Người dân Hà Nội thích thú với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với dày đặc các hoạt độn gdiễn ra tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô, Lễ hội Thiết kế Sáng Tạo Hà Nội 2022 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Đặc biệt, phố đi bộ Hồ Gươm vào những ngày cuối tuần đã ôm trọn trong mình các không gian sáng tạo độc đáo, không gian triển lãm các sản phẩm thiết kế, sản phẩm từ làng nghề truyền thống cùng các hoạt động hấp dẫn.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo với chủ đề "Sáng tạo và công nghệ" sẽ diễn ra đến hết ngày 20/11 tại nhiều địa điểm văn hóa thuộc quận Hoàn Kiếm và các địa điểm trên địa bàn Thủ đô. Các hoạt động trong lễ hội nhằm tôn vinh thiết kế sáng tạo, thúc đẩy phát triển các làng nghề tiềm năng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành thiết kế và công nghiệp văn hóa.

Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…

Con đường mái lá được tái hiện ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm

Con đường mái lá được tái hiện ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm

Tại phố đi bộ Hồ Gươm tấp nập du khách tới vui chơi và hòa mình trong bầu không khí sáng tạo của các kiến trúc sư, các nghệ nhân làng nghề và các hoạt động vui chơi nhằm khích lệ các ý tưởng mới từ chính những người dân. Những tinh hoa làng nghề từ mây tre đan, gốm, sơn mài, điêu khắc gỗ… được trưng bày, tôn vinh với các sản phẩm truyền thống như gốm Chu Đậu, ống hút cỏ sậy, đồ gia dụng từ tre, sơn mài, sản phẩm tinh dầu, không gian thiết kế quà tặng... thu hút cả người lớn và trẻ nhỏ.

Không chỉ tận mắt nhìn ngắm các sản phẩm, khu vực trưng bày sản phẩm truyền thống còn là không gian chụp ảnh check in thú vị với du khách. Thậm chí, nhiều người còn chuẩn bị còn chuẩn bị các bộ trang phục mang đặc trưng vùng miền của miệt vườn Nam Bộ, áo dài xứ Huế cho tới các bộ trang phục hiện đại bắt mắt, miễn sao có được các bức ảnh đẹp nhất khi tới lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội.

Trình diễn nhiếp ảnh Cyanotype (in đơn sắc xanh) "Tả thanh thiên" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim Long thu hút đông đảo du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm

Trình diễn nhiếp ảnh Cyanotype (in đơn sắc xanh) "Tả thanh thiên" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim Long thu hút đông đảo du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm

Bên cạnh đó, các công trình thiết kế độc đáo và mang tính biểu tượng như cổng Sáng tạo của kiến trúc sư Lê Quang Thạch-một công trình có tính bề thế, hoành tráng được dựng ngay tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với người dân và thể hiện đậm nét thông điệp về thiết kế sáng tạo của lễ hội. Đồng thời, một con đường mái lá được dựng lên từ những cột gỗ đem lại cảm giác thích thú với không ít du khách. Tại đây, người dân có thể tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về thủ đô Hà Nội sáng tạo.

Biểu diễn nghệ thuật tại 22 Hàng Buồm

Biểu diễn nghệ thuật tại 22 Hàng Buồm

Cũng tại Bờ Hồ, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi sáng tạo, thuộc không gian "Khoe chơi" của Tòhe như hoạt động vẽ trên gương dựa trên hình ảnh phản chiếu của Hồ Gươm, hướng dẫn in tranh Hàng Trống, chơi cùng dàn nhạc tái chế, hoạ sĩ đường phố... Hay cùng hòa mình trong các tiết mục trình diễn của Lễ hội di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội năm 2022 như xẩm, ca trù, chèo, tuồng, hát ví, hát dặm, trống hội Thăng Long...

Tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) còn diễn ra chương trình trải nghiệm công nghệ thực tế ảo với chủ đề "Đưa di sản tới đương đại". Tại đây, du khách được trải nghiệm công nghệ với các trò chơi thực tế ảo như tìm hiểu về văn hóa Việt qua "Hứng dừa", "Cung thủ Long thành", hay trở thành chiến binh tương lai chiến đấu trong không gian thời Lý. Bên cạnh đó là du lịch thực tế ảo. Du khách sẽ được xuyên không ngắm nhìn Thăng long xưa và những di sản đương đại Việt Nam trong thế giới Metaverse như: Tham quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, chùa Một cột, trải nghiệm các tác phẩm tranh Hàng Trống, đồ trang sức vàng bạc, vật phẩm thiết kế sáng tạo theo phong cách thời Lý. Những sáng tạo từ công nghệ này cũng được kỳ vọng góp phần mô tả rõ hơn, đa dạng không gian hơn về một Việt Nam vốn đã rất tươi đẹp và sinh động ở thế giới thật.

Các em nhỏ vẽ trên gương

Các em nhỏ vẽ trên gương

Sau khi tham gia trải nghiệm, Đặng Trang và Phạm Anh – sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: "Tôi cảm thấy bất ngờ, quá sức tượng tượng với mình. Tôi đã từng đến địa điểm này rất nhiều lần rồi nhưng trải nghiệm với công nghệ giúp cho tôi hiểu sâu hơn, thực tế hơn vì có cả phần giới thiệu về lịch sử của những di tích đó. Tôi có thể cảm nhận được di tích này ngày xưa hoành tránh như thế nào. Nếu tôi đi thăm các di tích hiện tại thì không thể bao quát hết dược, chỉ một phần nhỏ thôi".

Còn tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành nơi giới thiệu, trưng bày hàng loạt tác phẩm nghệ thuật đương đại lấy cảm hứng từ chất liệu di sản và lịch sử. Chuỗi trưng bày gồm 8 không gian nghệ thuật lớn, có chủ đề khác nhau với sự tham gia của hơn 40 nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo. Nổi bật trong số này là các phần trưng bày có chủ đề: “Diều tiên”, “Tiên-Rồng” và “Mơ tiên”.

Du khách thích thú với sản phẩm làng nghề truyền thống

Du khách thích thú với sản phẩm làng nghề truyền thống

Cả 3 phần trưng bày này đều khai thác hình tượng tiên nữ - một tạo hình quen thuộc trong mỹ thuật dân gian xuất hiện trên khắp các mảng chạm khắc đình làng ở miền Bắc. Trong đó, “Diều tiên” là không gian giới thiệu tác phẩm của Quan Hằng Cao và Lê Thanh Bình (đã tham dự các Festival Diều quốc tế) kết hợp với sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ Trí Minh. Còn “Tiên-Rồng” là không gian giới thiệu tác phẩm nghệ thuật từ sơn mài, lụa, giấy dó... lấy cảm hứng từ hình tượng cô tiên cưỡi rồng trong các chạm khắc đình làng. “Mơ tiên” là không gian triển lãm sắp đặt, nơi trình bày các phần nghiên cứu lịch sử hình tượng cô tiên cùng các bức tranh vẽ trước đây của một số họa sĩ từng lấy cảm hứng từ hình tượng này.

Du khách trải nghiệm tham quan Chùa Một Cột

Du khách trải nghiệm tham quan Chùa Một Cột

Một không gian nổi bật khác là không gian sắp đặt đèn lồng mang chủ đề “Cuộc gặp gỡ Xưa-Nay”. Họa sĩ Xuân Lam đã thiết kế 36 chiếc đèn lồng lấy cảm hứng từ tranh dân gian kết hợp kỹ thuật vẽ chì và ứng dụng kỹ thuật của đồ họa, qua đó viết tiếp câu chuyện của một nét đẹp văn hóa đã bị quên lãng trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó là các không gian sắp đặt: Game 3D “Air Skylen”, trưng bày tác phẩm “Trống - 50/50”, triển lãm hiện vật ký ức 22 Hàng Buồm…

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, chuỗi hoạt động văn hóa tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 góp phần khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội từ việc kết nối các nghệ sĩ, các nhà thiết kế sáng tạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ... chung tay thắp lên ngọn lửa sáng tạo, cũng như truyền cảm hứng sáng tạo trong mọi người dân. Các hoạt động này sẽ góp phần tạo nên xung lực mới cho hoạt động thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố.