Nếu tăng giá nước sạch từ 1-7, người dân Hà Nội sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu được UBND TP Hà Nội thông qua, từ ngày 1/7 tới đây, giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng. 

Theo Tờ trình phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt Sở Tài chính Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên mức 7.500 đồng/m3 từ tháng 1/7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước gồm cán bộ của 6 Sở ngành đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người.

Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đang được xem xét tăng từ 1/7

Giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đang được xem xét tăng từ 1/7

"Mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị", Sở Tài chính khẳng định.

Mức tăng dự kiến của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh thành phố khác. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10 m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ.

Lý giải đề xuất nêu trên, Tổ thẩm định cho rằng, 10 năm qua, thành phố chưa điều chỉnh giá nước sạch, trong khi đó chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế khai thác nước ngầm của nhà nước, thành phố đã kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt có giá sản xuất cao hơn nước ngầm; yêu cầu nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để đầu tư.

Người dân ở KĐT Linh Đàm mang phải thùng, xô chứa nước sinh hoạt trong một sự cố nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải

Người dân ở KĐT Linh Đàm mang phải thùng, xô chứa nước sinh hoạt trong một sự cố nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải

Bên cạnh đó, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.

Đến 31/12/2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm.

Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.

Tổ thẩm định đánh giá, công suất của các nhà máy nước tập trung đảm bảo nguồn nước cấp cho thành phố ổn định, chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, từ năm 2025, nếu các dự án không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch thì có thể không đảm bảo nguồn cung về nước sạch sinh hoạt cho thành phố.

Cũng theo Tờ trình của Sở Tài chính, địa bàn TP Hà Nội có 3 doanh nghiệp bán buôn nước sạch gồm Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Nhà máy nước mặt Sông Đà và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội.

Trong đó, giá bán buôn nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống năm 2023 là 8.326 đồng/m3; năm 2024 là 9.100 đồng/m3. Giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trong các năm 2023, năm 2024 được điều chỉnh theo lộ trình từ ngày 1/1 hàng năm.

Còn giá bán buôn nước hiện hành của Nhà máy nước mặt Sông Đà hiện là 5.069 đồng/m3.

Giá bán buôn nước của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội hiện hành cho các đơn vị dao động từ 3.000-6.580 đồng/m3.