Nhà văn thích được gọi bằng anh

ANTĐ - Nhà văn đầu tiên “bằng xương bằng thịt” mà tôi được biết Đỗ Văn Nhâm. Hồi ấy Đỗ Văn Nhâm đã mang quân hàm Đại tá, giữ chức trưởng phòng một cơ quan trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 lừng lẫy, còn tôi mới là một trung úy, được mỗi cái trẻ.

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm, nhà văn Lê Lựu “ Ông nào cũng thích được gọi bằng… anh”

Nếu cứ theo quân pháp thì tôi khó được một lần nói chuyện cùng Đỗ Văn Nhâm. Nghề văn kỳ lạ, nó xóa tan được cái khoảng cách vô hình thăm thẳm ấy. Số là sau khi đọc xong một cái truyện ngắn của tôi in trên Báo Văn nghệ trẻ, ông đại tá, trưởng phòng vốn là một nhà văn nổi tiếng với những truyện ngắn viết về chiến tranh điện ngay xuống Sư đoàn 10 nơi tôi công tác, ban một cái lệnh bất thường giữa đêm khuya: Cho ngay thằng Đỗ Tiến Thụy lên gặp tôi vào ngày mai! Sáng hôm sau tôi lái chiếc xe tải hiệu Gát-53 mới coóng chạy 50 cây số lên gặp anh. Mặc dù không biết trên lệnh là gì, nhưng tôi thì đoán chắc ông Nhâm gọi lên vì chuyện văn chương. Thế nên trong lòng tôi rất đỗi vui vẻ. 

Đại tá Đỗ Văn Nhâm năm đó 50 tuổi. Ông đang ngồi trước bàn làm việc đọc công văn. Đôi kính lão gọng đen, mắt kính sáng lấp lánh. Khuôn mặt ưu tư, vóc gầy, dáng mảnh, thật không tương thích với quân hàm và chức vụ. Từ con người ông toát ra dáng vẻ nho nhã, thanh cao. Thấy tôi tới, ông bỏ việc đó, tự tay pha trà, rót nước mời tôi khiến mấy sĩ quan cấp tá cùng phòng vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Chưa hết, ông còn lệnh cho Trung tá Trần Văn Hà đi chợ mua gà về làm cơm. Chu cha! Đời tôi từ bé đến lớn đây là lần đầu tiên thấy mình quan trọng đến... phát ngượng! Tình cảm của ông đại tá khiến cho tôi có cảm giác được sống trong gia đình. Thế nên tôi mới xưng hô theo lối gia đình. Thế nhưng mới nghe tiếng “chú” buột ra, mặt ông đại tá nghe chừng... kém tươi! Tôi chột dạ. Chết, hay là ông này muốn xưng hô theo điều lệnh? Tôi bèn gọi thủ trưởng xưng tôi. Mặt Đỗ Văn Nhâm càng tỏ ra... quân lệnh! Chuyện trò gượng gạo. Khi tôi về, ông đại tá ơ hờ bắt tay rất lỏng, nói một câu nhạt thếch: Cậu uống hơi nhiều, nhớ lái xe cẩn thận!

Mãi một năm sau, khi đã cùng là trại viên của một trại viết ở Nha Trang, tôi vẫn chưa lấy lại được cảm tình của Đỗ tiên sinh. Ông đại tá áp dụng điều lệnh nhà binh, bắt tôi ở cùng phòng, thực hiện chế độ đọc viết. Nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre), nhà văn Huỳnh Thạch Thảo (Phú Yên) thấy tôi bị đày đọa thế thì xót xa gạ gẫm: Ông ở với lão già khó tính ấy làm gì, xin sang ở với bọn tôi cho nó trẻ trung. Thấy có lý, tôi cũng định “chuồn”. Nhưng rồi lại nghĩ, chỉ vì ông ấy lầm lì với mình mà bỏ đi thì hóa ra người bạc nghĩa?  

