Nhà điêu khắc “già”... có cửa

ANTĐ - Tấm bằng đại học chuyên ngành điêu khắc sẽ là giấy thông hành cho những ai muốn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sáng tác tượng đài. 

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định hoạt động Mỹ thuật mới được đưa ra bàn thảo nhưng đã gây nhiều tranh cãi. Không chỉ yêu cầu về bằng cấp, dự thảo này còn yêu cầu người được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài cần có 2 công trình tượng đài đạt chất lượng A theo xác nhận của Bộ VH-TT&DL. Như vậy, cánh cửa trở thành nhà điêu khắc sáng tác tượng đài của các nghệ sỹ Việt Nam sẽ trở nên chật hẹp hơn. 

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã có hàng chục công trình tượng đài

tại Pháp và Việt Nam nhưng cũng đi lên bằng bằng con đường tự học

Đã mỏng càng mỏng hơn

Sau 1 tuần trình Quốc hội, Dự thảo Nghị định Mỹ thuật về điêu khắc vẫn rất nóng. Ngay trong giới làm nghề cũng chưa đi đến thống nhất. Bởi về nguyên tắc, để phác thảo được những công trình tượng đài có giá trị nghệ thuật, người nghệ sỹ cần được đào tạo bài bản trải qua trường lớp mỹ thuật. Chỉ khi có tấm bằng đại học, người nghệ sỹ đó mới tạm được công nhận có nghề nhưng điều đó chưa đủ và cũng chưa đúng với tình hình lực lượng sáng tác điêu khắc của Việt Nam hiện nay. Mỗi năm, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho ra lò hơn chục nghệ sỹ được đào tạo bài bản nhưng không phải tất cả số này đều trở thành nhà điêu khắc thực thụ. Sự khắc nghiệt và vắng lặng của thị trường điêu khắc trong nước đã khiến tình yêu nghề của các nghệ sỹ trẻ vơi cạn và chuyển sang các nghề gần gũi với điêu khắc như: thiết kế đồ họa, làm nội thất cho các công trình xây dựng. Vì thế, lực lượng làm điêu khắc Việt hiện nay khá mỏng. Đấy là chưa nói tới những người được đào tạo đang hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc cũng vô cùng mỏng. 

Một thực tế nữa của lực lượng làm tượng đài tại Việt Nam là người được đào tạo qua trường lớp và có bằng đại học chuyên ngành điêu khắc, hội họa, tranh hoành tráng thì không làm được việc hoặc bỏ nghề nhưng người không có nghề (các lĩnh vực khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng) lại làm được việc và đang gia nhập vào đội ngũ những người làm tượng đài. Vậy là, các nghệ sỹ tự học cho dù tài năng được trời phú sáng tạo nên các mẫu phác thảo tượng đài đẹp mắt, giàu ý nghĩa sẽ bị loại ra ngay từ đầu chỉ vì không có bằng cấp. Còn các tượng đài dù xấu hơn, thiếu tính biểu cảm hơn nhưng vì tác giả có bằng cấp nên sẽ được bình chọn. Đây là điều bất hợp lý của dự thảo lần này bởi xét cho cùng, mẫu phác thảo tượng đài, quan trọng nhất là ý tưởng. Nhiều nhà điêu khắc của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới như Điềm Phùng Thị cũng đi lên bằng con đường tự học và bà đã được ghi nhận và tôn vinh. Hơn thế, quá trình hình thành nên một tượng đài thường trải qua 2 giai đoạn: mẫu phác thảo tượng đài và phóng tác tác phẩm. Nên chăng, ở giai đoạn đầu tiên, các nhà quản lý nên mở rộng đối tượng tham gia sáng tạo không bó hẹp trong giới có bằng cấp. Nhưng ở giai đoạn phóng tác tác phẩm, đội ngũ xây dựng và kiến trúc sư tham gia phối cảnh và chế tác tượng đài cần có trình độ chuyên môn nhất định để đảm bảo tính nguyên mẫu cho sáng tác.  

Nghệ sỹ trẻ thiệt thòi

Một điểm bất hợp lý nữa tại Dự thảo Nghị định hoạt động mỹ thuật là quy định về kinh nghiệm hành nghề: 5 năm cùng với đó là có ít nhất 2 công trình tượng đài đạt loại A trở lên từng được Bộ VH-TT&DL xác nhận mới được tham gia sáng tác tượng đài và tranh hoành tráng. Yêu cầu về bằng cấp kết hợp 2 điều kiện trên thực sự khiến cho dự thảo Nghị định hoạt động Mỹ thuật trở nên xa vời với thực tế. Rất khó để tìm được nghệ sỹ có thể đáp ứng đủ 3 tiêu chí như đã kể trên để tham gia vào quá trình phác thảo tượng đài và tranh hoành tráng. Có chăng, chỉ có các nghệ sỹ điêu khắc đã thành danh mới được tham dự phác thảo tượng đài. Nếu căn cứ vào các tiêu chí này, người bị loại ra khỏi các cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài, tranh hoành tráng không ai khác chính là các họa sỹ trẻ và biết đến bao giờ, Việt Nam mới có lớp nghệ sỹ điêu khắc kế cận. Người trẻ sẽ lấy đâu ra kinh nghiệm 5 năm làm việc nếu họ không được tạo cơ hội thử thách với nghề. 

Vậy là, sau những thủ tục được hoàn tất như xin ý kiến góp ý, xây dựng văn bản, Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm vẫn chưa đưa ra được một dự thảo Nghị định hoạt động Mỹ thuật trình Quốc hội gắn liền với thực tế. Những sửa đổi là cần thiết để một Nghị định mới được ra đời áp dụng ngay trong bối cảnh mới, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động mỹ thuật đi đúng hướng.