Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điểm nhấn quan trọng và thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong dự thảo Luật lần này là việc quy định tăng độ tuổi của trẻ em. Hiện tại, trẻ em được quy định là tất cả những công dân Việt Nam dưới 16 tuổi nhưng trong dự thảo Luật sửa đổi đang xây dựng, độ tuổi của trẻ em sẽ được tăng lên dưới 18 tuổi. Qua khảo sát, quy định này được đa số các bộ, ngành, địa phương ủng hộ cơ bản phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam cho biết, về phía Hội cũng đồng tình với việc nâng tuổi trẻ em thêm 2 tuổi so với hiện nay. Hiện tại, Luật quy định những trẻ dưới 16 tuổi mới là trẻ em, điều này đang tạo ra một khoảng trống vì có rất nhiều trẻ từ 16 đến 18 tuổi tuy không còn là trẻ em nhưng tâm sinh lý lại chưa trưởng thành, chưa thực sự là người lớn. Cũng vì quy định độ tuổi này mà đương nhiên tất cả những trẻ từ 16-18 tuổi không còn được hưởng các chế độ chính sách, sự quan tâm chăm sóc và bảo vệ như trẻ em. Mặt khác, họ còn phải chịu trách nhiệm về mọi mặt, mọi hành vi của mình, kể cả chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trẻ phải chịu trách nhiệm sớm như vậy nhiều khi gây phản ứng ngược, khiến trẻ gây ra những hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Chẳng hạn, hàng loạt văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình… sẽ phải điều chỉnh theo để bảo đảm tính thống nhất độ tuổi của trẻ em. Hơn nữa, nếu nâng độ tuổi trẻ em cũng đồng nghĩa với việc tăng ngân sách dành cho các chính sách ưu đãi với trẻ em. Theo thống kê, khi tăng tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi thì số trẻ em sẽ tăng thêm khoảng 10%, trong đó riêng nhóm đối tượng trẻ em hưởng các chế độ bảo trợ xã hội tăng thêm khoảng 3%.
Bên cạnh việc điều chỉnh độ tuổi, trong dự thảo Luật Trẻ em đang xây dựng, dự kiến các quyền của trẻ em sẽ được nâng lên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn.
Thêm nhiều quyền lợi mới
Đáng chú ý, ngoài các quyền cơ bản như quyền được khai sinh, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, được học tập… thì trẻ em sẽ có thêm nhiều quyền lợi mới như quyền được giữ gìn bản sắc, quyền có tài sản và đặc biệt là quyền được bảo vệ hình ảnh, cuộc sống riêng tư và bảo mật. Trong đó, trẻ em sẽ có quyền được bí mật thư tín, điện thoại, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác mà không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật các thư tín, điện thoại hay các hình thức trao đổi thông tin riêng tư này. Đồng thời, pháp luật cũng sẽ nghiêm cấm việc tiết lộ, công bố, sử dụng hình ảnh của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ hoặc cha mẹ, người giám hộ.