Ngậm ngùi khi “đứa con tinh thần” bị đánh cắp

ANTĐ - Ăn cắp ảnh hay đạo ảnh đã là câu chuyện thường ngày trong giới nhiếp ảnh. Việc này hiển nhiên đến nỗi, “cha đẻ” của các tác phẩm bị ăn cắp biết rất rõ nhưng cũng đành ngậm ngùi cho qua. 

Ngậm ngùi khi “đứa con tinh thần” bị đánh cắp ảnh 1Bức ảnh gốc của nhà nhiếp ảnh Dzungart...

1. Thái Phiên là nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng về tài chụp ảnh nude. Không thể ngờ, các tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp cơ thể phụ nữ của anh vô tình lọt vào các khách sạn, nhà nghỉ. Lần đầu tiên nhìn thấy “đứa con đẻ” được treo trong không gian chật hẹp, ánh sáng mờ ảo của một nhà nghỉ, thay vì bực tức Thái Phiên đã phá lên cười. Tác phẩm mà anh đã dày công thực hiện hoàn toàn vị nghệ thuật lại được dùng vào mục đích không mấy tốt đẹp. Sau hồi nuốt bực, Thái Phiên đã hỏi ông chủ nhà nghỉ và anh này “hồn nhiên” trả lời: “Em treo ảnh hộ anh thì anh phải cảm thấy hạnh phúc mới đúng. Em đang quảng cáo hộ anh đấy thôi”. Sau lần đó, mỗi lần phát hiện “con mình” bị ăn cắp ngay trước mắt, anh không còn phá lên cười như trước mà thay vào đó là sự chai lì về cảm xúc. Biết đấy nhưng cũng đành chịu vậy.

2. Là nghệ sỹ của núi rừng Đà Lạt, MPK (Nguyễn Văn Phước) sống hồn nhiên, đồng điệu với thiên nhiên, với đồi thông bát ngát của xứ sở mộng mơ. Anh quan niệm, các tác phẩm do MPK chụp là của trời, của đất, anh chỉ có nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh đẹp vốn là tặng phẩm của thiên nhiên dành cho con người. Thế nhưng, sự hồn nhiên của anh đã bị lợi dụng, họ hồn nhiên lấy ảnh của anh và sử dụng tùy tiện. Những bức ảnh chụp sương, mầm cây vừa nhú… của MPK luôn “được” các công ty cà phê, các quán cà phê tự ý lấy ảnh để minh họa. Cách đây 3 năm, MPK chụp bộ ảnh về đời sống cây cà phê bắt đầu từ hạt mầm, lên cây, ra hoa, ra quả. File ảnh chưa gửi tới bất kỳ địa chỉ nào vậy mà, trong một lần đi lang thang dọc bờ biển, thấy một quán cà phê đẹp, MPK ghé vào chơi. Đập vào mắt anh ngay ở cửa ra vào là 2 bức tranh chép lại ảnh MPK chụp về đời sống cây cà phê. Anh đứng sững lại, “kỳ vậy ta, người họa sỹ này đã lấy ảnh của mình ở đâu để vẽ? Thôi chết rồi, hôm nọ vì cao hứng mà mình đưa lên mạng một vài bức vừa chụp với dung lượng không thể in ảnh, không ngờ…”. Đây không phải lần đầu tiên nhưng một người sống đơn giản như MPK cũng muốn có một lời xin lỗi, chỉ là để… mát ruột. 

Ngậm ngùi khi “đứa con tinh thần” bị đánh cắp ảnh 2...và bị chép lại một cách khô cứng và nhợt nhạt

3. Chụp chuyên đề về áo dài, thiếu nữ nên các tác phẩm nhiếp ảnh của Dzungart (Nguyễn Quốc Dũng) lại đặc biệt được các gallery bán đồ lưu niệm ưa chuộng và đương nhiên là cũng tự ý lấy ảnh một cách trắng trợn. Lần đầu tiên phát hiện ra ảnh của mình bị chép trên phố Hàng Trống, Dzungart choáng váng. Bức ảnh đẹp thế, còn tranh chép nhợt nhạt, khô cứng. Hỏi mấy người thợ, họ thản nhiên cho biết: “chủ bảo thì làm”. Chưa hết, một lần, Dzungart lên Đồng Văn (Hà Giang) cùng mấy người bạn, ở đúng khách sạn có treo tranh của anh ở đầu giường. Ông bạn cùng đi cũng có tranh ở đấy. Thế là chia nhau, tranh nào, thằng ấy… ngủ, cả hai cười méo cả mặt. Còn vào Sài Gòn, tác phẩm của Dzungart bị chép quá nhiều trên đường Nam Kỳ khởi nghĩa, Hội An, Đà Nẵng, đi đâu anh cũng thấy con mình “đi hoang”. Đau lắm!

Ngậm ngùi khi “đứa con tinh thần” bị đánh cắp ảnh 3“Hoàng hôn đỏ” của nhiếp ảnh gia Thái Phiên luôn được các khách sạn, 
nhà nghỉ yêu thích và lựa chọn để treo

4. Hoàng Thế Nhiệm say sưa với phong cảnh kỳ thú của Việt Nam. Các tác phẩm của anh có điểm nhìn rộng, phóng khoáng và làm nổi bật vẻ đẹp riêng của từng vùng đất. Việc bị ăn cắp ảnh đối với Hoàng Thế Nhiệm đã quá nhiều lần và cũng giống như Thái Phiên, anh buộc phải trở nên chai lì, chứng kiến người ta ẵm mất “đứa con” ra khỏi nhà. Nhưng anh cũng chỉ biết ảnh của mình bị ăn cắp khi sách đã in hay pano đã treo còn những vụ nho nhỏ thì rải rác khắp đất nước. Vì lý do in ấn nên các NXB thường yêu cầu Hoàng Thế Nhiệm đưa file ảnh gốc. Nhưng sau đó, các file ảnh này đi đâu thì chính bản thân nghệ sỹ cũng không quản lý nổi. Chỉ đến khi, đi đến một hiệu bán đĩa CD, anh thấy có một bìa đĩa ghi “Ảnh Việt Nam chất lượng cao” và thấy ảnh của mình trong đó, Thế Nhiệm mới ngả ngửa ra. 

5. Bốn nghệ sỹ nhiếp ảnh kể trên đều là những tay máy có tiếng trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Quá nửa số này đã từng đi kiện vì bản quyền ảnh nhưng rồi đều thất vọng tràn trề. NSNA Thái Phiên chia sẻ “Kiện củ khoai, tiền đi kiện liệu có lại được với tiền tác phẩm. Sự lên tiếng của tôi dù được báo chí ủng hộ và vào cuộc nhưng cũng chỉ như viên đá cuội rơi vào lòng đại dương”. Còn MPK thì vẫn nói rằng: “Tác phẩm của tôi là của trời, của đất, tôi không thích dùng đến luật pháp để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tôi chỉ mong mỗi người nên có lòng tự trọng khi lấy ảnh của người khác. Dù sao, đó cũng là “đứa con” mình sinh ra có cha, có mẹ, không phải đứa con vô thừa nhận”.