Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hải: Có ai làm diễn viên lại không mong nổi tiếng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Anh từng là gương mặt chủ chốt trong các vở diễn của Đoàn kịch Công an nhân dân, “ăn điểm” cả khi nhập vai chính diện hay phản diện. Và mỗi lần xuất hiện trên sóng truyền hình, anh đều gây ấn tượng đặc biệt với những nhân vật “đểu” từ trong ra ngoài. Có vẻ như với Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hải diễn xuất không phải là việc quá khó khăn, song ít ai ngờ trên con đường nghệ thuật anh đã trải qua nhiều sóng gió.

Vượt sóng gió, ghềnh thác...

- Phóng viên: Chào Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hải, về hưu rồi mà anh vẫn bận rộn thế, anh vừa đi đóng phim gì à?

- Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hải: Đúng vậy! Tôi vừa đóng vai luật sư trong phim chiếu rạp phía Nam có tên “Ồn ào tuổi trẻ”. Sau khi học luật vào những năm 90 thế kỷ trước, rồi sau đó học thêm chứng chỉ luật sư, nghỉ hưu tôi mới được “hành nghề” và bây giờ có cơ hội đầu tiên nhập vai luật sư. Rất may, đạo diễn không chê diễn xuất của tôi. Tôi còn giúp đạo diễn sửa lời thoại cho đúng với cách nói năng của luật sư trước tòa.

- Cuộc đời có đến nỗi nào mà anh phải trang bị cho mình nhiều ngành nghề thế?

- Ấy tại cái số phận tôi nhiều sóng gió. Sau tốt nghiệp cấp III, tôi đã học trường Đại học Mỏ địa chất, khóa 20, chuyên ngành Kỹ sư khai thác hầm và lò. Hồi ấy, vừa ôm sách vở vừa ăn bo bo nên người rất gầy gò, nhỏ bé, nhưng việc này cũng không ảnh hưởng đến chuyện học hành và yêu đương của tuổi trẻ sôi nổi, bồng bột. Thời bao cấp, tôi đã có mối tình thầm kín với một vài cô gái ngoại quốc, đến nỗi định bỏ lại tất cả phía sau để đi theo tiếng gọi tình yêu, song cũng không thành. Trở thành kỹ sư mỏ, cơ hội làm giàu không quá khó. Tôi nhớ lúc ấy, bạn đồng nghiệp còn tặng cả lọ penicillin đựng vàng để tôi đi uống bia. Nhưng điều đó vẫn làm tôi quyết định “dứt áo mù xa” đi tìm cuộc sống mới. Năm 1981, nhận được tin trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh, tôi muốn bỏ việc để thi vào lớp diễn viên Khoa Biểu diễn. Họ bảo, nếu tôi bỏ thì phải đền 5 triệu đồng tiền đào tạo. Hồi đó, 5 triệu đồng là cả một gia tài, mà tôi thì chưa có tiền. Thế là tôi bỏ tất cả, về quê làm nông nghiệp, trở thành Đội trưởng Đội Phân xanh của hợp tác xã, rồi thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - đó là bước ngoặt của cuộc đời tôi.

NSND Nguyễn Hải vai bác sĩ Asba Saritaro trong vở “Đông Du”

NSND Nguyễn Hải vai bác sĩ Asba Saritaro trong vở “Đông Du”

... Đến với đam mê diễn xuất lớn nhất đời

- Trở thành diễn viên, có vẻ anh như “cá về với nước”?

