Nên mạnh tay cho vay

ANTĐ - Trong tình hình suy giảm kinh tế hiện nay, điều căng thẳng nhất là sức mua bị giảm sút khiến cho không chỉ nhà bán lẻ lâm vào tình trạng khốn đốn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm cho hàng hóa tồn đọng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất. Người sản xuất không bán sản phẩm ra xã hội thì hàng hóa sẽ đi đâu? Tình trạng này dẫn đến một loạt hệ lụy về dây chuyền sản xuất, kinh doanh, lao động việc làm và bản thân người tiêu dùng.

Hiện ở ta, tồn kho hàng công nghiệp là nỗi lo chồng lên nỗi lo về chi phí sản xuất hàng, giá đầu vào nguyên nhiên liệu, nhưng tồn kho hàng tiêu dùng cũng có những tác động xấu không kém, nhất là về mặt xã hội. Chính phủ và các ngân hàng đang hướng tới kích cầu tiêu dùng đúng với sự vận động của kinh tế thị trường. Thế nhưng, cái khó muôn thuở trong lĩnh vực tiêu dùng ở nước ta là tỷ lệ cho vay tiêu dùng có “truyền thống” rất thấp, ngược với tỷ lệ rất cao ở các nước khác.

Chưa hết, dân ta thường có tư duy “thắt chặt hầu bao” khi mà kinh tế, sản xuất đình trệ, đẩy thị trường vào cảnh “chợ chiều”, thậm chí rơi xuống “đáy” tăng trưởng âm. Nhiều người bán buôn, bán lẻ bỏ chợ. Theo Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chủ trương đưa tiêu dùng vào diện khuyến khích phát triển để doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận nguồn tín dụng kích cầu tiêu dùng, chính là “giải cứu” doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Một số ngân hàng thương mại đã có nhiều gói tín dụng cho vay tiêu dùng  là tín hiệu đáng mừng, một bước đi linh hoạt của ngân hàng. Đương nhiên, cho vay tiêu dùng thì mức độ rủi ro cao hơn, nhưng không thể cứ muốn “ăn chắc 100%”. Phải chấp nhận những rủi ro nhất định để kích thích cung - cầu, giúp nền kinh tế vượt dốc. Có lẽ nên coi dòng tín dụng của các ngân hàng thương mại như một dòng máu tuần hoàn khắp cơ thể. Nếu để nó thông chỗ này nhưng lại tắc chỗ kia thì dù có một trái tim khỏe mạnh, tức là ngân hàng dồi dào, thậm chí ứ thừa tiền cũng không thể giải cứu được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á Ngân hàng Standard Chartered cũng khuyến cáo, các ngân hàng thương mại Việt Nam nên “mạnh tay” cho vay kích cầu tiêu dùng. Không nên giữ quan điểm doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mời vay, yếu thì từ chối. Cần phải có những giải pháp kích cầu trực tiếp. Giảm thuế sẽ không giúp được nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp, bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp đang sống “lay lắt”, thì làm sao có thể đợi đến lúc được giảm thuế. Vấn đề là làm sao để các doanh nghiệp sống được, phải bán được hàng chứ không phải chỉ là hỗ trợ thuế. Giải pháp “cứu sống” doanh nghiệp phải là những liệu pháp mạnh kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế, thuế là giải pháp đi sau.

Tăng tín dụng tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp “mở cửa” giải phóng hàng tồn kho. Còn đối với các ngân hàng, tín dụng tiêu dùng sẽ giúp tăng lợi nhuận và giảm rủi ro. Theo một số chuyên gia tài chính ngân hàng, đây là một mũi tên “bắn” trúng nhiều đích. Khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ nhưng tổng khối lượng các khoản vay lại lớn, đồng thời rủi ro cũng dàn trải và rất thấp.