Người vẽ tiền... nghèo túng
(ANTĐ) - Tưởng đã vẽ ra tiền thì không thể nghèo, vậy mà thực là nghèo, nghèo phơi ra, không giấu nổi.
Họa sỹ Mai Văn Hiến |
Căn buồng không chắc đã đủ mươi mét vuông, lại còn méo nữa. Nó vốn là góc khuất của tầng trệt một ngôi nhà cổ trên đường Nguyễn Thái Học, bên số lẻ. Một cái giường nằm chênh hênh, đầu giường là bàn thờ có treo ảnh cha mẹ và ảnh vợ, đều lồng khung kính cẩn thận. Mấy chiếc ghế nhựa thấp để trong gầm giường, ông chủ nửa nằm nửa ngồi trên giường giữa một đống chăn màn và những chồng sách báo, bảng vẽ, giấy, bút chì, than phấn.
Nó là một cái ổ lộn xộn. Nhưng không ai nỡ trách, bởi chủ nhà bị ốm nhiều năm nay, bị tắc động mạch chi, hai chân đang teo dần, chỉ còn như hai cái que, nói chung là hạn chế đi lại, cũng ngại cả việc vào bệnh viện.
Tưởng đã chào bạn bè sang thế giới bên kia, vậy mà lại qua được, lại chuyện trò cười nói, hóm hỉnh và trẻ trung, kể cũng kiên cường thật. Hai vợ chồng chọn căn buồng ẩm thấp này làm chỗ chung sống từ lúc cả hai đều còn rất son rỗi.
Rồi sinh hai tiểu thư, nuôi họ ăn học khôn lớn, lên xe hoa. Một lũ cháu ngoại, toàn cháu trai lộc ngộc, nghịch như giặc, lâu lâu lại kéo xuống, đứa ngồi, đứa đứng, chật cứng căn buồng. Sau đó, bà ấy lâm bệnh qua đời, tất cả đều diễn ra nguyên ở một chỗ này, nhanh thật đã có gần nửa thế kỷ rồi. Cầm tinh con lợn, tuổi Quý Hợi, không thể cãi là mình chưa già được.
Đỗ Phủ ngày xưa đã viết tặng một người bạn là họa sĩ hai câu thơ: Đan Thanh bất tri lão tương chí, Phú quý ư ngã như phù vân. Nghĩa là ham vẽ vời quên cả tuổi già đến, sự giàu sang với ta xem như chuyện phù vân. Câu thơ như đang vận vào cả những người hậu sinh. Thời nay vẫn có người như vậy, sống ở giữa Hà Nội này. Tên ông là Mai Văn Hiến, bạn bè quý gọi thân thiết là anh Hiến. Bây giờ thì người bạn thân thiết ấy đã đi về cõi xa rồi.
Anh Hiến có nhiều bạn, đời anh lấy sự nhiều bạn làm giàu. Già có, trẻ có đủ các tầng lớp nghề nghiệp, nhiều người tiện thì tạt vào gặp nhau một lát, nhìn nhau một thoáng, có người từ mấy chục năm nay lặn mất tăm, không rõ còn sống hay đã mất, cũng chả hiểu gia cảnh giờ ra sao, vậy mà bỗng đột ngột hiện ra, đứng chắn ngay cửa ra vào, lù lù như một đống rạ, hỏi anh có nhận ra ai không.
Mất một lúc lục tìm trong kho kỷ niệm, rồi đưa một ngón tay chỉ lên trần nhà, gọi đúng tên bạn. Còn khá, còn minh mẫn chán, chân tay có thể già nhưng nếu còn cái não là còn sống tốt, vẫn làm người như thường. Bạn khen anh như vậy. Nhà bạn ở tít bên Thổ Khối hay Bát Tràng gì đó, bạn đạp xe ngược gió bấc trên con đê sông Hồng nay đã thành đường phố nhà tầng mọc lên nhấp nhô, phần lớn là nhà nghỉ, cửa đóng im ỉm.
Nhà nào cũng có treo biển đề tên, cái là Hoa Hồng, Bông Sen, cái là Hoa Mua, Hoa Sim, cái là Chiều Tím, Đêm Sương… Những chữ nghĩa mập mờ khơi gợi, nghe nửa bẩn, nửa sạch, nửa tin cậy, nửa nghi ngờ, giống như những bạn trẻ buổi trưa từ các nhiệm sở gọi nhau đi ăn cơm bụi xong là dắt nhau qua đó.