Một buổi sáng, tôi vừa viết xong một cái truyện, kính cẩn cầm hai tay dâng trước mặt tiên sinh: Cháu nhờ... chú... nhờ... thủ trưởng đọc xem thế nào... Đỗ Văn Nhâm kéo trễ cặp kính xuống mũi nhìn tôi một phát cháy mặt, rồi buông một câu lạnh tanh: Để đấy! Tôi tự ái, suýt nữa thì lấy lại bản thảo. Nhưng Đỗ tiên sinh đã đổi ý, đưa tay đón lấy. Thời gian ông đại tá đọc bản thảo mới dài làm sao. Cứ mỗi lúc cặp mày của ông nhíu lại là bụng tôi lo thon thót. Mấy chục phút căng thẳng trôi qua. Trán tiên sinh lấm tấm mồ hôi. Cặp mắt ngài đại tá hình như... ươn ướt? Rồi bất ngờ ông buông bản thảo reo lên: “Thụy ơi, anh chúc mừng em!”.

Một khối căng tức được xả hơi vỡ òa thành niềm vui lan tỏa giữa hai thầy trò trong căn phòng vắng khiến cả ông đại tá và tay trung úy bất ngờ đổi tính. Cứ anh anh em em tự nhiên tự khi nào chẳng biết. Về sau, khi đã thân tình, tôi mới nhắc lại chuyện cũ: Bác có vẻ thích được gọi bằng anh, nhỉ? Đỗ Văn Nhâm hứ một cái rõ dài rồi quơ điếu cày làm một bi um khói. Xong ông mới thủng thẳng phán rằng: “Nhà văn ông nào chả thích được gọi bằng anh!”.

Năm 2000, lần đầu tiên tôi đến tòa soạn Văn nghệ Quân đội. Tôi lượn xe mấy lần trước ngôi nhà thâm nghiêm như một mái chùa mãi mới dám vào. Tôi là khách của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trong lúc chờ anh đến, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý pha trà mời tôi. Đang hỏi han mấy câu xã giao thì từ ngoài hành lang ló vào một khuôn mặt rất... ruộng đồng! Mái tóc rối mù như rơm. Nụ cười thơ thới đúng kiểu một lão nông hiếu khách. Lê Lựu! Tác giả của tiểu thuyết Thời xa vắng nổi tiếng! Tôi thầm reo lên trong bụng, nhưng miệng không biết ăn mắm ăn muối gì mà lại dại dột thốt lên một câu chào lễ phép: Cháu chào bác Lê Lựu ạ!

Khuôn mặt nông dân đang phởn phơ của Lê Lựu tức thì tối sầm. Ông quay ngoắt 180 độ bỏ đi. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thấy thế hấp tấp nhắc: Em phải gọi bác... Lê Lựu là... anh! 

Ra thế! “Nhà văn ông nào chả thích gọi bằng anh”, câu nói của Đỗ Văn Nhâm lại vụt trở về trong tôi. 

Lát sau Lê Lựu quay lại. Ông ra tủ thư cầm về một xấp sách báo, đi ngang qua phòng khách mà mặt vẫn “nhìn đất... nhìn trời... nhìn thẳng”. Tôi lấy hết can đảm chào to hòng chuộc lỗi: Em chào anh Lê Lựu ạ!

Tức thì Lê Lựu dừng tắp như một chiếc xe công nông thắng, quay ngoắt 90 độ rẽ vào phòng khách. Giọng nói ám khói thuốc lào cất lên rổn rảng: A, chào cậu! Cậu là Đỗ Tiến Thụy hả? Ở Tây Nguyên mới ra hả? Ôi, quý hóa! Quý hóa! Đi, đi làm một chai đi! Thế rồi Lê Lựu kéo chúng tôi sang quán số 5 Lý Nam Đế, đối diện tòa soạn uống bia, chuyện như pháo tết.

Ngẫm kỹ, tâm lý nhà văn trong việc xưng hô có một chút gì đó rất... trẻ con! Thực ra thì việc gọi bằng anh hay chú cũng chẳng phương hại gì lắm, nó chỉ thuần túy là một cách xưng hô mang tính xã hội. Tuy nhiên ở một vài trường hợp thì cũng hơi phiền. Như tôi chả hạn. Tôi  bị “cưỡng bức” gọi Đỗ Văn Nhâm là anh. Nhưng con trai của Đỗ Văn Nhâm trạc tuổi tôi, lại cũng viết văn, nên cứ anh Thụy mà gọi. Còn cô con gái xinh đẹp của Đỗ tiên sinh thì dứt khoát, chú là bạn của bố cháu, theo quan hệ bắc cầu thì cháu phải gọi chú là... chú, thế mới đau! Mỗi lần tôi đến nhà Đỗ Văn Nhâm chơi là một lần mọi người xưng hô lộn tùng phèo lên cả.…