Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh: Tôi muốn chơi nhạc bằng cả trái tim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây 5 năm, trong một đêm nhạc diễn ra tại Hà Nội, nghệ sĩ Quyền Văn Minh từng giãi bày ước mơ về một sự chuyển giao thế hệ từ những người chơi Jazz kỳ cựu tới các tài năng trẻ. Vị “thuyền trưởng” Saxophone kỳ vọng các nghệ sĩ trẻ sẽ trưởng thành và đẳng cấp hơn khi lèo lái “con thuyền” Jazz Việt. Trong số những người mà anh “chọn mặt gửi vàng” khi ấy có Lê Duy Mạnh. Và tới giờ, Lê Duy Mạnh đã có gần 2 thập kỷ gắn bó với cây kèn Saxophone và là thạc sĩ Saxophone đầu tiên tại Việt Nam. 

- Phóng viên: Chào Lê Duy Mạnh, hình như trước khi đến với Saxophone, anh từng gắn bó với một loại nhạc cụ khác? Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với kèn Saxophone không?

- Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh: Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật cả, nhưng từ nhỏ tôi đã rất thích thú mỗi khi nghe các bản nhạc phát trên radio. Thấy tôi có thiên hướng âm nhạc, bố mẹ đã tích góp tiền để cứ đến dịp nghỉ hè là đưa tôi lên Hà Nội học Organ. Nhờ học đàn nên ngày ấy dù mới là cậu học sinh cấp 1 nhưng tôi đã thường xuyên được mời lên các sân khấu để biểu diễn. Sau này khi đủ tuổi, tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) nhưng là để theo học kèn Cor. Có điều không hiểu sao âm thanh của kèn Saxophone cứ quyến rũ và mê hoặc tôi, thôi thúc tôi tìm đến. Vậy là sau khi tốt nghiệp Trung cấp kèn Cor, tôi bắt đầu suy nghĩ về chặng đường tiếp theo. Khoảng thời gian này, tôi được người thầy dạy kèn Cor giới thiệu theo học Saxophone Quyền Văn Minh. Càng học, tôi lại càng bị âm thanh của Saxophone quyến rũ. Nhưng điều quan trọng nhất khiến tôi quyết định gắn bó với cây kèn này là những khi mệt mỏi mà ngẫu hứng Saxophone với Jazz giống như liều thuốc giúp tôi lấy lại tinh thần.

- Vậy còn niềm đam mê với nhạc Jazz thì sao? Liệu có phải anh theo học nghệ sĩ Quyền Văn Minh nên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi người thầy của mình?

- Lúc mới bắt đầu học nhạc, tôi nghe rất nhiều thể loại, từ nhạc giao hưởng đến nhạc trữ tình quê hương, rồi nhạc Pop, nhạc Rock… nhưng quả thật khi nghe đến nhạc Jazz thì tôi thấy như có luồng điện chạy qua mình vậy. Sự phóng khoáng trong tiết tấu và ngẫu hứng trong giai điệu khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khích. Đúng là sau này khi tôi có cơ hội theo học nghệ sĩ Quyền Văn Minh và con trai ông là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều về tình yêu nhạc Jazz từ cả hai.

- Anh từng thổ lộ về mong muốn có thể đưa Saxophone và Jazz đến gần khán giả trong nước. Mong muốn ấy tới giờ anh nghĩ mình đã thực hiện được đến đâu?

- Phải thừa nhận rằng, trên thế giới kèn Saxophone khá phổ biến, khán giả yêu thích cũng nhiều, song ở Việt Nam thì còn hạn chế. Đó là lý do tôi luôn trăn trở là làm thế nào để có thể đưa âm thanh của Saxophone đến với khán giả, giúp họ cảm nhận và yêu thích nó. Tôi chơi các bản nhạc Việt Nam, làm mới chúng theo cách của mình. Việc đưa nhạc Jazz vào Saxophone cũng là một cách tôi hiện thực hóa mong muốn đó. Ai cũng nhìn ra rằng, đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Tôi hiểu điều ấy nên quyết định ngoài việc biểu diễn thì sẽ giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để truyền “lửa”, truyền năng lượng cho các thế hệ tiếp nối.

- Theo anh thì điều gì khiến những loại hình khí nhạc như Saxophone vẫn chật vật trong tiệm cận người nghe ở Việt Nam?

