Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Tôi thích “cái thần” của hát Xoan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị hát Xoan ra cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng cộng sự đã thực hiện dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan”. Đây là dự án 100% xã hội hóa do anh làm chủ nhiệm. An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng vị nhạc sĩ về dự án có ý nghĩa đặc biệt này.

- Phóng viên: Xin chào nhạc sĩ Nguyễn Quang Long! Anh được biết đến là người có nhiều sản phẩm về Xẩm và đam mê Quan họ. Nhưng với những người quan tâm đến nhạc truyền thống thì việc bỗng dưng anh công bố có nhân duyên với hát Xoan suốt hơn 1 thập kỷ nay có lẽ là khá bất ngờ. Anh có thể chia sẻ thêm về mối nhân duyên này không?

- Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Quả thật mối nhân duyên của tôi với hát Xoan đã kéo dài hơn 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, dù không thường xuyên, nhưng tôi vẫn lặng lẽ đồng hành cùng các phường Xoan trong tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc độc đáo này. Tôi cũng đã từng thực hiện một số dự án đáng nhớ cho hát Xoan. Đáng nhớ nhất là năm 2013 thực hiện bộ 2 DVD “Hát Xoan Phú Thọ - 26 bài Xoan cổ”.

“Mối nhân duyên của tôi với hát Xoan đã kéo dài hơn 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, dù không thường xuyên, nhưng tôi vẫn lặng lẽ đồng hành cùng các phường Xoan trong tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc độc đáo này”

“Mối nhân duyên của tôi với hát Xoan đã kéo dài hơn 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, dù không thường xuyên, nhưng tôi vẫn lặng lẽ đồng hành cùng các phường Xoan trong tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc độc đáo này”

Đây là dự án đầu tiên có sản phẩm album thực hiện chuyên nghiệp đạt chất lượng cao cả về kỹ thuật thu âm lẫn thu hình. Dự án này do Bộ VHTT&DL chỉ đạo sản xuất, Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina) thực hiện. Từ mối duyên gặp Xoan, nghe thấy Xoan có những nét rất riêng, nếu như Quan họ duyên dáng, Xẩm đáo để thì hát Xoan dung dị mà càng nghe càng thấy có tinh thần hứng khởi. Tôi thích cái thần ấy, thích cả cách các nghệ nhân trình diễn, những động tác múa cũng đều có thông điệp gắn liền với nội dung và âm nhạc của mỗi bài Xoan.

- Điều gì đã thôi thúc anh muốn gắn bó với hát Xoan?

- Chính là tinh thần, nhiệt huyết của các nghệ nhân thực hành hát Xoan. Chẳng hạn như khi tôi cần một việc gì đó liên quan đến Xoan, mọi người sẽ rất nhiệt tình. Nếu gặp gỡ nói chuyện với các nghệ nhân thì câu chuyện luôn liên quan đến Xoan và có thể là đề tài bất tận. Mọi người sẽ kể về gia đình với những thế hệ, những thành viên từng tham gia hát Xoan, những câu chuyện liên quan đến Xoan gắn với cuộc đời của họ.

Tôi thỉnh thoảng rảnh lại lên Xoan chơi, như độ 10 năm trước, ngay sau khi tôi thực hiện xong dự án 26 bài Xoan cổ, tôi ghé lên thăm một vài cụ nghệ nhân. Tôi nhớ mãi lần ghé thăm gia đình nghệ nhân Lê Thị Tú, ngồi uống trà với cụ ở dưới gốc trám trong sân, về còn được nhận quà. Bây giờ, cụ Tú và các cụ cùng thế hệ đã về với tổ tiên gần hết. Lứa nghệ nhân sau như Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch (trùm phường Xoan An Thái) hay Nghệ nhân Ưu tú Bùi Kiều Nga (trùm phường Xoan Thét) cũng vậy. Mỗi lần ghé thăm là vui như Tết, tiếp đón như người nhà, như khách quý.

- Ngoài tình yêu mà các nghệ nhân dành cho hát Xoan, còn ấn tượng nào khác mà anh nhận thấy khi tìm hiểu về bộ môn âm nhạc truyền thống này không?

- Có nhiều ấn tượng khi tôi làm việc, tiếp xúc với nghệ nhân hát Xoan, nhất là cách các phường Xoan duy trì nhân sự. Mỗi lần tôi có một hoạt động nào đó về Xoan thì dường như lại thấy có sự thay đổi nhân sự, không lần nào giống như lần nào. Điều này cho thấy các phường Xoan có nhân sự dồi dào. Nhưng thay đổi chủ yếu liên quan đến các nhân sự trẻ. Như lần gặp gỡ gần đây ở đình Thét, trong số 8 nghệ nhân tham gia, ngoài 4 nghệ nhân lớn tuổi thì 4 nghệ nhân còn lại đều trung tuổi, trong đó có 2 anh chị đều đã từng đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản.

Trong đó, anh Nguyễn Văn Thắng (39 tuổi) hiện công việc chính là lái xe cho một hãng taxi tại Việt Trì và luôn có mặt trong các hoạt động của phường Xoan. Hay trong số các thành viên phường Xoan tham gia vào dự án hồi tháng 7-2023 có thành viên rất trẻ là Nguyễn Minh Trí (sinh năm 2005). Trí đánh trống và dẫn cách rất tốt. Nhà có bà nội là Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn (cũng tham gia dự án) nên Trí học Xoan từ lúc 5 tuổi. Dịp thực hiện dự án là Trí vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Hiện nay, Trí đang ở bên Nhật và trong tương lai sẽ trở về và tiếp tục gắn bó với Xoan.

- Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm thú vị trong quá trình nối dài mối nhân duyên với hát Xoan không?

- Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là khi thực hiện dự án năm 2013. Ngoài 13 quả cách chính thức nằm trong chặng hát trung tâm đã rất quen thuộc với các thành viên, tôi nghe thấy mọi người nói rằng còn có 1 quả cách thứ 14. Nhưng thời điểm đó trở về trước, nó chỉ tồn tại trong trí nhớ của mọi người, hầu như không được vang lên và có những ngần ngại khi hát bài này. Tôi hỏi nhà nghiên cứu Phạm Bá Khiêm (lúc đó là Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ) thì được biết hiện văn bản vẫn còn và nó được lưu giữ bởi Giám đốc Bảo tàng Phú Thọ.

Chúng tôi đã liên hệ và xin lại văn bản. Sau khi đọc thấy hay quá, tôi liền trao đổi với ông Khiêm, với các nhà nghiên cứu văn hóa của Phú Thọ thì được biết quả cách thứ 14 này có tên là “Chơi Dâu cách”, là một sự phá lệ của các nghệ nhân xưa. Cụ thể là câu chuyện giao lưu giữa các nghệ nhân Xoan thuộc phường Xoan Phù Đức với các nghệ nhân trong lễ hội chùa Dâu (Bắc Ninh) xa xưa. Khi ấy các cụ nghệ nhân Xoan về dự hội và giống như để tỏ lòng với người Quan họ bằng cách sáng tạo ra bài “Chơi Dâu cách”.

Tuy nhiên, sở dĩ bài không được hát ở 4 phường Xoan trong nhiều năm, thậm chí mọi người còn có cảm giác e ngại khi nhắc tới việc hát bài này bởi chặng hát quả cách mang tính thiêng. Cùng với hát thờ, hát quả cách được trình diễn ở bên trong đình, hát mang tính nghi lễ, tính linh thiêng, nên các nghệ nhân hầu như không dám hát ở phần hát hội. Tôi cùng các đồng nghiệp Nhà xuất bản Âm nhạc khi ấy phải lấy lý do thực hiện thử nghiệm để làm tư liệu. Rất may phương án này được các nghệ nhân đồng ý. Đợt đó ngoài phường Xoan Phù Đức còn có sự tham gia của nghệ nhân phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét. Bây giờ “Chơi Dâu cách” đã là bài quen thuộc trong hệ thống bài của các phường Xoan.

- Trở lại với dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan”, điều thú vị là anh quyết định ra mắt trên kênh Youtube “Dân ca & nhạc cổ truyền”. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?

- Đúng là ngay từ đầu tôi đã mong muốn thực hiện dự án này mang đặc trưng của thời đại số, với mục đích giới thiệu và lan tỏa hát Xoan trên không gian mạng. Dự án tập trung vào giá trị thực nhất có thể, cả trong âm nhạc cũng như hình ảnh. Trong khi, bên cạnh phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan bao gồm 3 bài thuộc “Chặng hát thờ” và 13 bài thuộc “Chặng quả cách”, phần nội dung còn có thêm một clip được gọi tên là “Về đất Tổ nghe Xoan” ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - biên tập viên Hoàng Chung với các nghệ nhân phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án, đồng thời có sự tham gia của chính tôi.

Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cánh cửa cho những ai yêu hát Xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn với hát Xoan, hiểu thêm hơn về Xoan. Phần hình cũng được chúng tôi thực hiện rất đơn giản, ê-kip ghi tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới hát Xoan đó là: Miếu Lãi Lèn (phường Xoan Phù Đức), đình Thét (phường Xoan Thét), đình Kim Đới (phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (phường Xoan An Thái). Cả 4 di tích đều nằm ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Phần hình được thực hiện với mục đích là hình nền minh họa, giới thiệu các di tích lịch sử liên quan trực tiếp đến hát xoan.

- Lý do anh chọn các nghệ nhân phường Xoan Thét đồng hành cùng mình trong dự án này, thưa nhạc sĩ?

- Thét là một trong 4 phường Xoan gốc, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát Xoan của dân tộc. Tính đến thời điểm này cũng chưa có một dự án nào được thực hiện chỉ duy nhất với 1 phường Xoan. Trong khi đặc thù của nghệ thuật dân gian là tính dị bản, dẫu có thể vẫn cùng một bài, cùng tên gọi, cùng những nét giai điệu cũng như nội dung ca từ đặc trưng, nhưng trong đó lại có một vài nét riêng khác biệt.

Chính vì vậy, lần thực hiện dự án này, tôi quyết định chọn chỉ duy nhất 1 phường để thực hiện trọn vẹn 13 quả cách trong “Chặng Quả cách” của hát Xoan. Việc làm này đánh dấu lần đầu tiên trọn bộ 13 quả cách do 1 phường thể hiện được giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Bên cạnh đó, việc chọn các nghệ nhân phường Xoan Thét còn bởi phường hiện có nhiều nghệ nhân uy tín, bản thân tôi cũng đã làm việc với các nghệ nhân từ dự án âm nhạc đầu tiên (2013). Hơn nữa, các nghệ nhân đều được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với hát Xoan, chẳng hạn như Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (có cả bố mẹ đều là nghệ nhân uy tín thuộc phường Xoan An Thái), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà (có mẹ là cố nghệ nhân Lê Thị Tú).

- Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long!