Lấy dao làm bút
Hôm đó tôi tìm đến huyện Nguyên Bình hỏi đường vào nhà ông, nhiều người nhiệt tình chỉ dẫn. Có thể nói, kể từ khi xuất hiện Bàn Tài Đoàn, người Dao mới có nhà thơ của dân tộc mình. Thơ ông được người Dao ở Nguyên Bình - quê hương ông đón nhận nhiệt tình. Những người chưa biết chữ thì ông đọc cho họ nghe.
Những bài thơ đầu tiên của Bàn Tài Đoàn đã cổ vũ mạnh mẽ người Dao đi theo cách mạng. Trong lời giới thiệu tập thơ in bằng hai ngôn ngữ Việt - Dao “Bó đuốc sáng” (NXB Văn hoá Dân tộc) có viết: “Cuộc đời của nhà thơ có thể tượng trưng cho sự thay đổi của dân tộc Dao, xưa kia quằn quại trong đói nghèo lạc hậu, bệnh tật. Từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đời sống của dân tộc Dao trong đó có nhà thơ được no ấm, được học hành và có quyền bình đẳng cùng các dân tộc khác trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam. Ông đã làm thơ cả cuộc đời từ khi được giác ngộ Cách mạng. Ông vừa hoạt động cách mạng vừa sáng tác, làm thơ chính là để phục vụ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Những vần thơ của ông luôn ca ngợi quê hương, con người cũng như giúp nhiều người ở các vùng đất khác hiểu hơn, yêu hơn cộng đồng người Dao ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng như Nguyên Bình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ không được đi học nhưng Bàn Tài Đoàn lại bộc lộ sớm năng khiếu thơ ca. Ông làm thơ cùng với học chữ. Những bài thơ đầu tiên của ông được viết trên lá chuối, lấy dao làm bút, khắc lên đó rồi phơi khô. Có thể nói, Bàn Tài Đoàn là một trong những nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.
Không có cách mạng, không có nhà thơ Bàn Tài Đoàn
Trong Hồi ký, Bàn Tài Đoàn viết: “Không có cách mạng, không có Đảng, không có Bàn Tài Đoàn và càng không có nhà thơ Bàn Tài Đoàn…”.
Thơ ông trong sáng, hồn hậu như suy nghĩ thuỷ chung của người dân tộc vậy. Ông làm thơ ca ngợi Đảng: “Việt Nam có được Đảng Cộng sản/ Theo đường Lênin hướng đi lên/ Như là ta có một bó đuốc/ Soi cho ta thấy ánh sáng đường đi” (Bó đuốc sáng). Và đây là những lời ca ngợi nhờ ơn Đảng, Bác Hồ mà nhân dân được ấm no, văn minh: “Có ai muốn lên Đồng Văn chơi/ Ra đường lên xe đi nghe thấy/ Còn muốn ngồi thêm đã đến nơi/ Đường này Chính phủ Cụ Hồ mở/ Mở thành đường tốt cho người dân” (Đường lên Đồng Văn). Cũng có khi là những câu thơ chan chứa nghĩa tình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh - người thầy đã dìu dắt ông đến với cách mạng, với thơ: “Đồng chí tình thân như ruột thịt/ Dìu dắt tôi đi bước đường thơ/ Giấy bằng lá chuối, dao làm bút/ Ngày nay nên người nhớ lại xưa” (Gặp đồng chí Văn).
Đến các bản làng người Dao sẽ thấy, có người không biết nói tiếng phổ thông nhưng lại rất nhớ và thuộc thơ Bàn Tài Đoàn, bởi thơ ông mộc mạc, chân chất như con người ông đã nói hộ tấm lòng họ trước cuộc đời. Không ít người Dao khi đi chợ phiên ở thị trấn Nguyên Bình vẫn thường hay đến xin thơ Bàn Tài Đoàn.
Căn nhà vợ chồng ông ở nằm cách mặt đường vào chợ huyện Nguyên Bình vài chục bước chân. Trước cửa nhà, có chiếc ao nhỏ. Mép ao có mấy cây hoa hồng đỏ thắm thoang thoảng hương thơm. Vợ ông ra đón, dẫn khách vào nhà. Lúc ấy, thi sĩ của những vần thơ “Con khóc đòi ăn cơm chấm muối / Mẹ tìm đâu hạt muối cho con? Mẹ dỗ: con ơi đừng khóc nữa / Bố gánh củi đi chợ đổi muối rồi / Con nín nghe theo lời mẹ bảo / Bố về được muối đầu đũa ngon…” (Muối của Cụ Hồ) đang ngồi ở mép giường, ông có vẻ yếu nhiều. Vợ ông dìu ông ngồi lên chiếc ghế. Bàn Tài Đoàn vui vẻ khi thấy khách lạ đến chơi. Nhưng tuổi cao khiến suy nghĩ của ông đã chậm, lời nói cũng chậm. Vợ ông nhiều khi phải “phiên dịch” cho chồng. Bà bảo ngôi nhà 3 gian này là món quà của Đảng bộ và UBND tỉnh Cao Bằng xây tặng cho đồng chí lão thành cách mạng, nhà thơ Bàn Tài Đoàn.
Tôi không thể ngờ, đó là lần duy nhất được gặp thi sĩ độc đáo nhất của cộng đồng người Dao Bàn Tài Đoàn. Bởi những lần sau đến Cao Bằng, thì hay tin ông cùng với cả gia đình đã theo con trai cả vào Đăk Lăk, rồi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17-11-2007, thọ 95 tuổi.
Nhà thơ Bàn Tài Đoàn tên thật là Bàn Tài Tuyên, sinh tại Slí Kèng, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Người trực tiếp dìu dắt, giác ngộ cho Bàn Tài Đoàn là đồng chí Văn – tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã sớm nhận ra năng khiếu bẩm sinh về văn thơ trong chàng trai người Dao Bàn Tài Tuyên nên đã giới thiệu với cơ quan văn hóa để bồi dưỡng trở thành cán bộ nòng cốt.
Ông từng là bộ đội, từng giữ các trọng trách: Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Khu tự trị Việt Bắc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam…
Bài Tài Đoàn đã nhận được nhiều huân, huy chương và giải thưởng văn học, trong đó phải kể đến giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 1-2001).