Nhạc sĩ Hồng Đăng: “Người lênh đênh cuộc đời trong âm nhạc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Chân trời gọi nắng" tập sách dày hơn 300 trang vẽ nên một chân dung đủ đầy về người nhạc sĩ tài hoa Hồng Đăng vừa ra mắt chiều 21/3. Cuốn sách ra mắt đúng dịp giỗ đầu ông. Người tập hợp bản thảo và thực hiện cuốn sách là bà Lê Anh Thuý – người vợ tận tụy của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Chân trời riêng của nhạc sĩ Hồng Đăng

Do NXB Hội nhà văn ấn hành, cuốn sách "Chân trời gọi nắng” được lấy từ ca từ trong tác phẩm “Biển hát chiều nay” nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng: “chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao, con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào, môi cười rất xinh lung linh màu áo, mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”.

Theo lý giải của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tựa sách còn mang nhiều tầng ý nghĩa, “chân trời” ấy đã hé lộ với Hồng Đăng từ thủa còn thiếu thời, khi ông còn là cậu bé, ở với bố mẹ ở Thị xã Hà Tĩnh. Những nốt nhạc đã tự cất lên trong lòng cậu bé Phan Đăng Hồng (tên thật của nhạc sĩ Hồng Đăng), xui cậu tìm đến với cây đàn, chơi một cách hồn nhiên và bản năng. Để rồi năm 1954, có một nhạc sĩ Hồng Đăng hòa cùng đội ngũ âm nhạc cách mạng về tiếp quản Thủ đô.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và bà Lê Anh Thúy, vợ nhạc sĩ Hồng Đăng trong buổi ra mắt sách đầy xúc động

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và bà Lê Anh Thúy, vợ nhạc sĩ Hồng Đăng trong buổi ra mắt sách đầy xúc động

“Từ đó, trong chân trời chung của cả một nền âm nhạc, ông tìm đến chân trời riêng của mình. Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác lắng đọng. Ông lênh đênh cuộc đời mình trong âm nhạc của mình”- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã dành những tình cảm đặc biệt cho tài hoa âm nhạc Hồng Đăng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra nhận định: Hồng Đăng là nhạc sĩ nổi tiếng như rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác, nhưng họ nổi tiếng trong phạm vi thời đại đó, còn những ca khúc của Hồng Đăng, những giai điệu của Hồng Đăng, những ca từ của Hồng Đăng, những tâm trạng và cảm xúc của mỗi bài hát, như những mạch ngầm chảy mãi.

50 năm trước, khi hát những giai điệu về “Hoa sữa” của Hồng Đăng, chúng ta run rẩy. 50 năm sau, chúng ta vẫn hát “Hoa sữa” và vẫn run rẩy về nó, bởi những rung động về tình yêu của con người với con người.

Trong giai điệu và ca từ của “Hoa sữa” còn là những ký ức chung, còn là hạnh phúc, tình yêu, sự buồn bã, tất cả vẻ đẹp đó đều dâng lên. Sau này, thời gian có thể làm mọi thứ xóa nhòa đi, chỉ còn một thứ tồn tại đó là những nhịp điệu tình yêu vang lên trong trái tim của một người đàn ông và một người đàn bà. Nó chỉ kết thúc khi con người kết thúc. Bởi vậy, ca khúc mà Hồng Đăng viết không chỉ trong thời đại của mình mà còn qua nhiều thời đại khác.

