Nguy cơ gây ung thư từ nến thơm

ANTĐ - Mùa đông, để giảm bớt cái lạnh, nhiều người thường đóng cửa rồi đốt nến thơm lên để sưởi ấm nhưng mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra, hương thơm ở những ngọn nến có thể chứa chất độc gây ung thư. 

Nguy cơ gây ung thư từ nến thơm ảnh 1

Qua thí nghiệm, các nhà nghiên cứu Đại học York, Anh đã đo nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong phòng và tìm thấy trong đó có limonene giải phóng ra từ nến thơm, máy xịt phòng tự động và các sản phẩm lau chùi, tẩy rửa. Limonene hay tinh dầu limonene là một hợp chất hữu cơ dạng lỏng không màu thường được sử dụng để tạo mùi thơm cho nến và các sản phẩm tẩy rửa.

Limonene được coi là khá an toàn với con người, thậm chí còn được sử dụng để pha chế đồ uống như cocktail. Tuy nhiên, khi được xịt trong nhà, limonene sẽ kết hợp với các khí gas tự nhiên khác để trở thành một hợp chất mới chứa phoóc-môn. Theo ước tính, cứ 2 phân tử limonene ngoài không khí lại sản sinh ra 1 phân tử phoóc-môn. Phoóc-môn là chất hóa học được sử dụng để ướp xác và phục vụ sản xuất trong ngành công nghiệp nặng. Đây chính là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và có thể gây ra ung thư. 

Phoóc-môn có tên hóa học là   formaldehyde (công thức hóa học HCHO), tồn tại ở dạng khí hoặc dạng lỏng. Ở thể dung dịch, phoóc-môn có tính sát trùng rất mạnh, kết hợp với chất albumin tạo ra chất chống thối rữa, bảo quản. Nếu phoóc-môn xâm nhập vào cơ thể con người có thể gây khó tiêu đến gây viêm loét thực quản, dạ dày, ruột… Nếu nhiễm phải một lượng lớn có thể gây tử vong. Ở thể khí, nếu hít phải phoóc-môn có thể gây ngạt thở và mắc nhiều bệnh về hô hấp.

Theo gợi ý của chuyên gia, các gia đình nên trồng một số loại cây có khả năng hấp thu phoóc-môn tốt như thường xuân, phong lữ, oải hương hay dương xỉ trong nhà.