- Diễn xuất là đam mê lớn nhất đời tôi, song tôi đã gặp muôn vàn khó khăn trên con đường nghệ thuật. Tốt nghiệp chuyên ngành Diễn viên, khóa I, Khoa Nghệ thuật biểu diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1987, tôi không có việc. Tôi ở lại ký túc xá của trường, làm đủ nghề để kiếm sống từ buôn bán giấy, sách cũ đến làm thuê. Trong thời gian này, tôi đã lấy vợ và liều vay tiền mua đất xây nhà. Lúc ấy, thầy Hoàng Sự thương tình gọi các sinh viên cũ đang lang thang như tôi về dựng vở kịch “Ông không phải bố tôi” cùng với một số sinh viên năm thứ 2 mà thầy đang dạy. Vở kịch thành công và vai giám đốc Thiết do tôi đảm nhận đã ghi dấu ấn. Cũng nhờ vai Thiết trong “Ông không phải bố tôi” mà tôi đủ tự tin nộp hồ sơ vào Đội kịch nói của Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân. Đó là năm 1987, và ngày ấy Đội kịch cũng không mấy khi dựng vở dài, hầu như toàn kịch ngắn. Họ nhận hồ sơ và đồng ý cho tôi cộng tác, khi nào cần thì họ gọi, không thì thôi. Mấy năm liền, tôi toàn vào vai chạy cờ, mà cũng hay bị chê lắm. Trong lúc chờ đợi, tôi đã dự tuyển vào Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Mãi đến năm 1991, Đội kịch có chỉ tiêu tuyển dụng thì tôi được vào biên chế. Nhưng phải đến năm 1995, tôi mới được giao vai thứ chính đầu tiên, vai Đinh Xuân Cầu trong vở “Cuộc chia tay cuối cùng”. Vai này chỉ có 2 lớp diễn, song tôi đã cố gắng hết mình. Và nó đã giúp tôi giành Huy chương Bạc trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995. Từ đây, sự nghiệp của tôi mới được bắt đầu.

- Anh tự thấy mình rực rỡ, tỏa hương ở đâu hơn, vườn hoa sân khấu hay truyền hình?

- Tôi tự thấy, vai phản diện hay nhất của mình trên sân khấu là Bùi Nhiêu trong vở “Quả báo”. Vai diễn được xây dựng trên chất liệu vụ án Dương Văn Khánh (tức Khánh trắng) trong vụ án nổi tiếng một thời. Khi vở diễn trình làng, tôi mời những người làm việc tại chợ Đồng Xuân đi xem. Xem xong, một người bạn của Khánh trắng đã gọi điện cho tôi nhận xét: “Ngoại hình của anh cao, to hơn nhưng xem anh diễn thấy rất giống tên chủ nhiệm Khánh”. Cũng nhờ vai diễn này mà tôi được mời đóng vai Trịnh Khả trong phim “Chuyện làng Nhô”. Độ phủ sóng rộng rãi của truyền hình khiến tôi trở thành người nổi tiếng và đi đâu, khán giả cũng gọi là “Hải làng Nhô”.

NSND Nguyễn Hải vai Như Tuất phim “Bão ngầm”

NSND Nguyễn Hải vai Như Tuất phim “Bão ngầm”

- Sự nổi tiếng có khiến cuộc sống, sự nghiệp của anh tốt hơn?

- Có ai làm diễn viên lại không mong nổi tiếng? Được người ta nhớ mặt, biết tên, nên khi hoạt động sân khấu, tôi gặp rất nhiều thuận lợi, nhất là trong việc… bán vé. Có lẽ, tôi là người bán vé siêu nhất Đoàn kịch Công an nhân dân hồi còn làm tổ chức biểu diễn. Lúc đầu, có một số quan điểm không đồng ý cho Đoàn kịch công an nhân dân đi bán vé, vì nghĩ đây là đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng tôi nghĩ, nếu nghệ sĩ có thêm thu nhập sẽ càng hay, đời sống tốt hơn và việc lắng nghe sự phản hồi của khán giả thì chất lượng tác phẩm cũng tốt hơn. Thực ra, lúc đầu tôi cũng ngại, vì mình là diễn viên hoạt động trên “thánh đường nghệ thuật”, ông hoàng bà chúa quần là áo lượt mà giờ trực tiếp đi mời từ người bán phở trên phố đến chủ sạp hàng trong chợ mua vé. Nhưng diễn viên chân chính thì sợ gì? Hơn nữa, tôi đi bán vé là vì yêu nghề, yêu tập thể, vì tôi cần khán giả đến xem, cổ vũ, động viên. Đôi lúc, tôi muốn họ đi xem chỉ để nghe họ nhận xét về vai diễn của mình và của đồng nghiệp.

