Nhà báo Tào Khánh Hưng: “Âm nhạc là người bạn chia sẻ nhiều cảm xúc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nếu chỉ nghe những bài hát mà tác giả Tào Khánh Hưng sáng tác, chắc nhiều người lầm tưởng anh là nhạc sĩ. Nhưng Tào Khánh Hưng tự nhận, anh chỉ là kẻ ngoại đạo với âm nhạc. Bất ngờ hơn khi biết anh lại là nhà báo, hiện đang là Phó Tổng biên tập của báo Xây dựng. Mặc dù chưa được đào tạo bài bản gì về âm nhạc nhưng anh lại mê nhạc, thích viết nhạc và từng “ẵm” không ít giải thưởng ở các cuộc thi quốc gia về sáng tác ca khúc.

Trên kênh Youtube cá nhân của nhà báo Tào Khánh Hưng đăng tải hàng chục video là những ca khúc do chính anh sáng tác và được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện. Đa phần trong số này, anh viết về vùng quê, địa danh cụ thể trải dài khắp mọi miền Tổ quốc, từ cao nguyên đá Hà Giang ra biển lớn quần đảo Trường Sa. Mỗi ca khúc như một câu chuyện được anh thủ thỉ kể lại bằng âm nhạc như: “Hà Giang trong tôi”, “Trong sương mờ Sapa”, “Hương chè”, “Về Thủ đô gió ngàn”, “Về Làng Sen”, “Ngọt ngào Hưng Yên”, “Nhớ Mường”, “Thành phố vạn mùa xuân”, “Trở về nơi nguồn sáng”, “Trường Sa yêu thương”, “Về Hà Nam anh nhé”, “Áo trắng tuyến đầu”

Nghe ca sỹ Minh Thuý hát Thương anh, sáng tác của Nhà báo Tào Khánh Hưng

Nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ, nghề báo đã cho anh nhiều cơ hội, đó là những chuyến công tác đến với mọi miền quê của đất nước để rồi trong tâm hồn anh tích lũy nhiều tư liệu quý là những hình ảnh, ca từ và những nét văn hóa đặc sắc vùng miền. Những tư liệu quý ấy, anh để dành rồi viết ra những ca khúc trong thăng hoa cảm xúc.

Nhà báo Tào Khánh Hưng nhận giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ do Tạp chí Người Hà Nội và Công An thành phố Hà Nội tổ chức vào tháng 10-2021 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng PCCC& CNCH và 20 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy.

Nhà báo Tào Khánh Hưng nhận giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ do Tạp chí Người Hà Nội và Công An thành phố Hà Nội tổ chức vào tháng 10-2021 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng PCCC& CNCH và 20 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy.

Đáng chú ý, có một ca khúc đặc biệt có tựa đề rất lãng mạn “Thương anh” được nhà báo Tào Khánh Hưng sáng tác lấy cảm hứng từ hình tượng người chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn cứu hộ. Ca khúc này đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

"Thương anh" gây ấn tượng khi xây dựng bằng cảm hứng nghệ thuật đầy tính trữ tình, lãng mạn như một khúc tình ca của người lính cứu hỏa. Thoạt nghe những câu hát đầu tiên của ca khúc: “Em sợ nắng nóng nơi anh/ Trời đổ lửa, mồ hôi ai mặn chát/ Những cơn gió nơi anh bỏng rát/ Rừng cây khô, khát cơn mưa”, có lẽ người ta chưa mường tượng được ra đây lại là một sáng tác viết về những chiến sĩ cảnh sát trên mặt trận chống “giặc lửa” với những hiểm nguy, luôn đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

“Thương anh” mở đầu như thế, đầy lãng mạn và đậm chất trữ tình. Sở dĩ vậy như lời tác giả tâm sự là bởi anh đặt mình vào vị trí hậu phương của các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy – những người vợ, người yêu của họ…để hiểu thấu nỗi lo lắng và thường trực mỗi lần nghe tin người chồng, người bạn trai của mình lên đường làm nhiệm vụ và nơi họ lao vào luôn là biển lửa sẵn sàng thiêu rụi và cướp đi mọi thứ, kể cả sự sống. Cũng trong bài hát này, công việc của những người anh hùng “da sạm đen, mặt lấm lem tro bụi” được vắn tắt lại bằng 4 câu hát: “Kẻng báo cháy, rầm rập những bước chân/ Xe màu đỏ, hú còi vượt trước/ Lao vào lửa anh là người đi trước/ Vòi rồng giương cao dập lửa dưới chân người".

Chia sẻ về sáng tác này, nhà báo Tào Khánh Hưng kể, thời điểm tháng 6-2021, anh được mời đến tham dự lễ phát động cuộc thi “Sáng tác Văn học nghệ thuật về lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ". Sau khi đọc thể lệ, anh cảm thấy mình có thể tham gia với mong muốn góp tiếng nói tuyên truyền sâu rộng chủ đề ý nghĩa này bằng âm nhạc. Vốn dĩ không phải lần đầu tiên viết nhạc song khi ấy anh cũng khá trăn trở vì chưa bao giờ sáng tác ca khúc về lực lượng Công an nhân dân, lại ở phạm vi “hẹp” hơn là lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên cũng chính lúc bấy giờ, nhiều vụ cháy chung cư, cháy rừng xảy ra ở các nơi, hình ảnh các chiến sĩ lao mình vào biển lửa khiến anh vô cùng khâm phục và xúc động. Việc sáng tác một ca khúc về họ giống như mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc anh viết lời, giai điệu, hòa âm phối khí và mời ca sĩ thể hiện để kịp gửi tác phẩm dự thi.

