Nhà văn Đỗ Tiến Thụy dùng văn chương bóc trần tham nhũng

ANTD.VN - Dành một năm để ngẫm ngợi, bốn năm để cầm bút viết miệt mài, cứ viết rồi chỉnh sửa, từng nhân vật tiếp nối hiện ra... Mới đây, nhà văn Đỗ Tiến Thụy hào hứng trình làng cuốn tiểu thuyết “Con chim joong bay từ A đến Z” phản ánh hiện thực đời sống xã hội thời hậu chiến vừa cuốn hút, bi hài lại vừa sâu cay, sinh động.

Là một nhà văn dễ “dị ứng” với những cái cũ, thành ra Đỗ Tiến Thụy cố gắng không dùng chi tiết đã "nhàm" trong văn chương. Cấu trúc tiểu thuyết “Con chim joong bay từ A đến Z” trộn lẫn các chi tiết cũ mới; ký ức, nghĩ suy hiện tại quá khứ đan xen không theo tuyến tính nào. 315 trang sách hài hòa với ba giọng kể: tác giả trung dung, con chim joong cảm tính nhiều hoài niệm và khẩu súng đại liên lý trí, sát thương lạnh lùng.

Theo nhà văn Đỗ Tiến Thụy: “Tiểu thuyết được kể với ba giọng giống như một dây thừng lớn được cấu thành từ ba sợi nhỏ bện chặt vào nhau. Nếu xuyên suốt chỉ với giọng tác giả thì sẽ nặng nề, để con chim đơn lẻ đưa vấn đề thì nhàm chán, khẩu súng tự sự từ đầu đến cuối thì quá dữ dội. Sự thay phiên giữa các giọng kể tạo nên sự tươi mới, linh hoạt”.

Việc đặt tên cho các chương tiểu thuyết khiến nhà văn Đỗ Tiến Thụy băn khoăn. Anh không muốn mình tiếp tục đánh số chương hay tên chương khái quát nội dung ngắn gọn nữa. Anh điền tên chương lần lượt dọc theo bảng chữ cái từ A đến Z. Để làm được điều này, nội dung tiểu thuyết phải nắn chỉnh sao cho câu chữ vừa vặn, gọn gàng, xếp chương không thừa không thiếu.

Con chim joong (vẹt), loài chim thân quen với mảnh đất Tây Nguyên có tài biết nói tiếng người xuất hiện trong tiểu thuyết từ chương đầu tới cuối. Anh hài lòng với tên “Con chim joong bay từ A đến Z” thú vị, chứa cả những hàm ý ẩn dụ về một vòng bay của con chim được mở - khép với những câu chuyện, thăng trầm, buồn vui, ẩn dụ, đa nghĩa...

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy dùng văn chương bóc trần tham nhũng  ảnh 1Bìa cuốn sách “Con chim joong bay từ A đến Z” của tác giả Đỗ Tiến Thụy

Liên tiếp xung đột, mâu thuẫn

Tiểu thuyết kể về ông Nguyễn Kim Khoa, khẩu đội trưởng 12 li 7 trong kháng chiến chống Mỹ. Đi qua mùa chiến chinh hào hùng, ông Khoa bước vào hòa bình phải đối diện với xã hội tồn tại những mặt trái, là tha hóa, là suy thoái. Ông bị mâu thuẫn giữa một bên là vợ con mưu mô tham tiền quyền, một bên là làm sao thanh liêm trong sạch. Khí khái nhà nho nông thôn của ông bị giằng xé,  đòi hỏi ông bày tỏ lập trường trước những cám dỗ mua quan bán chức.

Xoay quanh ông Khoa là các nhân vật cụ Tướng (bố vợ), cụ Trưởng (bố đẻ), bà Nga (vợ ông Khoa), cậu Gấu (con trai), Y Linh (người yêu), Y Ngoan (con gái riêng), lão Bẩm (bạn thân, đồng đội năm xưa)... Quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, đức hy sinh và sự vị kỷ, xung đột giữa các thế hệ... đã được thể hiện bằng một giọng văn linh hoạt, biến hóa và những ngôn từ đẹp của tác giả.

Độc giả vô cùng ấn tượng với nhân vật cụ Tướng, vị tướng quân quyết đoán được bao tướng cảm phục như một Bồ Tát Văn Thù giữa thời bình trồng sắn, tưới lan, nuôi một con ỉn và một con joong, ngồi viết lại những kinh nghiệm cầm quân năm xưa... Những ký ức thời chiến len lỏi trong tiểu thuyết như một đòn bẩy minh họa cho sự trái ngược: lịch sử anh dũng bước qua bao đau thương, người làm cách mạng với bao lý tưởng trong sáng, theo thời gian, một số cán bộ lại phũ phàng tha hóa, biến chất, cái chết của cụ Tướng khi đang dang dở theo đuổi khát khao diệt trừ tham nhũng như một sự đổ vỡ.

Tham nhũng – vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại được nhà văn Đỗ Tiến Thụy dành nhiều tâm huyết. Anh cho rằng bản thân anh không thể đứng ngoài thời cuộc, cần phản ánh nó chân thực, xác đáng, bóc trần những tệ hại của tham nhũng thông qua văn chương. Nhân vật cụ Tướng được anh kết tinh tinh thần của những vị tướng có văn, có võ mà anh từng có cơ duyên gặp gỡ. Anh kể đã đọc trên 20 hồi ký của các vị tướng để miêu tả chân thực nhất có thể nhân vật này.

“Sợ thì đừng viết, viết thì đừng sợ”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ: “Độc giả bây giờ khó tính, một cuốn sách không có nghệ thuật, độc giả buông ngay” và “Viết về chiến tranh vất vả, phải thâm nhập, tìm tư liệu. Không chắc chắn thì khả năng thất bại rất cao”. Vì vậy, anh luôn trăn trở rằng nên viết những cuốn sách thị trường bán chạy, công sức bỏ ra ít, hay kiên trì lao động văn chương chuyên nghiệp, viết sách nhọc nhằn lồng ghép tính nghệ thuật để tạo nên những thông điệp giá trị. Sự khéo léo sắp đặt những ý tứ, câu chữ của Đỗ Tiến Thụy đã biến hóa “Con chim joong bay từ A đến Z” trở thành một tiểu thuyết đa đề tài, không gian rộng, thời gian dài, nhân vật đa dạng. Từ đó, mỗi lớp độc giả sẽ thấy điều gì đó cho riêng mình, nhất là thế hệ trưởng thành sau chiến tranh.

Cái kết tiểu thuyết gợi mở, mang tư duy hình tượng của người Tây Nguyên khoáng đạt: “Rồi núi rừng sẽ phân định. Người tốt sẽ được đắp mộ bằng ngà voi và gạc hươu nai, người xấu mộ sẽ được đắp bằng bọ hung và ruồi nhặng...”. Bởi các nhân vật vẫn chưa giải quyết được các vấn đề nặng gánh, những vướng mắc chằng chịt đặt ra trong tác phẩm như: lòng tham, tốt xấu, lựa chọn những ngã rẽ cuộc đời... Đỗ Tiến Thụy phân trần: “Nguyên lý bi kịch là cái ác thắng, thiên lương thất bại tạm thời. Đó là thực tế tôi phải đưa ra nhằm dội thẳng vào cảm xúc, lay động người đọc, để người đọc tư duy và tìm ra lý tưởng ở đời sống thực khi gấp sách lại”.