Nên kiểm tra cholesterol định kỳ

ANTD.VN - Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 1 trong 200 người có cholesterol cao do gene, được gọi là tăng cholesterol máu có tính gia đình (FH). Thậm chí nếu gia đình bạn không có tiền sử cholesterol cao, cũng cần phải xét nghiệm cholesterol định kỳ, bao gồm cả trẻ em ở độ tuổi từ 9 và 11 để xác định tổng mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), cholesterol HDL (cholesterol tốt) và triglycerides. 

Bạn không thể sống mà không có cholesterol

Cholesterol sẵn có trong cơ thể và trẻ sơ sinh còn được bổ sung  từ sữa mẹ hay sữa bột trẻ em. Cholesterol rất cần thiết bởi chúng là các kích thích tố và góp phần xây dựng tế bào cơ thể và xử lý chất béo trong gan.

1 trong 3 người lớn có cholesterol cao

Những người trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol bằng một xét nghiệm máu đơn giản, 5 năm 1 lần, theo CDC. Khoảng 32% người lớn ở Hoa Kỳ có mức độ cholesterol LDL cao khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nồng độ cholesterol có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và căng thẳng nên để có kết quả chính xác nhất nên thực hiện xét nghiệm máu 2 lần riêng biệt trong 1 tuần.

Cholesterol cao là do di truyền

Rất nhiều quan điểm cho rằng có thể kiểm soát mức cholesterol bằng chế độ ăn uống và tập thể dục, nhưng thực tế các yếu tố ảnh hưởng chính làm tăng mức cholesterol là do di truyền gọi  là tăng cholesterol máu có tính gia đình (FH).

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, khoảng 75% cholesterol là do gene, và khoảng 25% là do chế độ ăn uống. Khi bạn ăn thức ăn có chứa cholesterol như thịt, cá và sữa, cơ thể giải phóng cholesterol dư thừa nếu hoạt động bình thường nhưng nếu người bị FH, cơ thể sẽ không thể đốt cháy chất béo dư thừa. Bạn có nguy cơ FH nếu gia đình bạn có tiền sử cholesterol cao hoặc nhồi máu cơ tim sớm (xảy ra trước 50 tuổi). 

Trẻ em cũng có thể có cholesterol cao

Hầu hết mọi người nghĩ về cholesterol cao là vấn đề của người lớn. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo sàng lọc cholesterol cho tất cả trẻ em ở lứa tuổi 9-11 và sàng lọc chọn lọc cho trẻ từ  2 tuổi có nguy cơ cao có vấn đề cholesterol, bao gồm cả trẻ em: béo phì, tiền sử gia đình bị bệnh tim, tiền sử gia đình bị cholesterol cao.

Đổ mồ hôi làm tăng nồng độ cholesterol tốt

Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm như cá hồi và bơ, bạn có thể làm tăng nồng độ HDL bảo vệ chống lại bệnh tim bằng cách vận động.  Trong một nghiên cứu năm 2016 ở những phụ nữ bị tiểu đường tuýp 2 tập luyện với cường độ cao trong 3 tuần cho thấy họ đã tăng 21% nồng độ HDL và giảm 18% trigylcerides. Và một nghiên cứu khác chỉ ra nam giới chạy bộ ở cường độ cao cải thiện đáng kể nồng độ HDL trong 8 tuần.

Mức cholesterol của phụ nữ thay đổi theo tuổi 

Mặc dù phụ nữ thường có mức cholesterol thấp hơn so với nam giới nhưng khi mang thai, nồng độ cholesterol tăng lên, giúp bộ não của trẻ sơ sinh phát triển. Và sữa mẹ giàu cholesterol được cho là bảo vệ tim của trẻ sơ sinh. Sau khi mang thai, nồng độ cholesterol trở lại bình thường nhưng sau thời kỳ mãn kinh, nồng độ cholesterol LDL lại tăng lên, trong khi mức độ HDL bảo vệ cơ thể suy giảm. Ở tuổi 75, phụ nữ có xu hướng có mức cholesterol cao hơn nam giới.