Ca khúc giống như bản tình ca của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Đã có rất nhiều ca khúc viết về lực lượng này rồi nhưng tôi viết về họ ở góc nhìn riêng, không giống như những sáng tác mang âm hưởng hành khúc hay tráng ca mà tôi viết theo dòng nhạc trữ tình, tình cảmsâu lắng và chất chứa nỗi niềm tự sự của hậu phương đồng thời nêu bật tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh“ lao vào vào lửa anh là người đi trước để bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân” Nhà báo Tào Khánh Hưng trải lòng. Có lẽ bởi đứng ở góc nhìn đặc biệt ít ai nghĩ đến này mà “Thương anh” chinh phục người nghe bằng những cảm xúc sâu lắng dạt dào nhưng cũng chứa đựng nỗi lo âu, sự hy sinh và trên hết là ước nguyện về sự bình yên được định nghĩa rất giản đơn, đó là sau mỗi lần vội vã lên đường làm nhiệm vụ, các chiến sĩ sẽ trở về vẹn nguyên bên gia đình.

Nhà báo Tào Khánh Hưng thổ lộ, khi viết xong bài hát này và đưa cho một nhạc sĩ “xịn sò” xem, người này góp ý nên cắt đi mấy câu cuối cho khúc thức gọn. Song, khi ấy anh phản biện rằng đó là thông điệp của ca khúc, là điều quan trọng mà anh muốn gửi gắm trong bài hát: “Anh và em là cây nhỏ trong rừng cây xanh lá/ Giữ cho rừng mãi mãi tươi xanh/ Để mưa nắng giao hòa cây cỏ/ Để suối hát không còn mưa lũ/ Mỗi độ xuân về cây ra lá, đơm hoa”. Ở đoạn kết bài, như lời nhà báo Tào Khánh Hưng là lời kêu gọi mọi người hãy cùng nhau cảnh giác với giặc lửa, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.

Sau này khi có dịp trò chuyện với nhà báo Tào Khánh Hưng mới biết, hóa ra “Thương anh” không phải bài hát đầu tiên mà anh sáng tác. Trước đó, anh từng viết rất nhiều ca khúc khác và điều thú vị là hầu hết những “đứa con tinh thần” âm nhạc của anh đều giành giải tại các cuộc thi sáng tác. Như ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” tham gia cuộc thi kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và giành giải Nhì. Bài này anh lấy cảm hứng sáng tác từ một người giáo viên xưa kia vốn là hàng xóm với gia đình mình từ lúc nhỏ, sau mấy chục năm xa cách đến một ngày tình cờ gặp lại. Thời điểm sáng tác ca khúc này, việc áp dụng công nghệ trực tuyến vào công tác giảng dạy vẫn chưa phổ cập song ca khúc đã được nhắc đến như một bước chuyển mới trong công nghệ 4.0 của ngành giáo dục và đào tạo.

Hay ca khúc khác được nhà báo Tào Khánh Hưng viết về các tỉnh như: “Ngọt ngào Hưng Yên” giành giải Khuyến khích tại cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Hưng Yên chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên; còn sáng tác "Trở về nơi nguồn sáng" mà anh gửi tham dự cuộc thi sáng tác âm nhạc kỷ niệm 135 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình và 30 năm tái lập tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, nghệ thuật, góp phần vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Đặc biệt, anh vẫn vẹn nguyên cảm giác xúc động khi ca khúc “Về Hà Nam anh nhé” mà mình sáng tác bất ngờ được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vào trưa ngày 25-1-2021, trong chương trình đặc biệt chào mừng khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bài hát này, anh chọn góc nhìn độc đáo khi gợi nhắc đến quê hương của nhà Cách mạng Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ lá cờ Tổ quốc. Bên cạnh đó là lễ hội Tịch điền, chùa Tam Chúc… cùng nhiều chiến tích đã đi vào lịch sử.

Nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ, anh sáng tác nhạc với mong muốn ghi lại những cảm xúc, tư liệu về các miền quê bằng âm nhạc, từ đó góp phần lan tỏa thêm vẻ đẹp quê hương đất nước ra bạn bè quốc tế. Anh bảo, có lẽ nhờ tìm thấy sự tương đồng giữa nghề báo và việc sáng tác âm nhạc nên suốt mấy chục năm qua, anh chưa bao giờ vơi cạn tư liệu và cảm xúc để sáng tác.
Với anh, âm nhạc đối giống như một người bạn chia sẻ nhiều cảm xúc, những điều khó nói ra bằng lời, mang đến cho anh niềm vui, thêm yêu cuộc sống và yêu đất nước con người hơn. Hơn thế, đó cũng là cách để anh trải nghiệm những cung bậc cảm xúc của mình với một hình thức mới, thay vì con chữ là giai điệu, thay vì khổ báo là những hợp âm và sáng tác nhạc còn là để ghi lại những cảm xúc, tư liệu về các miền quê bằng âm nhạc, từ đó góp phần lan tỏa thêm vẻ đẹp quê hương đất nước ra bạn bè quốc tế.