- Don Nguyễn vui đùa cùng các em nhỏ trong "Trung thu hội ngộ"
- Lớp học làm bánh Trung thu miễn phí dành cho các em nhỏ
- Chơi Trung thu 2015 trên phố cổ Hà Nội có gì vui?
Nghệ nhân Phạm Văn Quang (59 Hàng Quạt) làm khuôn bánh Trung thu (Ảnh của Lê Bích)
Nhớ một thời khó khăn
Để ghi lại hình bóng những người giữ hồn Trung thu, nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã thực hiện bộ ảnh về các nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Bộ ảnh này là một lát cắt trong bộ ảnh chung về làng nghề truyền thống được nhà nhiếp ảnh Lê Bích thực hiện trong nhiều năm.
Dù tên gọi “Những người giữ hồn Trung thu” tương đối giống với bộ ảnh chung “Những người giữ tinh hoa”, nhưng sau một hồi chọn đi chọn lại, tay máy này vẫn quyết định giữ nguyên tên gọi, để níu giữ những ký ức dù xưa cũ nhưng chẳng thể lãng quên.
Lê Bích vẫn nhớ, mỗi dịp Trung thu, món quà anh thường được bố mẹ mua cho là một chiếc tàu thủy bằng sắt tây hay những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh. Cậu bé Lê Bích ngày ấy thường đua tàu thủy đồ chơi với cậu bạn hàng xóm. Những kỷ niệm ấy đã theo anh đến suốt cuộc đời. Đó là những ký ức hiện thân cho cuộc sống đơn sơ về vật chất nhưng đầy ắp niềm vui. Đặc biệt, trẻ con dù ít đồ chơi, chỉ vài chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân lung linh tỏa sáng nhưng lớn lên, không ai quên về một thời đã qua.
Khi bắt tay vào thực hiện bộ ảnh này, Lê Bích đã được an ủi phần nào khi một góc nhỏ của Hà Nội nói riêng và một góc nhỏ của làng quê Bắc bộ vẫn còn những người thợ cần mẫn lưu giữ bí quyết, làm nên những món đồ truyền thống độc đáo cho trẻ nhỏ vui Trung thu. Dù cho những người đó không nhiều, nhưng họ vẫn miệt mài và gắn bó với nghề, góp phần lưu giữ nét tinh hoa truyền thống.
Sự chuyển mình của các làng nghề
10 câu chuyện về “Những người giữ hồn Trung thu” được nhà nhiếp ảnh Lê Bích thực hiện theo lối kể chuyện (bộ ảnh) về các nghệ nhân. Mỗi người ở một nơi khác nhau nhưng giữa họ có một mẫu số chung là sự tiếc nuối về một thời hoàng kim của làng nghề.
Trở đi trở lại làng Gạo (Vụ Bản, Nam Định) nhiều lần, Lê Bích kể, anh không khỏi bùi ngùi khi làng nghề nổi tiếng chuyên làm lân sư một thời giờ chỉ còn vỏn vẹn 3 gia đình bền bỉ theo nghề. Nếu như trước kia lân sư thường được làm thủ công, bồi nhiều lớp để chắc đậm, dùng qua mấy mùa thì đầu lân bây giờ đã được cải tiến để nhẹ hơn, cách bồi giấy thủ công được thay bằng vải lót, kim sa óng ánh…
Dù nét truyền thống vẫn còn lưu giữ trong cách làm cốt, làm khung nhưng Lê Bích không khỏi chạnh lòng khi các đầu lân Việt lại sặc sỡ và khá giống với đầu lân Trung Quốc. Chưa kể, những chiếc đèn kéo quân (đèn cù) ở thôn Đan Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai thay vì thắp nến tạo ánh màu lung linh như truyền thống đã được người làng bổ sung thêm động cơ điện mini và đèn led để các bé dễ chơi…
Đi đến làng nghề nào, nhà nhiếp ảnh này đều nhận thấy sự chuyển mình trong cách làm đồ chơi và cách đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Theo chân những “con tàu tuổi thơ” về làng Khương Hạ, Lê Bích chứng kiến cách làm du lịch hiệu quả của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng.
Nghệ nhân này không chỉ biết tạo nên các con tàu đẹp mắt mà còn biết kết hợp với các công ty du lịch để đưa khách đến thăm nhà và bán hàng ngay tại xưởng. Từng sự thay đổi ấy, nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã ghi trọn trong bộ ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”.
Cũng qua bộ ảnh, sự trăn trở của người cầm máy đã được bộc bạch, hay đúng hơn, 10 câu chuyện được bày ra trước mắt người xem thực chất là câu chuyện về bảo tồn và phát triển làng nghề. Sự thay đổi là cần thiết nhưng hướng đi nào để sản phẩm làng nghề vẫn giữ được nét truyền thống mà lại không lạc hậu với thời thế, thực sự không đơn giản.
Ở vai trò người cầm máy, Lê Bích chỉ dám khơi vấn đề và hy vọng thế hệ trẻ vào mỗi dịp Trung thu sẽ tiếp tục được cầm trên tay chiếc đèn ông sao đi chơi phố hay cây đèn cù tỏa ra thứ ánh sáng huyền ảo và không quên về cội nguồn dân tộc.
Bộ ảnh “Những người giữ hồn Trung thu” sẽ trưng bày tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) vào ngày 9-9 và là một hoạt động của Lễ hội Trung thu phố cổ năm 2016.