Nhà văn Đỗ Phấn: Kể chuyện Hà Nội cả đời chưa vơi

ANTD.VN - Bắt đầu từ “Vắng mặt”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn viết về thực trạng đời sống đô thị Hà Nội ra đời gây tiếng vang năm 2009, cho đến nay, ông đã trình làng chừng 20 đầu sách. Cuốn nào cũng đầy ắp những chuyện mới, chuyện cũ về Hà Nội được ông kể bằng giọng nhẹ nhàng, chau chuốt, cùng kiến văn dày dặn thi thoảng nêm nếm vừa đủ độ hài hước.

Đọc Đỗ Phấn, gặp Đỗ Phấn, có duyên hơn nữa thì uống cùng ông mới hình dung được về một Hà Nội thời còn trong veo, với nếp ăn, nếp ở cùng tất thảy những đối nhân xử thế... mà giờ đây chỉ nghe lại thôi, đã thấy nó trở thành một cái gì đó quá xa xỉ. Đỗ Phấn hay kể lại chuyện cũ vừa vui mừng, vừa xa xót, cay đắng nuối tiếc. 20 cuốn sách gồm cả tạp văn và tiểu thuyết tưởng như “vốn” Hà Nội của ông đã cạn. Nhưng hóa không phải, những ký ức cũ, những câu chuyện mới ở thành phố này dẫu ông có viết cả đời cũng chưa thôi vơi.

Từng có bộ quy tắc cho công sở

- PV: Đọc những tác phẩm ông viết về Hà Nội, đăc biệt là “Dằng dặc triền sông mưa” (cuốn sách được giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội 2014-PV) thấy một Hà Nội trong veo, đáng yêu đến không lý giải được. Còn Hà Nội của thực tại thì sao, thưa nhà văn?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Hà Nội bây giờ dường như mất đi vài thứ. Toàn bộ khu phố cổ chỉ còn hiếm hoi bóng dáng cũ để hình dung. Có vài ngôi nhà được lựa chọn trùng tu nhưng cũng chỉ được phần mặt ngoài phố. Mái ngói lọt thỏm trong đống bê tông ngồn ngộn và bức bối. Nhưng kiến trúc vẫn chưa phải là chuyện đáng nói, câu chuyện văn hóa ứng xử của người Hà Nội bây giờ mới thực sự nghiêm trọng. 

- Ý ông là văn hóa ứng xử, giao tiếp của chúng ta đang ở mức báo động?

- Không phải bây giờ mới báo động đâu, mà báo động cả chục năm nay rồi. Ở mức nguy hiểm là đằng khác. Người dân thì bạ đâu vứt rác ở đấy, miễn không phải cửa nhà mình. Giao thông thì chen lấn xô đẩy, va vào nhau một cái thì sẵn sàng dùng tay chân để nói chuyện. Ngoài đường bây giờ bất kể già trẻ lớn bé không ai chịu nhường ai. Nhà cửa thì xây nhiều. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Ngoài đường lúc nào cũng đông, lúc nào cũng tắc. Bây giờ đã tắc sẵn rồi, chẳng cần xây thêm nhà cao tầng mới tắc đâu. Sẽ rất nguy hiểm nếu cứ để thành phố phát triển theo chiều hướng này. Mà không riêng gì Hà Nội, các thành phố lớn của ta đều bắt đầu lâm vào cảnh đó. Tập trung quá đông nên nảy sinh hệ lụy là vì thế.

- Tôi thấy về di sản kiến trúc, Hà Nội vẫn còn đấy chứ. Tôi đi ngoài đường và hay ngước lên tầng 2 của những ngôi nhà mặt phố thế nào cũng có một vài khung cửa màu xanh, những ban công cũ nhưng vẫn yêu kiều?

- Đúng là vài nơi còn, nhưng còn ít quá, không đủ để hình dung về Hà Nội. Hà Nội cổ và Hà Nội cũ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khu 36 phố phường kiến trúc nhà ống, vì kèo gỗ, mái ngói… tôi nghĩ là hết rồi. Còn vài cái vừa được trùng tu, họ làm kỹ lắm, nhưng chẳng ăn nhập gì với kiến trúc xung quanh. Bây giờ ngồi tàu hỏa, đoạn qua cầu ở phố Phùng Hưng nhìn xuống vẫn thấy một vài “mái ngói thâm nâu” nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái mà chúng ta đang thấy là kiến trúc thời thuộc Pháp. Những ngôi biệt thự xây bằng bê tông, cốt thép thì bền hơn. Mấy dãy phố còn biệt thự như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… có phong cách riêng nhưng gì thì gì, nó cũng là di sản theo nghĩa thuộc địa.

