Nghệ sỹ bộ gõ giống như... cửu vạn

ANTĐ - Hơn chục năm gắn bó với nghề và hiện là bè trưởng bộ gõ Dàn nhạc Giao hưởng-Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nghệ sỹ Trần Xuân Hòa vẫn chưa thể sống được bằng nghề. Xoay sở đủ cách, tìm ra nhiều hình thức biểu diễn mới như chơi với nồi niêu, xoong chảo, kết hợp bộ gõ với các chương trình biểu diễn nhạc thể nghiệm nhưng anh vẫn chưa phá được “tảng băng” định kiến của khán giả về bộ gõ.

Mang cả nồi xoong lên sân khấu

- PV: Từng ấy năm gắn bó với bộ gõ, anh thường nhận được những lời nhận xét của khán giả về bộ thanh âm này như thế nào?

- Nghệ sỹ Trần Xuân Hòa: Đó là “trống ầm ĩ lắm, nghe đã thấy chán!”. “Bộ gõ sao khô khan vậy, chỉ có từng ấy âm thanh thôi à?”. Còn nữa, có khán giả đi xem chương trình biểu diễn của bộ gõ đã không thể ngồi đến hết bài thứ ba vì thói quen thưởng thức ca khúc đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. 

- Đấy là nhận xét của một bộ phận khán giả nhưng anh thấy bộ gõ có phải là thể loại thiếu hấp dẫn như người ta vẫn nghĩ?

- Trong khi violon có thể diễn tả được những cung bậc cao vút của thanh âm thì bộ gõ cũng không hề thua kém trong việc diễn tả âm thanh. Đó là tiếng tàu điện leng keng, tiếng mưa rơi rả rích. Những thanh âm ấy sao có thể coi bộ gõ thiếu hấp dẫn và ầm ĩ được. Chính vì yêu những nhạc cụ to lớn, đồ sộ mà lại tinh tế trong thanh âm nên tôi đã gắn bó với bộ gõ suốt một chặng đường dài cho dù nghề không đủ để nuôi sống bản thân. 

- Và việc mang cả nồi niêu, xoong chảo và các vật dụng làm bếp lên sân khấu trình diễn là để tăng tính hấp dẫn?

- Tôi đưa tiết mục biểu diễn các vật dụng làm bếp để khán giả không cảm thấy nhàm chán và cũng để người xem thấy nghệ sỹ biểu diễn bộ gõ là những người nghệ sỹ đa di năng. Họ có thể biến bất cứ đồ đạc nào trong gia đình trở thành nhạc cụ biểu diễn. Và trên hết, tôi muốn những gì đẹp nhất của bộ gõ thì bày ra cho khán giả thấy.

- Tìm nhiều hình thức biểu diễn để làm mới hình ảnh của bộ gõ, đến nay, anh đã có lượng khán giả của riêng mình?

- Phải nói con đường đi tìm khán giả của các nghệ sỹ bộ gõ cổ điển vô cùng khó khăn. Nếu có bán vé thì giá thường rất thấp. Tôi nhớ chương trình biểu diễn của tôi tại Trung tâm Văn hóa Pháp cách đây 2 năm, vé cao nhất là 120 nghìn đồng, rẻ nhất là 60 nghìn đồng, thấp hơn rất nhiều so với các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển hay ca nhạc thị trường. Mấy anh em nghệ sỹ tập ròng rã hơn 1 tháng trời nhưng lúc cầm tiền thù lao của BTC, mỗi người chỉ có hơn 1 triệu đồng. Nếu làm một phép so sánh đơn giản sẽ thấy, thu nhập như vậy không thể đủ nuôi sống bản thân chứ đừng nói các khoản chi tiêu trong gia đình hay những công việc khác. 

Mong sống được bằng nghề

- Với tình cảnh như vậy, chắc các nghệ sỹ bộ gõ cổ điển sẽ xoay xở đi làm thêm để đảm bảo cuộc sống?

- Đi làm thêm với các nghệ sỹ bộ gõ cổ điển là việc không đơn giản. Vì nếu như với guitar, violon, việc di chuyển không mấy khó khăn thì các nhạc cụ của bộ gõ lại thường có khối lượng và kích thước rất to lớn, không dễ gì để xê dịch. Trên sân khấu, khán giả nhìn thấy chúng tôi trông hào nhoáng, choáng ngợp với quần là áo lượt thì sau đêm diễn, hình ảnh các nghệ sỹ chúng tôi hoàn toàn trái ngược. Quần soóc, áo may-ô, mồ hôi nhễ nhại mang vác các nhạc cụ khoảng  trên dưới 80kg chuyển lên xe. Đó chẳng phải hình ảnh của dân cửu vạn là gì (cười). Thời còn trẻ trung, tôi cũng cố gắng đi làm thêm nuôi gia đình nhưng giờ sức khỏe cũng kém nên tôi chuyển sang sáng tác nhạc.

- Đi làm thêm bằng việc biểu diễn các dòng nhạc thị trường có ảnh hưởng đến đôi tay của nghệ sỹ bộ gõ cổ điển?

- Khi nói về cổ điển là nói tới sự nghiêm ngặt và chặt chẽ. Một nghệ sỹ bộ gõ cổ điển thường xuyên biểu diễn dòng nhạc thị trường đương nhiên sẽ bị lai tạp và dần trở nên dễ dãi. Nhưng cuộc sống mưu sinh khiến họ chấp nhận biểu diễn dòng nhạc thị trường là một bước lùi tạm thời.

- Thế đến bao giờ, các nghệ sỹ như anh mới tính đến bước tiến tiếp theo?

- Bước tiến của nghệ sỹ bộ gõ cổ điển chúng tôi là một chương trình độc lập để phô bày hết vẻ đẹp của bộ nhạc cụ này. Người xem sẽ nhiệt tình tới xem và yêu thích âm nhạc bộ gõ. Biết đâu chỉ vài chục năm nữa, nghệ thuật được phổ cập đến với người dân hơn, các nghệ sỹ bộ gõ sẽ thực sự sống được bằng nghề. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ Trần Xuân Hòa!