Nhà văn Chu Lai: 10% phụ nữ ấn tượng... cực xấu về tôi!

ANTĐ - Gặp Chu Lai bây giờ rất khó. Thoắt cái lại thấy ông xách vali đi tỉnh, lúc lại tất bật “chạy sô” ở tận nước ngoài. Mãi mới “tóm” được nhà văn “Ăn mày dĩ vãng” một buổi sớm thu “chôn chân” ở nhà, nghe ông trải lòng về sự bận  bịu và... uể oải nói về cái đẹp!

Yêu cái đẹp, nhà văn Chu Lai cũng rất có duyên với các cuộc thi sắc đẹp và... đứng cùng người đẹp!


Hạ “cơn sốt” văn chương...

- PV: Dạo này thấy ông ít lộ diện trên văn đàn, người ta đồn Chu Lai đang... “dưỡng già”?

-  Nhà văn Chu Lai: Thế này nhé, trên đường đi đến một tỉnh nào đó, có người hối hả chạy về nhà ôm cả chồng tiểu thuyết ra bảo: “Em mua toàn sách của anh mà bây giờ mới gặp, anh ký tặng em vài chữ!“. Nhìn đống sách, tôi không tin nổi mình viết lắm thế, mà sách lại bán chạy. Điều đó có nghĩa là sau một thời gian lên “cơn sốt” văn chương thì bắt đầu thấy kiệt sức, cứ đâm đầu vào viết nữa thế nào cũng cho ra những trang viết... ngớ ngẩn. Đúng lúc đó lại vướng vào... “nghiệp chướng” sân khấu, trong một lần tôi đi công tác ở Sài Gòn, ở Hà Nội giới nghệ sĩ tiến hành Đại hội Sân khấu toàn quốc, bầu tôi vào Ban chấp hành, Ban chấp hành lại bầu vào Thường vụ rồi giao cho nắm mảng quan trọng nhất của sân khấu là kịch bản. Thế là gần 2 năm nay phải tạm gác bút đi lo mở trại, tổ chức các cuộc thi, lo “sức khỏe” cho các kịch bản sân khấu trong Nam ngoài Bắc. Mà mỗi lần như thế mất toi tới vài ba tháng rồi.

- PV: Cả khi được tín nhiệm đặt vào thế “đã rồi” thì ông vẫn có quyền từ chối kia mà?

- Từ chối là cả một nghệ thuật đấy. Vả lại cái duyên nghệ thuật nó tự tìm đến mình, không từ chối được. Nhiều khi cũng muốn trở về cõi tĩnh để cầm bút nhưng trót làm rồi, trót nhận sự tin cậy của mọi người rồi nên không nỡ phụ lòng. Ai ngờ càng đi lại càng sa lầy. Mà làm với tất cả sự tự trọng thì càng làm càng “đẻ” ra ối việc, làm không xuể.

- PV: Nghe như thể năng lượng viết đang “nguội” dần đi trong ông vậy?

-  Nguyên lý của tôi là càng cảm thấy mệt mỏi tức là còn viết được nữa, chứ sau một cuốn sách mà thấy cười ha hả suốt ngày thì khó viết tiếp được lắm. Vấn đề là thời gian và sức viết thôi. Trước đây tôi viết như nhập đồng, cùng lắm 1 năm xong 1 cuốn tiểu thuyết, giờ dễ chừng phải mất 2 tới 3 năm.

- PV: Liệu có phải tuổi càng cao thì sức viết càng chậm lại không, thưa nhà văn?

- Một phần thôi. Sau một đoạn đường dài phải leo dốc, vượt sa mạc kể ra cũng oải thật. Giống như người ta suốt đời bươn chải với đồng tiền, đến khi có tiền rồi lại cảm thấy trống rỗng. Người viết văn cũng thế, suốt đời vật vã để khẳng định năng lực văn chương, tới khi có rồi đâm trễ nải. Sợ nhất không phải tuổi tác, sức khỏe, trữ lượng tâm hồn, càng không phải vốn sống mà là bỗng một ngày thấy mọi thứ hư vô là thế.

Ăn uống khó khăn, yêu đương nhọc nhằn...

- PV: Bận rộn thế chắc ông không còn thời gian “đá sân ngoài” với nghề tay trái là làm giám khảo khắp các hội diễn đến hội thi đâu nhỉ?

- Vẫn có chứ nhưng cũng còn tùy. Vừa rồi họ mời tôi đi chấm “Bước nhảy Hoàn vũ” nhưng tôi từ chối vì thấy sân chơi đấy phù hợp với các đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ hơn là nhà văn. Nhưng giờ mà mời tôi chấm thi Hoa hậu thì tôi vẫn nhận vì vẻ đẹp nhan sắc qua con mắt của nhà văn không chỉ đơn thuần là số đo mà còn là chiều sâu tâm hồn nữa.

- PV: Chấm thi Hoa hậu đủ cả từ thiếu nữ đến quý bà, thật lòng mà nói đã có giây phút nào ông thấy “rung rinh” trước một nhan sắc chưa?

