Muốn ly hôn ngay sau tuần trăng mật - tại sao?

ANTĐ - Không ít các cặp vợ chồng trẻ chán nản cuộc sống hôn nhân ngay sau ngày cưới vì những thay đổi phát sinh khi sống cùng nhau.

Trong số đó, có những cặp từng yêu nhau mãnh liệt, bất chấp cả sự phản đối của gia đình để đến với nhau nhưng cuối cùng vẫn “đường ai nấy đi” sau một thời gian ngắn chung sống. Đời sống hôn nhân khác lúc yêu nhau quá nhiều và các cặp đôi không phải lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ hành trang để đối mặt với thực tế. Đây được xem là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng nảy sinh những mâu thuẫn khó có thể giải quyết được.

Liên tiếp “vỡ mộng” về người chồng của mình

Vừa đi nghỉ tuần trăng mật về (tuần trăng mật muộn sau ngày cưới khoảng 2 tháng), chị Loan đã lên mạng than “chán chồng đến tận cổ” với bạn bè. Chính chị cũng không ngờ sau khi cưới chồng mình lại thay đổi nhiều đến như vậy: Không đưa vợ đi chơi sau giờ làm, không giúp vợ việc nhà như lời hứa trước khi cưới. Chưa hết, chồng chị ngày càng bộc lộ bản tính luộm thuộm, vô tâm và thờ ơ với vợ, với việc gia đình đến mức khó có thể chấp nhận.

Sau giờ làm, chồng chị Loan chỉ có 2 việc: hoặc là đi nhậu với bạn bè, hoặc là ngồi ôm tivi đến lúc vợ giục đi ăn cơm mới thèm đứng dậy. Ăn xong là chồng chị đi tắm, quần áo cũng không giúp vợ cho vào máy giặt. Từ đó đến lúc lên giường, anh chỉ cắm đầu chơi game trên máy tính. Mỗi khi bị vợ giục đi ngủ hay làm gì đó, anh đều tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí có lần còn to tiếng với vợ (dù là mới cưới). Thực tế này khiến chị Loan bị sốc nặng bởi trước đây và bây giờ, chồng chị dường như đã biến thành một con người hoàn toàn khác. Trước đây anh lãng mạn, chu đáo với người yêu bao nhiêu thì nay anh lại có vẻ thờ ơ, lạnh nhạt bấy nhiêu. Chị Loan cũng đã tự kiểm điểm mình nhưng mới cưới nhau chưa được 2 tháng, lại không chung sống cùng bố mẹ chồng, chị Loan tự nhận thấy mình chẳng làm gì nên tội để đến nỗi chồng phải thay đổi cách ứng xử 180 độ như vậy.

“Được lời như cởi tấm lòng”, nghe những lời than thở của chị Loan, nhiều chị em khác cũng vào “kể khổ” vì đã bắt “đúng sóng”. Có những người mới cưới nhưng chồng bỗng dưng đánh rơi hết lãng mạn khi chỉ biết đi làm và đi làm, không còn quan tâm chăm sóc như hồi còn yêu. Lại có người than vãn vì đời sống chăn gối không như ý, vợ chồng trẻ mà một tháng chỉ “đôi ba lần”, có cũng như không.

Bi kịch nhất có lẽ là hoản cảnh của những người vợ từ nhỏ đã ở thành phố, không quen sống cảnh nhà thuê chật chội nhưng vì yêu nên chấp nhận thuê nhà trọ chật chội ở với chồng. Song tình cảnh “bếp cạnh giường, giường cạnh toa-lét” có khi không làm những người phụ nữ này mệt mỏi bằng chuyện chồng mình như biến thành một người khác. Đó là khi chồng thấy vợ mệt mỏi chưa kịp giặt đồ là bắt đầu cằn nhằn. Vợ “nũng nịu” muốn chồng giặt cùng thì chồng cau mặt mắng vợ là “con gái mà lười nhác, quen sống sung sướng rồi nên giờ không chịu khổ được phải không?”.

Không những “vỡ mộng” về tính cách của chồng, có nhiều người phụ nữ còn “vỡ mộng” vì tính cách, văn hoá của cả gia đình nhà chồng mà trường hợp của chị Hằng, 27 tuổi (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị Hằng từ nhỏ đến lớn đều sống trong bầu không khí gia đình hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên. Con cháu nếu có sai sót điều gì cũng luôn nhận được những lời sẻ chia, góp ý mang tính xây dựng từ cô dì chú bác. Tuy nhiên, kể từ khi lấy chồng, chị mới nhận ra rằng nhà chồng chị không có cái văn hóa ấy.

Trong gia đình chồng chị Hằng, mọi thành viên dường như không có điều gì gắn kết với nhau, nếu có cũng chỉ dừng ở mối quan hệ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ, còn vượt ra khỏi phạm vi này là “có vấn đề”. Chị chứng kiến cảnh con cháu trong nhà nói xấu các bậc bề trên và ngược lại, các bậc bề trên luôn luôn tìm cách tìm ra những lỗi lầm, khuyết điểm của con cháu và chỉ nhăm nhe vào điểm đó để chì chiết con cháu. Từ đây, một không khí ngột ngạt đã ra đời. Mỗi năm, đại gia đình nhà chồng chị chỉ gặp nhau đông đủ 2-3 lần vào các dịp giỗ to, giỗ ông, giỗ bà, còn lại là mỗi người một việc, dường như chẳng liên quan đến nhau.

Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách suy nghĩ và quan điểm sống của chồng chị. Mỗi khi chị Hằng tỏ ý muốn giúp đỡ một thành viên nào đó trong họ mạc, anh đều gạt phắt đi: “Việc của người ta để người ta lo!”. Dù đã xác định rõ ràng từ đầu nhưng vì chưa tìm hiểu thực sự kỹ càng văn hóa gia đình nhà chồng nên chị Hằng vẫn không tránh khỏi cảm giác chán nản sau khi kết hôn vì phải sống trong một bầu không khí như vậy.

Các ông chồng cũng ngột ngạt

Thấy chị em “kể lể”, nhiều anh em cũng lên tiếng để tự bênh vực mình. Các ông chồng cho rằng nhiều bà vợ cũng thay đổi hoàn toàn sau ngày cưới. Những hình ảnh xinh đẹp lung linh biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vợ ăn mặc thiếu tươm tất, ca thán suốt cả ngày và đòi hỏi quá nhiều ở chồng (chẳng hạn như đi làm xong nhất thiết phải về nhà với vợ, đi đâu cũng phải cho vợ đi cùng, vv...) khiến họ ngộp thở vì mất hết tự do.

Anh Linh - một người đàn ông mới cưới vợ được 6 tháng nay - tâm sự:  “Trước đây vợ tôi dịu dàng là vậy, mỗi khi người yêu sang chơi đều cơm ngon canh ngọt, nhà cửa tươm tất gọn gàng, quần áo lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ. Ai nói gì, cô ấy cũng chỉ nhoẻn miệng cười.  Lúc mang về gia đình giới thiệu, ai cũng chúc mừng tôi vì tìm được người vợ dịu hiền, đảm đang lại hiểu biết. Nhưng ở với nhau một thời gian rồi tôi mới thấy cô ấy không như mình nghĩ.

Anh Linh xác định trước khi cưới rồi sẽ không thể giống lúc còn yêu nhau nữa, sẽ có những thứ thay đổi và chắc chắn sẽ có cách để thích nghi. Vì thế, chuyện vợ anh không còn lung linh như xưa có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Vì cô ấy không phải quá “đầu tư” cho hình ảnh của mình. Nhưng vợ anh đến mức xộc xệch, lôi thôi, luộm thuộm (khi chưa có được đứa con nào) đã làm anh ngán ngẩm. Chưa hết, mỗi khi anh đi ăn uống ở đâu về mà không cho vợ đi cùng, lập tức vợ anh túm lấy chiếc điện thoại để kiểm tra tin nhắn và cuộc gọi nhỡ. Thậm chí có lần, chị còn gọi cho cả bạn anh để hỏi xem có đúng anh đã đi đến chỗ này, làm viêc này hay không. Anh Linh chưa từng lừa dối hay làm điều gì sai với vợ, vì thế, cách hành xử này khiến anh mất mặt và tự ái nặng nề.

