Người bệnh đái tháo đường mắc sốt xuất huyết, người tái mắc… thường bị nặng hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, những người bệnh đái tháo đường mắc sốt xuất huyết, hay người bị tái mắc sốt xuất huyết… thường có diễn biến nặng hơn.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên nền mắc đái tháo đường type 2. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao 39 độ C, chán ăn, đau nhức toàn thân, dùng thuốc hạ sốt giảm ít, xuất hiện các nốt xuất huyết ở cẳng chân…, đi xét nghiệm tại phòng khám tư được chẩn đoán SXH nên chuyển vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại đây, các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tiểu cầu hạ, đường máu cao, tình trạng bệnh diễn biến nặng khá nhanh. Rất may là sau thời gian điều trị, người bệnh đã hồi phục, đường huyết ổn định.

Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, với người bệnh đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm, đặc biệt ở những người có kiểm soát đường huyết không tốt, sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh SXH.

Cụ thể, người bệnh đái tháo đường mắc bệnh SXH thường có tiểu cầu thấp hơn so với những người bình thường. Số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao. SXH làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất, có thể dẫn đến sự biến động của lượng đường trong máu và cản trở quá trình điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu ở người đái tháo đường.

Một nhóm đối tượng khác cũng thường bị diễn biến nặng hơn là người tái mắc SXH. Các bác sĩ cảnh báo, một người có thể tái mắc SXH nhiều lần và ở những lần mắc bệnh sau thường nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, virus gây SXH có 4 type huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với type virus nào chỉ có khả năng tạo miễn dịch với type virus đó. Như vậy, người sống ở khu vực lưu hành dịch có thể mắc 3-4 lần trong đời.

Bác sĩ Thái cho biết, khi tái nhiễm, diễn biến bệnh thường nặng hơn lần đầu. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Khi đó, các kháng thể của 2 hoặc 3 type virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể, đồng thời virus cũng được nhân lên rất mạnh, khiến các phản ứng như sốt, đau mỏi… sẽ trầm trọng hơn.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến ngày 5-9, số ca mắc SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô là gần 1.300 ca, trong đó có 35 ca nặng.

Đa số trường hợp SXH trở nặng đều do thói quen chủ quan không đi khám bệnh, tự uống thuốc và nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh. Trong khi đó, SXH chưa có thuốc đặc hiệu, bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng. Do vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là các đối tượng nguy cơ cao.