“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Cuộc chạy đua bền bỉ

ANTĐ - "Đã là người Việt thì càng phải dùng hàng Việt, bởi đó là niềm tự hào dân tộc"

Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Trung ương tiến hành thì có tới 59% người tiêu dùng (NTD) “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 38% NTD “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”; 36% NTD cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn để thay bằng mua hàng Việt Nam”.

 

Dấu hiệu tích cực

Tại nhiều siêu thị trên cả nước có tới 95% các mặt hàng bày bán được sản xuất trong nước, con số % khiêm tốn còn lại là gian hàng dành cho hàng ngoại nhập nhằm làm phong phú đa dạng thêm các mặt hàng và mang đến cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, đồng thời giúp NTD tiếp cận được với những mặt hàng chưa sản xuất được tại Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt vẫn rất lớn và NTD ngày càng tỏ ra hài lòng về chất lượng cũng như mẫu mã và giá cả hàng Việt Nam.

Là nhân viên công sở nên chị Hà Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) thường dành một buổi ngày cuối tuần đi mua sắm hàng thiết yếu cho cả gia đình. Những đồ dùng này chị có thể mua tại cửa hàng tạp hóa gần nhà nhưng chị vẫn đi quãng đường hơn chục km đến siêu thị để mua bởi tại đây chị có thể có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã cũng như so sánh được giá cả của các mặt hàng. Có tới  vài chục mặt hàng được chị chọn lựa phục vụ cho sinh họat hàng ngày nhưng tất cả đều là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Chị Dung cho hay: “Tôi chủ yếu mua hàng sản xuất của Việt Nam, bởi tôi nghĩ không ai hiểu được mình bằng chính người Việt mình về mẫu mã, màu sắc, khẩu vị… Hơn nữa hàng Việt Nam thường có giá phải chăng hơn”.

Với thị trường giá cả ngày càng có nhiều biến động thì các sản phẩm Việt lại tỏ ra nổi trội về tính ổn định lượng hàng cũng như giá cả. Ưu điểm này đang được NTD đánh giá cao trong thời điểm hiện nay.

Chị Hồng Điệp, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy hàng may mặc ngoại nhập mà chủ yếu là hàng Trung Quốc có nhiều mẫu mã, phục vụ tốt nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng nhưng tôi vẫn thường dùng hàng Việt Nam, tôi nghĩ đã là người Việt thì càng phải dùng hàng Việt, bởi đó là niềm tự hào dân tộc”.

Ngoài lý do để thể hiện lòng yêu nước, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng tốt dần lên, giá cả cạnh tranh hơn cũng là lý do để người Việt yêu thích dùng hàng Việt hơn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long: “Sức mua của người dân tại thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, cho thấy người Việt Nam ngày càng đánh giá cao về mẫu mã chủng loại cũng như tin tưởng hơn về chất lượng của hàng Việt đang được bày bán”.

59% - nhiều nhưng chưa đủ

Con số 59% người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã cho thấy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm vừa qua đã thu được những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là con số để chúng ta khẳng định được rằng Cuộc vận động này thực sự thành công. Điều này không chỉ đòi hỏi người tiêu dùng nâng cao hơn nữa ý thức ưu tiên lựa chọn hàng Việt mà còn đặt ra với các nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để cho ra đời những sản phẩm có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng để phục vụ nhu cầu cũng như chiếm được lòng tin của NTD.

 

Người Việt ngày càng quan tâm tới hàng Việt

Theo quan điểm của ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc siêu thị Co.opMart: “Tâm lý của người Việt Nam cần hiểu, nắm bắt và đề cao tính năng của việc sử dụng hàng Việt Nam. Bởi một khi một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn xu hướng nhắm tới mặt hàng ngoại mà chưa hiểu hết những lợi ích, hiệu quả của mặt hàng trong nước thì vô hình chung đã làm giảm đi hiệu quả của các sản phẩm hàng Việt Nam. Mặt khác các nhà sản xuất cũng như nhà kinh doanh cần hiểu rằng việc thúc đẩy doanh số các sản phẩm Việt Nam là một hình thức kích cầu tiêu dùng và góp phần bình ổn giá cả trên thị trường”.

Trên thực tế các mặt hàng nhập khẩu được coi là đối thủ cạnh tranh để các nhà sản xuất trong nước nên yêu cầu đặt ra phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, kiểu dáng, giảm giá thành sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của NTD. Bên cạnh yếu tố giá cả thì chất lượng sản phẩm không ổn định là một trong những lý do khiến NTD dè dặt với hàng nội cho nên những thách thức mà các nhà cung cấp phân phối và các nhà sản xuất phải đối mặt không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho rằng: “ Hàng Việt Nam vẫn chưa đủ sức nấp đầy thị trường, lý do là có nhiều mảng kinh doanh chúng ta chưa sản xuất được đối với những loại mặt hàng yêu cầu có giá trị kỹ thuật cao. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất cũng bắt đầu chú ý đầu tư công nghệ vào những mảng sản xuất mới nhằm tạo ra những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Một khi nền sản xuất phân phối của chúng ta phát triển thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ ủng hộ và nhu cầu tiêu dùng mua sắm cũng tăng, về mặt đa dạng hàng hóa sẽ ngày càng được đáp ứng nhiều hơn. Với quy luật cung cầu đó càng có lợi cho việc phân phối hàng Việt Nam”

Hơn ai hết sự lựa chọn của NTD là yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp trong nước. Lắng nghe và thực hiện các nhu cầu chính đáng của NTD cũng là một cách giúp các nhà sản xuất cho ra đời những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của NTD và đồng thời có thể giúp họ thu hẹp khoảng cách với NTD.

Theo mong mỏi của chị Dung: “Các nhà sản xuất cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, chuyên nghịêp hơn trong khâu sản xuất. NTD chúng tôi mong họ luôn có cái tâm và cái đức trong sản xuất và phải có trách nhiệm đối với những thông tin đã nêu trên sản phẩm”