Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam:

Có “đạo ảnh” là do xem nhẹ tác quyền

ANTĐ - Được ban hành đúng vào thời điểm “nóng”, thời gian diễn ra liên tiếp các vụ kiện bản quyền ảnh, bộ “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam” được coi như một động thái rõ rệt nhằm chấn chỉnh hiện tượng vi phạm bản quyền ảnh. Tuy vậy, biện pháp này có thực sự phát huy hiệu quả, PV Báo ANTĐ đã cuộc trao đổi cùng ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam về vấn đề này. 

Có “đạo ảnh” là do xem nhẹ tác quyền ảnh 1
Bức ảnh triệu đô “Mặt trời trong Lăng” của NSNA Trần Lam
đã xảy ra tranh chấp bản quyền ảnh vào năm 2011

- PV: “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hội viên” được ban hành vào lúc này có chậm trễ quá không, thưa ông?

- Ông Vũ Quốc Khánh: Không phải đến khi việc vi phạm bản quyền ảnh diễn ra tràn lan, Hội NSNA Việt Nam mới ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Lý do cơ bản của việc ban hành là Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng giống như việc ban hành quy chế hoạt động của Hội: kết nạp hội viên, trao giải thưởng… để tạo nên những khuôn khổ trong hoạt động nghề nghiệp của các nghệ sỹ. Trong này có nhiều điều được quy định rất cụ thể như nghiêm cấm mọi hoạt động vi phạm đạo ảnh. Quy tắc này được ban hành nhằm điều chỉnh hành vi của 900 hội viên thuộc sự quản lý của Hội NSNA Việt Nam và mang tính răn đe nhiều hơn là xử lý.

- Vậy hình thức kỷ luật cao nhất được nêu trong quy tắc đạo đức có phải là… khai trừ khỏi Hội?

- Phần lớn các vụ kiện bản quyền ảnh đến từ tính thiếu chuyên nghiệp của các hội viên. Tâm lý dễ dãi trong cho, đăng ảnh đã dẫn tới các tranh chấp bản quyền không đáng có. Thời gian gần đây đã xuất hiện một vài trường hợp không hay như cho nhau ảnh, nhờ nhau chụp, dùng ảnh, lấy ảnh đó để dự thi dưới sự cho phép của tác giả. Không người nghệ sỹ chân chính nào lại đi xin ảnh để… dự thi. Anh em cố tình vi phạm thì ít mà thực ra chỉ do xem nhẹ việc bản quyền ảnh thì đúng hơn. Chính vì vậy, ở quy tắc này, Hội sẽ tiến hành khiển trách để răn đe với lần đầu tiên vi phạm nhưng sẽ thẳng tay khai trừ khỏi Hội nếu tái phạm. 

- Cho tới nay, Hội NSNA Việt Nam đã thanh lọc được hội viên nào từ những vụ kiện bản quyền ảnh? 

 

- Các vụ kiện bản quyền ảnh chỉ ồn ào thời gian đầu và sau đó dần chìm vào im lặng do tâm lý ngại kiện tụng, “bỏ qua cho xong”. Đến thời điểm này, phần lớn các lùm xùm xung quanh bản quyền ảnh đều chưa được giải quyết triệt để và còn nhiều kẽ hở. Các cơ quan sử dụng ảnh của tác giả rất tùy tiện với suy nghĩ rằng: việc đăng tải ảnh trên các cơ quan thông tấn là giúp quảng bá tác phẩm của nghệ sỹ tốt nhất. Đáng lý nghệ sỹ phải cảm ơn vì điều đó. Còn nếu xảy ra tranh chấp giữa hai tác giả thì những thủ tục rắc rối liên quan đến thuê luật sư, ra tòa khiến cho không mấy nghệ sỹ đủ kiên nhẫn và tiền bạc để theo đuổi đến cùng. Vì thế, số lượng hội viên Hội NSNA Việt Nam thường tăng chứ ít khi giảm. 

 -Việt Nam đã gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật nhưng số vụ vi phạm bản quyền ảnh không có dấu hiệu giảm. Ông lý giải về hiện tượng này như thế nào?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do suy nghĩ đơn giản và tùy tiện của người sử dụng ảnh. Người ta đã xem thường chuyện tác quyền. Một cái ảnh nhỏ bé có dùng cũng không sao, đặc biệt với những ấn phẩm báo chí nội bộ. Việc phát giác chỉ xảy ra với những ấn phẩm có tầm ảnh hưởng rộng rãi như logo biểu trưng cho đơn vị ngành nghề. Rồi kiện tụng xảy ra nhưng tác giả lại không đi đến tận cùng nên việc cứ bỏ lửng như vậy và chẳng ai sợ ai. Rồi mọi việc sẽ tái diễn. 

- Trước thực tế này, Hội NSNA Việt Nam có nghĩ đến việc thành lập Trung tâm bảo vệ tác quyền ảnh giống như Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã làm?

- Để bảo vệ quyền lợi của anh em nghệ sỹ, đúng là việc thành lập một Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Ảnh là cần thiết nhưng điều kiện thực tế chưa cho phép Hội NSNA Việt Nam làm việc này. Khi có tranh chấp xảy ra, Hội NSNA Việt Nam thường chỉ tiến hành công việc chuyên môn đơn thuần là thành lập Hội đồng Thẩm định để phân định đúng sai, ai đạo ảnh của ai giống như đã từng làm trong việc tranh chấp bản quyền ảnh giữa NSNA Minh Lộc và Trần Lam về bức ảnh “Mặt trời trong Lăng”. Sau đó, tác giả có kiện ra tòa hay không để đòi quyền lợi lại phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nghệ sỹ. 

- Xin cảm ơn ông!