Ước mơ thắp lửa của người nhạc sĩ

"Chân trời gọi nắng" được chia làm 3 phần. Trong đó, phần 1 của cuốn sách có tựa đề “ Hồng Đăng sống và viết”, là những trang viết mà nhạc sĩ từng kể về gia tộc, gia đình của mình và cả những bài mà ông tâm huyết viết ra để nói lên tiếng nói của một thế hệ họa sĩ với ước mơ “thắp lên ngọn lửa”. Để hiện thực ước mơ thắp lửa đó, ông hơn một lần nhấn mạnh: “Xin hãy đánh giá thật đúng cho người nghệ sĩ hiện nay” và “Hàng giả nhiều khi có vẻ lại màu mè hơn hàng thật, hoa giả dễ đẹp hơn hoa thật, răng giả cũng có vẻ đẹp hơn răng thật. Việc phân định thật giả trong nghệ thuật phải có con mắt sành sỏi, phải có một trọng tài công minh, nghĩa là phải có trình độ, có tấm lòng…”

"Chân trời gọi nắng" do NXB Hội Nhà văn ấn hành đúng dịp giỗ đầu của vị nhạc sĩ tài hoa Hồng Đăng

"Chân trời gọi nắng" do NXB Hội Nhà văn ấn hành đúng dịp giỗ đầu của vị nhạc sĩ tài hoa Hồng Đăng

Phần 2 “Câu chuyện tử vi” do vợ ông- bà Lê Anh Thúy ghi. Trong giới văn nghệ sĩ bấy lâu nay vẫn rỉ tai nhau về tài xem tử vi của Hồng Đăng. Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì tài nghệ này cũng là một “chân trời khác” của vị nhạc sĩ tài hoa, nếu như ông chuyên tâm nghiên cứu thì biết đâu lại chẳng có một công trình hay bên cạnh những giáo án mà ông đã viết về âm nhạc.

Phần 3 “Hồng Đăng trong lòng người”- đây là những bài viết mà bạn bè, đồng nghiệp, báo chí đã từng yêu quý ông, say mê với tác phẩm của ông hoặc chỉ đơn giản hơn tình cờ có một dịp nào đó được gặp gỡ Hồng Đăng, trò chuyện cùng ông…

Trong gia tài gần 700 ca khúc, có điều rất đặc biệt, nhiều bài hát được viết làm ca khúc chính cho các bộ phim. Thế rồi, từ đó ca khúc có đời sống độc lập, thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn cả bộ phim.

Ca khúc “Hoa sữa”, nhạc sĩ Hồng Đăng viết cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, ca khúc “Lênh đênh” viết cho bộ phim “Đời hát rong”, ca khúc “Nỗi nhớ đêm đại dương” viết cho bộ phim “Những hạt muối của biển”, ca khúc “Không gian xanh” viết cho bộ phim “Vùng trời”, ca khúc “Biển và cô gái tôi chưa quen” viết cho bộ phim “Những ngôi sao nhỏ”...

Bà Lê Anh Thúy, vợ của nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ về quá trình làm sách, phần lớn bản thảo của ông để lại đã hỏng nhiều, khó đọc, bà phải gõ lại từng chữ sau khi chụp để lưu.

Nói về tính cách của chồng, bà Lê Anh Thúy vẫn bảo, ông là người sống nhẹ nhàng, vui vẻ, chuyện nặng hóa nhẹ, chuyện nhẹ thành không, nên đông bạn, rất đông. Nhưng khi ông viết lại quyết liệt, rành mạch, không xuê xoa, đãi bôi.

Thêm nữa, bao lâu nay, vợ chồng bà vẫn luôn “sống trong tình thương yêu của đồng bào, đồng chí” để từ đó, ông đủ sức, đủ can đảm làm được nhiều việc có ích cho anh em đồng nghiệp, cho âm nhạc. Và hôm nay, cuốn sách “Chân trời gọi nắng” ra đời cũng là “tình yêu thương của đồng bào đồng chí” gửi tới ông, nhắc tới ông, như ông vẫn còn đâu đây, trong lòng bạn bè, gia đình và cả những người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhạc sĩ Hồng Đăng (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhạc sĩ Hồng Đăng có tên đầy đủ Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, qua đời ngày 21/3/2022.

Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Âm Nhạc.

Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”.

Năm 2022, nhạc sĩ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”.