Người phục dựng trang phục cổ

(ANTĐ) - Vũ Văn Giỏi là một nghệ nhân còn khá trẻ ở Hà Nội. Tên tuổi của anh không chỉ dừng lại ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, mà hiện nay còn có tiếng trên cả nước. Ngoài việc may, thêu, anh Giỏi được nhiều người biết đến là một người chuyên nghiên cứu, sưu tầm các bộ lễ phục vua chúa, các quan qua từng triều đại.

Người phục dựng trang phục cổ

(ANTĐ) - Vũ Văn Giỏi là một nghệ nhân còn khá trẻ ở Hà Nội. Tên tuổi của anh không chỉ dừng lại ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, mà hiện nay còn có tiếng trên cả nước. Ngoài việc may, thêu, anh Giỏi được nhiều người biết đến là một người chuyên nghiên cứu, sưu tầm các bộ lễ phục vua chúa, các quan qua từng triều đại.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi

Gia đình nghệ nhân Vũ Văn Giỏi vẫn truyền cho nhau từ bao đời nay nghề chính là thêu. Nhưng chính anh đến với trang phục cung đình như một cái duyên đã định ra từ trước. Sự ám ảnh từ những vua chúa lộng lẫy và uy quyền, cộng với sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, khảo cổ, Vũ Văn Giỏi mạnh dạn đưa sự đam mê yêu thích đó cùng “hành trình” trong cuộc sống với mình. Việc phục dựng trang phục cổ không phải dễ dàng, cũng không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều, nên anh Giỏi vẫn phải làm những công việc khác để ổn định đời sống vật chất cho gia đình.

Những nghiên cứu, tìm hiểu, thử nghiệm trang phục cổ của anh đều được thực hiện về đêm. Những ngày đầu tiên đến với trang phục cổ, anh Giỏi không tránh khỏi những suy nghĩ, hành động lúng túng khi phải “đơn thương độc mã” đi tìm chứng cứ lịch sử. Vũ Văn Giỏi bỏ lại công việc thường ngày ở lại, anh lặn lội lên đường đi Bắc Ninh, Huế… đến những bảo tàng, để có thể lấy được những số đo trên những chiếc áo cổ còn sót lại. Ngoài ra anh còn đọc thêm về lịch sử, các di tích cổ, đền chùa để tìm những đường hoa văn, họa tiết trên các di vật.

Các họa tiết và hoa văn đó qua từng triều đại có sự khác nhau, nên có thể nói người thợ phục dựng không phải chỉ là người thợ đơn thuần mà còn là người nghiên cứu lịch sử sâu sắc. Càng tìm hiểu về trang phục vua chúa, anh càng thích thú, đam mê, đắm mình trong không gian lịch sử hào hùng của cha ông mình. Điều may mắn cho việc phục dựng trang phục cổ của anh là có người bạn đời bên cạnh, luôn giúp đỡ, ủng hộ, động viên anh. Vì thế, anh và vợ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những trang phục của từng triều đại như Lý, Trần, Lê…

Tên tuổi của anh giờ đã có tiếng trên cả nước
Tên tuổi của anh giờ đã có tiếng trên cả nước

Kỷ niệm đáng nhớ về những thành công và thất bại, anh đều lưu giữ trong góc nhỏ của ký ức mình. Anh nhớ rất rõ lần làm chiếc áo long bào cho vua được may từ 8 mảnh ghép lại, nhưng ngày đó kinh nghiệm của anh chưa có, anh chưa tính được chính xác độ co giãn của vải khi căng trên khung. Các hoa văn chỉ cần lệch nhau một chút, thì sản phẩm cũng phải bỏ.

Khi phục dựng thành công, phải có đến gần 20 bộ trang phục bị hỏng, không những tốn kém về mặt vật chất, công sức của anh bỏ vào đó cũng rất nhiều. Các sản phẩm của Vũ Văn Giỏi làm ra không vì mục đích kinh doanh, không bán, nó chỉ được… trưng bày tại bảo tàng trong và ngoài nước. Các sản phẩm của anh đã từng có mặt và trưng bày tại Festival Huế; Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng dân tộc Hà Nội…

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng thực hiện trang phục cổ. Anh cứ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, vẫn tiếp tục hòa mình vào quá khứ. Để rồi ngày hoàn thiện những tác phẩm như bức tranh thêu có họa tiết thời Lý, Trần, Lê, trang phục thời Lý… Vũ Văn Giỏi sẽ cảm thấy tự hào và công sức của mình đầu tư đã có kết quả. Và có lẽ nghệ nhân trẻ Vũ Văn Giỏi cũng sẽ có rất nhiều những dự định và hiện thực hóa những dự định đó.

Bảo Nam