Yêu nghề chẳng ngại… bán vé

- Và anh làm sale tốt chứ?

- Thực ra, từ hồi còn là sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nôi, tôi đã đi bán vé cho Đoàn Cải lương Bông Huệ. Khi trở thành diễn viên, ngoài bán vé cho Đoàn kịch Công an nhân dân, tôi còn bán vé cho Đoàn ca múa nhạc Công an nhân dân, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen… Nói chung, ai làm sân khấu cũng vất vả, bán vé càng là công việc nhọc nhằn. Nhiều người trả lời thẳng: “Tôi quý ông thì mua thôi, chứ tôi chẳng có nhu cầu đi giải trí buổi tối, ở nhà lướt qua mấy kênh tivi đã đến giờ ngủ”. Cũng có người mua vé nhưng yêu cầu mình phải ăn cơm, thậm chí có thời gian đi cùng chương trình của công ty đối tác. Có người là chủ một công ty lớn nhưng lại bảo mua chịu vì chưa có tiền trả ngay. Thực ra, là vì họ quý mình, muốn mình đến chơi nhiều lần để có cơ hội nhậu nhẹt, chém gió vui vẻ.

- Có vẻ như chặng cuối, tần suất của anh hơi dày, hết kịch lại đến phim, có khi nào anh mệt vì “chạy… show” không?

- Vì được quyền lựa chọn nên tôi không bao giờ nhận lời tham gia cùng lúc hai phim truyền hình. Song ở trên sân khấu, vì tôi là biên chế trong đoàn mà có những khi không ai phù hợp hơn nên phải diễn xuất cả hai dạng vai trong một ngày. Nhớ lần đi lưu diễn ở tỉnh, buổi sáng tôi đóng vai phản diện trong “Quả báo”, buổi chiều vào vai trung tá trưởng phòng cảnh sát kinh tế là nhân vật chính diện trong “Khoảnh khắc mong manh”, buổi tối lại diễn tiếp “Quả báo”. Cứ quay vòng như thế, nên không tránh khỏi đôi lúc tôi nhầm thoại, may quá, vừa nói được mấy chữ thì chính mình phát hiện ra, khán giả chưa biết. Hôm sau tôi nói với sếp: “Anh ơi, em cứ loạn hết cả lên”. Sếp cười bảo: “Không loạn mới lạ”.

Làm nghệ thuật không tự mãn được

- Nhận xét về diễn viên Nguyễn Hải, nhiều người thừa nhận, anh đã khẳng định được tên tuổi ở dạng vai phản diện, anh thấy sao?

- Tôi không dám nhận mình giỏi giang. Làm nghề, nhất là nghệ thuật, không tự mãn được, mình giỏi người ta giỏi hơn, vì đó là ngọn núi không có đỉnh. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy yêu người đã khó, mà yêu nghề càng khó hơn. Và tôi bằng lòng với sự hy sinh của một kỹ sư mỏ khi chấp nhận bỏ tất cả để làm lại từ đầu với nghệ thuật. Tôi vui khi thi thoảng có khán giả tự đổi tên khai sinh của tôi và gọi tôi là Trịnh Khả, Lão Cấn, Lê Thanh, Trần Như Tuất…

- Nhiều năm cống hiến trên sàn diễn, anh thấy những vở diễn trên sân khấu hiện nay thế nào?

- Tôi có đi xem một số vở, thấy lớp trẻ cập nhật nhanh, đúng là thời đại 4.0. Các em thông minh, điều kiện để sinh hoạt, học tập, phấn đấu cũng hơn thế hệ chúng tôi nhiều. Thế nhưng, tôi vẫn thèm cái độ đằm của vai diễn, chất lắng đọng trong từng nhân vật. Thật tình, cái này không phải không có nhưng ít gặp. Là người làm nghề, tôi muốn thấy, diễn viên cùng với tác giả, đạo diễn, thậm chí là cả khán giả tạo nên ngòi nổ trong các cuộc liên hoan, hội diễn. Đó là vở diễn gây chấn động dư luận. Có lẽ đành phải chấp nhận, vì được cái này thì phải thiếu cái kia.

- Trân trọng cảm ơn anh!