- Xã hội phát triển, nếu cứ khư khư  giữ lại mái ngói rêu phong thì kể ra cũng khó. Sinh ra và lớn lên ở một ngôi nhà cổ, cổ theo đúng nghĩa như ông nói, tôi thấy cuộc sống rất bất tiện.

- Kể ra cũng khó lắm. Nếu bảo tồn theo kiểu khoanh vùng thì kinh phí bỏ ra chắc phải là một khoản khổng lồ, ngoài khả năng của thành phố. Tôi cứ trộm nghĩ thế này, sao không tỉa những ngôi nhà có giá trị ra bảo tồn, ví như ngôi nhà vườn ở số 6 Đinh Liệt. Ngôi nhà ở trong ngõ, còn nguyên vẹn, chưa bị xuống cấp hay biến dạng. Hà Nội nên tập trung làm vài cái, hơn là cứ làm nhà ở mặt phố.

- Quay trở lại về chuyện văn hóa ứng xử ở Hà Nội, mấy ngày qua, truyền thông đưa nhiều về Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, công sở mà Sở VH-TT Hà Nội soạn thảo. Theo ông nếu ban hành Bộ Quy tắc này liệu có khả thi không?

- Tôi không quan tâm đến nội dung của Quy tắc đó lắm, tôi chỉ quan tâm đến việc tuyên truyền và áp dụng thế nào. Việc đó mới quan trọng và quyết định sự thành bại của văn bản kể trên. 100 năm trước, khi người Pháp còn áp đặt chế độ thuộc địa, họ đã có bộ quy tắc dành cho dân công sở rồi. Chi tiết hơn bây giờ nhiều. Thậm chí, đi giày ba ta trắng đến công sở còn phải thủ sẵn trong túi mấy viên phấn, hễ giầy bẩn không giặt được thì lấy phấn tô lên trắng bóc rồi mới vào làm việc. Chuyện văn minh nơi công sở, không phải người Hà Nội chưa được tiếp cận đâu. Xưa ông Tú, ông Phán ở sở Tây họ ăn mặc rất có nguyên tắc, đầu tóc chải bóng mượt, ra đường được xã hội kính nể và tiếng nói của họ có trọng lượng trong xã hội. Bây giờ nếp ấy mất dần, sách nhiễu cửa quyền, “hành là chính” ở nơi công sở đều có cả.

Nhà văn Đỗ Phấn: Kể chuyện Hà Nội cả đời chưa vơi ảnh 2Cuốn sách mới ra mắt của nhà văn Đỗ Phấn

Người Hà Nội ngày xưa có thể lãnh đạm, lạnh lùng thật đấy, nhưng họ cư xử với nhau lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn

Người Hà Nội không “tuyệt chủng”

- 20 cuốn sách ra đời, ông chỉ duy nhất để viết về Hà Nội, liệu viết mãi một đề tài như thế có bao giờ ông thấy nhàm chán?

- Thế mà tôi vẫn thấy chưa viết được bao nhiêu đâu. Thú thật, tôi mới viết kỹ được mấy phần là chiến tranh, sơ tán, Hà Nội đương đại. Chứ còn thời bao cấp tôi mới chỉ động chạm đến trong vài tản văn ngắn, những dòng nhắc nhớ ký ức rời rạc. Đó là một khoảng thời gian vừa xây dựng đất nước ở miền Bắc, vừa chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền  Nam. Phải có sức bao quát lớn mới có thể viết về thời đó. 

- Lại nói chuyện thời bao cấp, bây giờ, bố mẹ, bà ngoại tôi rất hay đem chuyện thời nay ra so sánh với ngày xưa. Những câu chuyện của họ hiện lên đầy thiếu thốn, nhưng sao tình người ngày ấy tuyệt vời thế nhỉ?

