Người lưu giữ ký ức 100 ngôi đình làng Việt

ANTD.VN - 2 năm với hơn 100 chuyến đi đến với các ngôi đình trên khắp mọi miền đất nước, KTS Trần Trung Hiếu đã lưu giữ được kho tàng tư liệu khổng lồ về những ngôi đình cổ Việt Nam. Đây sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phục dựng lại những “viên ngọc” của làng quê đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại. 

Một mảng chạm tại Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) 

Xót xa đình chờ sập

Đình làng là những công trình có dấu ấn văn hóa nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu nhất trong làng xã truyền thống. Từ xa xưa, đình làng đã trở thành niềm tự hào của người Việt. Nhiều ngôi đình tồn tại từ cách đây cả trăm năm nhưng vẫn còn lưu giữ chi tiết những mảng chạm… vô cùng giá trị.

Tuy nhiên, thông tin về những ngôi đình làng còn rất ít, nếu có thì cũng không đầy đủ hoặc sai lệch. Với mong muốn thu thập những thông tin, hệ thống hóa tư liệu về những ngôi đình làng Việt Nam, KTS Trần Trung Hiếu đã thực hiện những chuyến đi khảo sát, điền dã đến những ngôi đình - biểu tượng của làng quê Việt. Bắt đầu từ năm 2014, anh đã cùng một số bạn bè, đồng nghiệp trong nhóm Đình làng Việt - nơi hội tụ những con người yêu di sản trực tiếp đến nhiều ngôi đình để vẽ lại, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép.

Trong 2 năm, anh đã thu thập được tư liệu về hiện trạng 100 ngôi đình, 30 ngôi chùa, 5 ngôi đền và nhiều di tích khác trải dài từ Bắc xuống miền Trung. Những tư liệu này tập hợp lại để thống kê, phân loại một cách hệ thống, theo thời kỳ, hiện trạng, trang trí… và được số hóa để làm tư liệu cho công tác bảo tồn, nghiên cứu.

Có thể nói tuổi đời của những ngôi đình là khá trẻ so với các loại hình kiến trúc khác. Ngôi đình sớm nhất hiện nay còn tồn tại có niên đại vào khoảng thế kỷ 16. Có những ngôi đình lưu giữ kỹ thuật chế tác rất đặc biệt chẳng hạn như chạm khắc đá thời Lý, chạm khắc gỗ thời Mạc, Lê Trung Hưng… rất tinh xảo, từng là niềm tự hào của cộng đồng cư dân bấy giờ.

Đình Lại Yên (Hoài Đức, Hà Nội)

Đáng tiếc là dù chứa đựng những giá trị đậm đặc nhưng nhiều ngôi đình chưa được xếp hạng hoặc bị bỏ mặc xuống cấp một cách trầm trọng. “Gần đây tôi có đến ngôi đình Lương Xá (Ứng Hòa) hay đình Yên Bồ (Vật Lại, Ba Vì). Cả hai ngôi đình rơi vào tình trạng là hệ thống cột đã bị mục rỗng, cấu kiện thì rời rạc, những mảng chạm cũng bị mối xông. Nguy cơ bị sụp đổ trong nay mai là rất lớn. Điều này khiến cho chúng tôi rất xót xa” - KTS Trần Trung Hiếu cho hay. 

Những hiệu ứng tích cực

Chỉ có tình yêu di sản và ý thức trách nhiệm phải làm được một cái gì đó để lưu giữ những di sản của cha ông mới tạo động lực cho những người như KTS Trần Trung Hiếu. Có người nói là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, là can dự gì đến mình mà phải bỏ nhiều công sức ra như vậy. Nhưng cứ nghe ở đâu có đình cổ, ở đâu có di tích đang kêu cứu là anh lại vội vã lên đường. Đôi khi phải đi cả ngày đường, mất hàng trăm cây số để tới được một ngôi đình, chùa nhưng anh đành phải ra về… tay trắng.

Rào cản lớn nhất vẫn chính là nhận thức của các đơn vị quản lý ở địa phương. “Nhiều nơi khá bảo thủ, không chấp nhận cho những người nghiên cứu như chúng tôi vào chụp ảnh, khảo sát. Ví dụ như chùa So (Thanh Oai, Hà Nội), mặc dù được phép của UBND huyện nhưng vị trụ trì chùa nhất định không cho chúng tôi vào. Hay chùa Thái Lạc ở Hưng Yên - một trong những ngôi chùa cổ nhất mà tôi từng biết, do quản lý chồng chéo, phức tạp nên cũng phải qua rất nhiều thủ tục để tiếp cận được với ngôi chùa” - anh Hiếu tâm sự. 

Những thành quả từ sau những chuyến đi ấy, theo kiến trúc sư sinh năm 1978 nhận định, chỉ như “giọt nước giữa biển khơi” hóa ra lại mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhờ sự “đánh động” của KTS Trần Trung Hiếu và những người yêu di sản, rất nhiều ngôi đình đứng trước nguy cơ đổ sập hay là “nạn nhân” của những vụ trùng tu sai đã được “cứu” như đình Quang Húc, đình Cổ Chế, đình Yên Bồ…

KTS Trần Trung Hiếu hy vọng, việc lưu giữ ký ức những ngôi đình sẽ bổ sung thêm vào kho tàng dữ liệu về di sản của các học giả, các nhà nghiên cứu, cũng như giúp cho cộng đồng hiểu thêm về sự cần thiết và cấp bách phải gìn giữ, bảo vệ những công trình kiến trúc quý giá mà cha ông để lại.