Bạn anh trạc tuổi với anh, người cao ráo, tóc bạc phơ như cước, đôi mắt quắc thước. Đại đội trưởng xung kích đánh Him Lam. Suốt Thu Đông năm trước đó thì đuổi địch ở bên Lào, đuổi suốt từ Thượng Lào, qua Trung Lào, xuống Hạ Lào.
Thằng cứ chạy, thằng cứ đuổi. Vứt quần vứt áo, quẳng súng, quẳng xe mà chạy, vậy mà vẫn thấy cứ bị đuổi mãi. Đấy là một cuộc truy kích mang tính chiến lược, một cuộc hành chiến có hai mục đích, vừa để mở rộng vùng giải phóng vừa là muốn đánh lạc hướng tấn công chủ yếu. Sang mùa xuân thì họ lộn trở lại, bất ngờ bao vây Điện Biên Phủ.
Bạn anh chỉ huy công việc đào hầm mở đường giao thông hào chi chít như mạch máu, có động mạch chủ, động mạch phụ, có lối đi vào, lối đi ra. Anh Hiến cùng anh Nguyễn Bích và một vài người nữa được lệnh vẽ thật nhiều áp phích, kẻ thật nhiều khẩu hiệu, kêu gọi địch ra hàng. Vẽ càng to càng tốt, đêm đêm trinh sát ta bò theo các giao thông hào mang tranh của các anh vào cắm sát các cứ điểm.
Anh Hiến vẽ Tây rất sinh động và nhanh, mỗi thằng một dáng, thằng nào cũng râu ria xồm xoàm, mắt xanh mũi lõ. Trông thằng nào cũng nhang nhác anh là vì anh giống Tây, anh có lai một chút. Đó là nhờ ở cái “gen” từ phía ngoại, chứ đằng nội anh là thuần Việt. Cha anh là một công chức quèn sở thú y, cả đời chuyên chữa gà toi, trâu bò long móng.
Nhưng tính ngông ông mang lòng yêu một cô gái lai quyết lấy làm vợ. Một lần vui chuyện có người hỏi, không gặp cách mạng, khéo anh Hiến cũng có một cô vợ đầm. Anh trả lời tưng tửng, có thể lắm. Rồi anh trỏ tay lên gác nơi có căn buồng họa sĩ Nguyễn Sáng đã từng sống suốt một thời.
Nguyễn Sáng đã yêu một cô đầm rất xinh, con gái một kỹ sư canh nông. Sắp làm đám cưới thì kháng chiến bùng nổ, Sáng đeo ba lô lên Việt Bắc, cô bé khóc ròng suốt nửa năm rồi theo cha về Paris. Sau chín năm kháng chiến, Sáng để lại cho đời một bức sơn mài mang tầm vóc cổ điển. Đó là bức Kết nạp Đảng.
Hồi ấy Sáng cũng có lên Điện Biên nhưng phải chờ mười năm sau mới có nổi một bức như thế. Một bức rất Điện Biên, một Điện Biên hoành tráng nhất. Đề tài lớn, chủ đề lớn của những tài năng lớn. Tài hèn sức mỏng không kham nổi thì dễ kêu là đề tài khô khan khó nhằn.
Kết nạp Đảng - Nguyễn Sáng |
Chỉ bằng mấy người chiến sĩ đứng dưới giao thông hào, bông băng quấn đầy mình, vách chiến hào phủ một lá cờ lớn, Sáng đã nói được đầy đủ một tinh thần Điện Biên và còn nói rộng hơn tinh thần dân tộc của thời đại. Đó chính là kết quả một cuộc tìm kiếm lâu dài và hết sức gian nan, hết sức dũng cảm. Bức tranh đó là một thành tựu đứng ở hàng đầu, ở chiếu trên của Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi lần nhìn vào tác phẩm đó, chúng ta cảm thấy mạnh lên.
Anh Hiến nói được thế với bạn bởi vì trước hết anh cũng là một tài năng cái đã, một tri thức cái đã. Người thiếu chân tài, hiểu biết chật chội thường khó mà trân trọng nổi các tài năng lớn hơn mình, dễ khó chịu trước những sáng tạo kỳ vĩ và độc đáo cùng thời với mình.
(Còn nữa)
Tùy bút của Đỗ Chu