- Đó là khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 và nó còn kéo dài qua giai đoạn đầu Đổi mới với dấu mốc là năm 1986. Tôi sinh ra và lớn lên trong trọn vẹn thời bao cấp đó. Con người chúng tôi ngày ấy sống trong khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng với một niềm tin và lý tưởng kỳ lạ, đến giờ tôi cũng không giải thích nổi. Sao sống nghèo khổ thế, đói ăn thế mà vẫn giành chiến thắng trước một đối thủ giàu mạnh nhất thế giới? Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ các nhà văn chúng tôi khi bắt tay viết tác phẩm về thời này phải lý giải cho bằng được.Và sao ngày ấy chúng ta nghèo khó mà lại sống lương thiện, trong trẻo và tốt đến vậy? 

- Hôm trước nhà tôi bị mất trộm, trộm vặt thôi. Mẹ tôi chỉ chép miệng thở dài rồi bảo, thời bao cấp có quên khóa cửa thì hàng xóm đi qua cũng vào khép cửa cho, chẳng mất cái gì bao giờ. Có phải chúng ta đang “phú quý giật lùi”?

- Không chỉ là giật lùi đâu mà còn nguy hiểm. Tôi chuyển nhà về đây đã 10 năm mà không biết hàng xóm tên gì. Ai cũng vội vàng, cũng có việc của riêng mình cả, thành ra chẳng quan tâm tới nhau. Người Hà Nội ngày xưa có thể lãnh đạm, lạnh lùng thật đấy, nhưng họ cư xử với nhau lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn, không như bây giờ, hàng xóm nhìn nhau thậm chí còn sợ, vì “không hiểu lão kia thuộc cái dạng gì”. 

- Không biết có phải tôi là người hoài cổ không, bởi lẽ, tôi cứ thích ngắm nhìn các bức ảnh Hà Nội thời kỳ bao cấp.

- Những bức ảnh cũ gợi cho chúng ta sự ấm áp. Ấm áp từ trong giao tiếp. Tết nhất đi chợ hoa, có đi vòng quanh cả chợ, hỏi han mặc cả rồi không mua cũng không sao. Giờ mà chỉ hỏi không mua thế nào cũng bị ăn chửi.

- Cách đây 1 năm, Báo ANTĐ có mở 2 chuyên mục “Chuyện phố” và “Sống ở Hà Nội” dành để bàn về Hà Nội. Khi tôi chia sẻ những bài viết đó trên mạng xã hội có vài người bảo với tôi rằng “Người Hà Nội tuyệt chủng hết rồi còn đâu”. Là một người Hà Nội, ông đón nhận thông tin mình “tuyệt chủng” thế nào?

- Đấy là họ nhìn bề nổi thôi, phàm là người Hà Nội họ không vỗ ngực xưng mình là người Hà Nội bao giờ. Nhưng vì sao người ta hay nói, thậm chí là tưởng “tuyệt chủng rồi” là bởi, họ không phải người Hà Nội. Bây giờ, tỷ lệ người sinh ra, lớn lên độ một vài đời ở thành phố này quá nhỏ nhoi so với tỷ lệ toàn thể dân số. Nhà tôi ở cạnh Bờ Hồ, thời gian biến đổi, gia đình tôi  dịch ra phố Thợ Nhuộm, rồi Mai Hắc Đế và bây giờ là phố Giang Văn Minh. Thời tôi bé, ra đến bến xe Kim Mã là ngoại thành Hà Nội rồi. Người Hà Nội đã ít thì chớ, lại còn bị dịch ra khỏi trung tâm thành phố. Lý do là, tôi làm sao mà nhiều tiền được bằng gã mua lại ngôi nhà tôi ở Bà Triệu được. Bây giờ, quanh nhà tôi cũng toàn người tỉnh ngoài lên mua nhà sinh sống cả.

- Có bao giờ nhà văn thất vọng vì Hà Nội của mình?

- Chưa bao giờ cả, ngược lại tôi hy vọng. Bởi lẽ khi mọi sự đông đúc nhốn nháo bị đẩy lên đến tận cùng của những luộm thuộm thì ắt sẽ phải thay đổi.

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện, chúc ông năm mới mạnh khỏe!