- Thật ra việc đại đa số công chúng quan tâm đến ca nhạc hơn khí nhạc cũng không có gì khó hiểu. Thực tế thì khí nhạc khó nghe hơn nên chưa được nhiều người chuộng nghe, đôi khi còn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị nữa. Lâu nay, những người chơi khí nhạc thậm chí có khi còn chỉ được xem như người chơi đệm, chơi phụ cho phần trình diễn của ca sĩ. Trong khi nói thật là để đạt được trình độ biểu diễn khí nhạc là một quá trình học tập, rèn giũa vô cùng khắt khe, vất vả. Tuy vậy, nói cho cùng những người chơi khí nhạc cũng vẫn cần phải có sự thay đổi để có thể đến gần hơn với khán giả. Ví như mình chơi một bản nhạc mà thấy hay nhưng công chúng họ thấy chưa dễ nghe, chưa dễ đón nhận thì làm sao đưa âm nhạc của mình lại gần họ được. Đành rằng khi học thì mình được dạy những kiến thức, kỹ năng chơi nhạc đỉnh cao, nhưng trong hoạt động nghệ thuật lại cần chơi nhạc bằng cả trái tim nữa.

- Cái khó trong việc tiếp cận số đông khán giả thì ai cũng thấy, vậy mà anh vẫn “chịu chơi” khi mới đây đầu tư số tiền không nhỏ để làm hẳn bộ đĩa than Saxophone “Cô đơn”?

- Tôi ấp ủ làm bộ đĩa này từ lâu rồi nhưng giờ mới dám thực hiện. Trong thời điểm hơn 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, tôi suy nghĩ nhiều, ấp ủ nhiều, muốn làm điều gì đó. Cuối cùng, tôi quyết định phải có một sản phẩm giá trị để đánh dấu quãng đường nghệ thuật của mình. Đĩa than là sản phẩm mà nghệ sĩ nào cũng rất muốn làm, nhưng không phải ai cũng làm vì rất tốn công sức và tiền bạc. Hiện giờ đĩa than cũng đang hồi sinh, tôi muốn đánh dấu chặng đường sự nghiệp của mình bằng một sản phẩm thật đặc biệt.

- Tựa đề “Cô đơn” mà anh đặt khiến nhiều người tò mò. Đó là sự cô đơn trong cuộc sống riêng hay trong âm nhạc?

- Những tác phẩm mà tôi chọn chơi trong bộ đĩa này đều lột tả nỗi niềm cô đơn của chính tác giả. Đó có thể là tình yêu khắc khoải đã mất đi, tình yêu chỉ trong giấc mộng… Những nỗi niềm đó nếu người nhạc sĩ không từng trải qua thì chắc là họ không viết được tác phẩm. Tôi cảm nhận mình có sự đồng cảm với tâm sự của các nghệ sĩ và chính sự cô đơn đó. Khi chơi mỗi bản nhạc, tôi tự nhủ hãy đặt mình vào nhạc sĩ, thể hiện qua tiếng kèn để có thể lột tả được tận cùng cảm xúc. Nếu không có thời gian cô đơn thì biết đâu tôi không thể làm sản phẩm như thế này (cười).

- Vì sao anh lựa chọn chơi những bản nhạc xưa chứ không phải thứ âm nhạc mới mẻ và đương đại hơn?

- Tôi chọn những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ rất nổi tiếng, mọi người nghe sẽ biết ngay là tác phẩm gì. Tuy nhiên, tôi vẫn hòa âm phối khí lại, đưa vào một chút nhạc Jazz để thay đổi phong cách. Tôi không muốn khán giả nghe cả đĩa nhạc đều là những bài buồn nên đã thay đổi một chút về tiết tấu, giai điệu để mọi người nghe thấy hơi hướng mới. Khán giả nghe từng nhạc phẩm sẽ cảm nhận được cá tính của từng nhạc cụ mang màu sắc âm nhạc trữ tình, hòa quyện nhau, khác hẳn những bản phối khác. Tôi cũng chọn cách thể hiện âm thanh của tiếng kèn khò khè, chậm rãi, nghe như có hơi thở trong đó để người nghe cảm nhận rõ, đó là điều tôi muốn truyền tải.

- Kiên định con đường solo, có khi nào anh nghĩ đến việc mở rộng phối khí cho các ca sĩ “ngôi sao”, giống như Nguyễn Hữu Vượng phối khí các chương trình lớn của Tùng Dương, Hà Anh Tuấn… Như vậy thì cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, mở rộng hơn con đường nghệ thuật của anh?

- Tôi thích tự mình hòa âm phối khí, tự học, muốn có những sáng tạo mới, tự tạo ra những bản nhạc cho kèn của mình. Nguyễn Hữu Vượng thành công khi bạn ấy chọn hòa âm phối khí cho nghệ sĩ, đó là cơ duyên và may mắn. Tôi nghĩ việc tự mình làm cho mình cũng là một cơ duyên. Với tôi, mỗi sản phẩm mình làm ra phải thật chỉn chu, thỏa mãn chính mình rồi mới có thể đem ra giới thiệu với công chúng. Trong tương lai, tôi cũng mong có những sân chơi, cơ hội tiếp xúc với những nghệ sĩ nước ngoài hoặc Việt Nam và có cơ hội hợp tác. Đặc biệt, tôi mong đưa tiếng kèn của mình hợp tác với những dự án đó. Tôi yêu kèn quá nên luôn hòa âm cho các tác phẩm cho kèn của mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!