghệ sĩ: Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Văn Dung, Phú Quang, Tôn Thất Lập…

Báo An ninh Thủ đô đã tổ chức 2 đêm nhạc Hồng Đăng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thế rồi thời gian cứ thấm thoát trôi, những người nhạc sĩ từng là những người bạn của An ninh Thủ đô – những nhạc sĩ nổi tiếng của đất nước đã dần vắng bóng.

Và bây giờ là sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng. Dẫu quy luật sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh khỏi nhưng khi đón nhận tin buồn về nhạc sĩ “Biển hát chiều nay”, Đại tá Đào Lê Bình không giấu được sự bùi ngùi, xúc động.

Ông cho biết “Anh đi rồi nhưng tôi tin rằng, nhiều người cùng có cảm xúc đau buồn như tôi. Nhạc sĩ Hồng Đăng sẽ còn sống mãi cùng thời gian, với ca khúc “Hoa sữa” đã định hình nên một loài hoa đặc trưng của Hà Nội”.