Trong những câu chuyện được kể ra, có nhiều người thành thực chia sẻ mình ly hôn sau khi cưới khoảng 6 tháng và đó là một quyết định rất khó khăn. Đặc biệt có những cặp đôi “hết mình vì yêu”, trước khi cưới bị cha mẹ phản đối kịch liệt nhưng vẫn quyết lấy bằng được, đến khi hôn nhân lục đục không dám chia tay đành cố sức chịu đựng nhưng sau 2 năm vẫn “đường ai nấy đi” vì không thể nào dung hòa nổi các mâu thuẫn phát sinh.

Muốn ly hôn ngay sau tuần trăng mật - tại sao? ảnh 2

Tỷ lệ gia đình trẻ ly hôn ngày càng cao

Số liệu của đợt tổng điều tra dân số vào tháng 4/2009 không nêu rõ tình trạng hôn nhân của người Việt Nam nên các chuyên gia không có thông tin để đánh giá chính xác về tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê thì năm 2000, cả nước có 51.000 vụ ly hôn; năm 2004 có 60.000 vụ và đến năm 2006 đã có tới gần 70.000 vụ ly hôn.

Nghiên cứu xã hội học về thực trạng ly hôn năm 2006 của PGS. TS Nguyễn Minh Hoà - trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cũng cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở các gia đình trẻ (từ 20-30 tuổi) chiếm đến 60% tổng số vụ ly hôn trong cả nước và điều đáng lo ngại là tỷ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại toà án các quận/huyện, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ chiếm áp đảo trong tổng số các đối tượng đưa nhau ra tòa để chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.

Trong số các cặp vợ chồng trẻ từ 20-30 ly hôn thì có tới 70% cặp tan vỡ khi đã có con khiến mỗi năm TP HCM có khoảng 50.000 trẻ em rơi vào cảnh thiếu bố hoặc mẹ. TS Khuất Thu Hồng (Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển) cho biết, trong số những cặp vợ chồng trẻ ly hôn, có cặp vì cảm thấy không hòa hợp khi sống cùng nhau, có cặp bước vào rồi mới nhận ra mình chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình vì họ còn quá trẻ hoặc vẫn còn quá ham chơi. Khi cưới, họ chỉ xác định một điều “hết mình vì yêu” mà không nghĩ đến việc họ phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới. Vì thế, họ chia tay nhau.

Sở dĩ vì sao họ chia tay nhau dễ dàng sau một thời gian ngắn, bà Hồng cho rằng: “Hiện nay, chuyện ly hôn không còn bị coi là một cái gì đó quá kinh khủng như trước đây. Hơn nữa, khả năng làm lại của một người từng đổ vỡ là rất cao, kể cả phụ nữ. Nếu không làm lại thì người đã ly hôn vẫn có thể có nhiều cách để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trong đời sống của mình (hệt như người đang có gia đình). Vì vậy những cặp vợ chồng có nhiều lựa chọn để không phải bó buộc vào những mối quan hệ mà họ cho là gánh nặng của mình”.

Hiện nay, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới (trung bình cả ở nông thôn lẫn thành thị là khoảng 5%). Tuy vậy, bà Hồng đánh giá trong tương lai xu hướng trên sẽ còn tiếp tục lan rộng. Đó là hệ quả tất yếu trong một xã hội có nền kinh tế được ưu tiên phát triển manh, giới trẻ lại chuộng xu hướng sống gấp, không tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng hành trang trước khi bước vào cuộc sống gia đình. Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như mọi người vẫn thường tưởng tượng. Vì thế, để vượt qua những xung đột giữa những cá thể (mỗi cá thể có một cá tính riêng biệt) thì rất cần sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ từ cả hai phía để giữ hạnh phúc gia đình được bền lâu.