- Chấm mấy cuộc ấy, tôi rất... cơ khí, toàn dùng lôgic soi sáng, thành ra chẳng bao giờ “rung rinh” cả. Với lại cũng đến tuổi ăn uống khó khăn, yêu đương nhọc nhằn rồi. Có “fan” nữ trong Huế gọi điện bảo: “Chú ơi cháu đang ở Hà Nội và tha thiết muốn gặp chú, cháu hâm mộ chú lâu rồi”. Nhà văn nào thấy có cô gái hâm mộ mình mà chả xúc động và tò mò muốn biết xem cô ấy đẹp hay không, tâm hồn mênh mông hay cạn hẹp. Nhưng rồi lại mong không gặp, để mình đi về nhà giữa gió rét mưa phùn mở tivi xem thời sự còn hơn...

- PV: Mà nếu có chắc chẳng dại gì ông... “tự thú” với vợ đâu nhỉ, vì có lần ông chẳng bảo “sợ vợ là một giá trị của đàn ông” đấy thôi?

- Câu nói đó muôn đời đúng mà. Đàn ông sợ vợ thường bởi họ có nhược điểm ghê gớm lắm như cờ bạc rượu chè, phá phách... nhưng họ ít khi nhận rằng mình sợ vợ. Còn tay đàn ông nào mà dám nói ra câu ấy tức là làm chủ được gia đình rồi, chẳng có gì phải sợ,

kể cả... vợ!

- PV: Hình như có lần ông từng nói đối với phụ nữ, gây ấn tượng dù xấu hay tốt cũng đã là thắng 50%. Thế đã bao giờ ông trót gây ấn tượng... xấu với người đẹp nào chưa, thưa nhà văn?

- Nếu chia tỷ lệ ra như thế thì 80% có ấn tượng tốt về tôi, 20% ấn tượng không tốt, nếu không muốn nói là 10% ấn tượng cực xấu. Họ ít khi bị thất vọng về dáng vẻ bề ngoài của Chu Lai mà thất vọng về tính cách hay cáu kỉnh và khinh bạc thôi.

- PV: Giả sử một buổi sáng tỉnh giấc, tất cả phụ nữ trên hành tinh này (trong đó có vợ ông) đều có số đo giống nhau, răng khểnh như nhau, đôi mắt lúng liếng từa tựa nhau thì ông nghĩ sao?

- Thế thì thành thảm họa mất rồi. Có lần tôi gặp ca sĩ Mỹ Dung ngoài đời, xưa nay chỉ thấy cô ấy trên truyền hình, thấy có đôi mắt biết nói, miệng tươi, giọng hát khá. Nhưng khi gặp trực diện rồi mới thấy đó là một vẻ đẹp hoàn chỉnh. Tôi mới bảo: “Cháu có một hiểm họa, tất cả mọi thứ trên người đều đẹp thì đó là bất hạnh”. Bởi cái đẹp cần được so sánh với cái không đẹp mới được chứ không thì hóa ra... ma nơ canh à!

Nhà văn Chu Lai: “Tôi đến tuổi ăn uống khó khăn, yêu đương nhọc nhằn rồi”...


Con đường đẹp nhất là từ nhà riêng đến... nhà xác!

- PV: Người ta vẫn bảo “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, ông thì sao, đã có lúc nào rơi vào cảm giác bị... “đuổi” chưa, thưa nhà văn?

- Ơn trời tôi được ông cụ thân sinh để lại cho cái gene về thể lực nên đến tuổi này chưa có bệnh tật nặng nề gì trong người cả. Có lần vào viện 108 khám, cô bác sĩ bảo tôi phải vào viện khám thường kỳ. Tôi lắc đầu bảo tôi đã quyết định con đường đẹp nhất của đời mình là từ nhà riêng đến... nhà xác, không qua trung chuyển khám xét gì cả. Quả thực 15 phút sau khi khám xong tôi được tuyên “trắng án”, không bệnh tật gì, phổi sáng trưng dù hút thuốc bao nhiêu năm nay. Vả lại tuổi gì thì tuổi, tôi vẫn nuôi mộng lãng du đó đây, thỉnh thoảng rong ruổi với cái ô tô đổ đầy xăng, mang theo cái thẻ ATM đi khắp nơi. Còn gì thú bằng.

- PV: Lần đi xa gần đây nhất của ông là đi đâu thế?

- À là đi xuyên Việt với hai ông bạn già Hà Phạm Phú và Hà Đình Cẩn. Nhiều người bảo thôi xong, 3 ông già 3 tính cách trái nhau, đi đến Thường Tín thế nào cũng cãi nhau quay lại. Vậy nhưng đến Quảng Trị mới... cãi nhau, lúc đó thì đi nửa đường rồi nên không quay lại nữa. Đi tiếp thành ra lại thân nhau.

- PV: Xin cảm ơn và chúc sức khỏe nhà văn!