Người phụ nữ đam mê cổ vật

(ANTĐ) - Quán “Cà phê cổ vật” nằm trên con phố nhỏ Hoàng Ngọc Phách từ lâu đã trở thành nơi quen thuộc của những người yêu thích cổ vật chốn Hà Thành. Đến đây người xem sẽ choáng ngợp bởi có tới hàng nghìn cổ vật quý từ thời Đông Sơn cho đến Lý, Trần đều được trưng bày tại đây….

Người phụ nữ đam mê cổ vật

(ANTĐ) - Quán “Cà phê cổ vật” nằm trên con phố nhỏ Hoàng Ngọc Phách từ lâu đã trở thành nơi quen thuộc của những người yêu thích cổ vật chốn Hà Thành. Đến đây người xem sẽ choáng ngợp bởi có tới hàng nghìn cổ vật quý từ thời Đông Sơn cho đến Lý, Trần đều được trưng bày tại đây….

Chị Nguyễn Yến Lan bên chiếc ấm Tì Bà (thế kỷ 11-13)
Chị Nguyễn Yến Lan bên chiếc ấm Tì Bà (thế kỷ 11-13)

Trót “say” cổ vật...

Xưa nay, nói đến việc sưu tầm cổ vật, người ta thường nghĩ những “đại gia”, chuyên gia… mà chủ yếu là cánh mày râu và người lớn tuổi chứ hiếm thấy người phụ nữ nào lại theo đuổi niềm đam mê này. Bởi thế không ít người tò mò khi nghe tiếng có quán cà phê cổ vật giữa Thủ đô mà bà chủ lại là một phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn và chưa đến tuổi tứ tuần.

Tìm gặp người phụ nữ ấy - chị Nguyễn Yến Lan, lại không khỏi bất ngờ khi biết chị đã có thâm niên hơn 10 năm sưu tầm đồ cổ. Hỏi về lý do sưu tầm đồ cổ, chị nhoẻn cười rồi nói: “Sưu tầm là do đam mê, yêu thích chứ chẳng vì mục đích gì khác. Trong gia đình, ông nội tôi từng là người sưu tầm đồ cổ nổi tiếng, các chú tôi cũng là những người mê sưu tầm đồ cổ, nhưng đến đời con cháu sau này, chỉ có duy nhất tôi còn giữ niềm đam mê ấy!”.

Sẵn trong mình niềm say mê đồ cổ, lại có điều kiện tiếp xúc với chúng từ khi còn nhỏ, chị càng có cơ hội hiểu hơn về cái thú “kén” người chơi này. Chị bắt đầu đi tìm hiểu về cổ vật qua các thời kỳ lịch sử bằng kinh nghiệm của cha ông để lại và qua các anh em trong giới đam mê cổ vật. Mỗi khi nhận được thông tin ở đâu đó có khai quật cổ vật là chị lại xách ba lô lên đường, từ Hoà Bình, Thanh Hoá đến cả Quảng Nam, Quảng Ngãi nắng gió xa xôi… Trót “say” cổ vật rồi nên nhiều lúc dù khó khăn về kinh tế, chị cũng cố chạy vạy thêm bạn bè để mua bởi “nếu không mua được thứ mà mình thích thì… ăn không ngon, ngủ không yên”.

Để thoả mãn niềm đam mê của mình, chị mở quán “Cà phê cổ vật” trên con phố nhỏ Hoàng Ngọc Phách. Có tới hàng nghìn cổ vật được trưng bày. Khách tới đây vừa được thưởng trà, vừa được ngồi trong một không gian yên tĩnh, lại vừa được ngắm nhìn các mẫu cổ vật quý hiếm. Hơn 10 năm qua, có lẽ bà chủ quán cà phê độc đáo này cũng chẳng nhớ nổi mình đã đặt chân đến bao nhiêu tỉnh, thành trên khắp mọi miền đất nước. Có người lao vào “săn” cổ vật như một cuộc chơi với hy vọng đổi đời hay làm giàu, song riêng chị, làm được bao nhiêu tiền là chị lại gom góp đi mua cổ vật, mua nhưng lại không bán, không kinh doanh mà có khi lại đem tặng lại cho các bảo tàng.

Hiến tặng để bảo tồn

Được sự giới thiệu của bạn bè, chị gia nhập Hội Cổ vật Unesco. Đây là nơi hội tụ rất nhiều những người yêu cổ vật tham gia và thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và hiến tặng cổ vật. Chị là người phụ nữ đầu tiên ở Hà Nội tham gia vào tổ chức. Sau một thời gian tham gia, chị rủ thêm nhiều chị em khác cùng tham gia, bởi theo chị đây là một sân chơi không chỉ thoả mãn thú vui của mình, mà còn nhằm bảo tồn, lưu giữ những cổ vật quý giá của dân tộc.

Dòng gốm chị sưu tầm chủ yếu là gốm Việt, một số lượng nhỏ khác được mua ở nước ngoài như Thái Lan. Nhưng đặc trưng nhất, nhiều nhất là hai dòng gốm men trắng của thời kỳ nhà Lý, gốm hoa nâu của thời kỳ nhà Trần. Để tránh hư hại, những cổ vật quý này được chị bảo quản rất cẩn thận trong tủ kính. Tất cả những cổ vật chị có đều đã được đăng ký, di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia, do Bảo tàng Hà Nội cấp.

Chị tham gia nhiều cuộc triển lãm, không chỉ ở Hà Nội còn ở các tỉnh xa xôi, đi tới đâu là chị hiến tặng cổ vật tới đó, nếu không tặng thì đem về trưng bày, chứ chưa bao giờ bán nhằm mục đích kinh doanh. Nếu có túng thiếu, các anh em trong hội lại giúp đỡ nhau bằng cách bán chuyển nhượng cho nhau, như thế dù không còn sở hữu nhưng người bán vẫn được ngắm nhìn chúng bất cứ lúc nào. Căn phòng nhỏ bên trong quán cà phê là nơi chị treo hàng trăm tấm bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận triển lãm và hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng, như Bằng khen hiến tặng trống đồng cho khu lưu niệm bác Phạm Văn Đồng, Bằng khen của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam….

Một người phụ nữ bình thường như chị Lan, nhưng lại có niềm đam mê cổ vật đến kỳ lạ, quan trọng hơn là tinh thần gìn giữ và biết quý trọng những sản vật mà cha ông ta để lại. Thật đáng quý bởi đó là điều mà không phải ai cũng làm được trong cuộc sống ngày nay…

Vô Hà