Mùa dịch bàn chuyện mỳ ăn liền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 1950, gói mỳ ăn liền vị gà lần đầu tiên ra đời tại Nhật Bản, nó được phát minh bởi một người đàn ông có tên là Momofuku Ando. Hơn 60 năm, kể từ lần đầu tiên ra đời, mỳ tôm (hay còn gọi là mỳ gói) đã có bước phát triển vượt bậc ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á và luôn luôn là món ăn rẻ nhất, tiện lợi nhất, thông dụng nhất. Có lẽ, Momofuku Ando khi phát minh ra mỳ gói chẳng thể ngờ được, năm 2020-2021, khi cả thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh, mỳ gói trở thành thực phẩm tích trữ cho nhiều bà nội trợ, đặc biệt là ở Việt Nam.

Nhanh và tiện

Trước những lần giãn cách xã hội, những lo sợ mơ hồ khiến nhiều người hoảng hốt, thế là lao ra siêu thị, khuân được gì về nhà thì khuân. Mỳ gói luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Cũng không hiểu logic tâm lý ra sao nhưng trong nhà có yến gạo có khi lại không thấy an tâm bằng có thùng mỳ. Nhiều người trót tích trữ nhiều quá, rồi thấy giãn cách xã hội nhưng siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn bán ê hề thì ân hận lắm. Ăn làm sao cho hết. Thế rồi, đợt giãn cách sau, vẫn không rút kinh nghiệm, lại khuân về thêm vài thùng mỳ.

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tức là hàng quán vỉa hè không bán nữa, phở, bún, miến, cháo, bánh giò, bánh mỳ, bánh bao... nếu muốn ăn thì chỉ có tự đi mà nấu. Chợ truyền thống cũng phát thẻ mua hàng theo ngày, hạn chế tối đa việc ra đường, chứ không phải thích lúc nào ra mua đều được. Thế là buổi sáng, nếu cầu kỳ thì ninh xương, luộc gà, luộc ngan từ hôm trước. Bày vẽ đủ món, bún ngan, phở gà..., đơn giản hơn thì bún sườn, bún mọc... Dưới một nấc phức tạp nữa thì nấu mỳ bánh đa, phở khô, bún khô... Nhưng tất thảy những thứ đó đều cứ phải thịt thà, công đoạn ninh xương, chế nước dùng thì mới ăn được, chứ không nhạt nhẽo chẳng ra làm sao. Và sự lựa chọn mỳ gói lúc này là số 1 bởi sự nhàn hạ của nó thì không món gì vượt qua được. Gói mỳ có đủ cả gia vị, dầu, sốt cô đặc và hành lá sấy khô. Chỉ cần đun nước thật sôi, đổ gói gia vị vào thì 3 phút sau là ăn được.

Tất nhiên, nếu không có điều kiện, thời gian thì phải ăn thế. Còn không, có nhiều cách chế biến mỳ gói sao cho dễ ăn hơn, ngon hơn, bổ dưỡng hơn và cung cấp đủ năng lượng hơn. So với hầu hết các món ăn thì mỳ tôm thuộc diện dễ tính. Tức là nó có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm, tuyệt đối không kén chọn.

Món ăn của sự dễ tính

Đầu tiên là mỳ tôm trứng. Trứng sống thì đập vào nồi mỳ trước để cho chín. Nếu muốn ăn trứng lòng đào thì lúc nào nước sôi thả vắt mỳ vào, đập trứng và tắt bếp, đậy lại trong vài phút là ăn được rồi. Ngoài ra, mỳ tôm cũng có thể nấu với trứng vịt lộn. Mốt ăn mỳ tôm vịt lộn này mới xuất hiện ở Hà Nội từ sau “phong trào” ăn bún riêu cho trứng vịt lộn. Thậm chí ăn lẩu cũng phải chọc thủng hai đầu của quả trứng rồi thả vào nồi cho… ngọt nước. Cũng phải nói luôn là, người viết bài này chưa bao giờ dám thử ăn bún riêu trứng vịt lộn và mỳ tôm trứng vịt lộn vì nghĩ 2 thứ đó nó không hợp. Tuy nhiên, một người không ăn với lý do “không hợp” cũng không thể cản cả nghìn người ăn ngon lành bởi họ thấy hợp.

Trước những lần giãn cách xã hội, những lo sợ mơ hồ khiến nhiều người hoảng hốt, thế là lao ra siêu thị, khuân được gì về nhà thì khuân. Mỳ gói luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Cũng không hiểu logic tâm lý ra sao nhưng trong nhà có yến gạo có khi lại không thấy an tâm bằng có thùng mỳ. Bình thường, mỳ ăn liền chưa bao giờ là món hàng ế ẩm cả. Dịch bệnh như thế này, nó lại càng tăng sản lượng tiêu thụ vì nhà nào mà chẳng dùng.

Cũng cách nấu đơn giản, mỳ tôm có thể nấu với thịt băm, sườn, cá, ngao, hay có thể mang ra thả vào nước lẩu, có thể xào và làm mỳ trộn. Đoạn gần sân vận động Hàng Đẫy có hàng mỳ Trinh nổi tiếng. Mỳ Trinh chỉ nấu mỳ tôm với tim, cật và thịt bò, nước dùng chua chua. Hoặc là xào mỳ giòn lên rồi đổ nước sốt cà chua cùng tim cật thái dày, chần chín, kèm với rau cải ngọt. Hàng mỳ này đông từ sáng sớm cho tới quá trưa. Đủ thấy, mỳ tôm dù được sinh ra với tư cách là món ăn nhanh, món “cứu đói”, nhưng khi kết hợp với các loại thực phẩm khác cũng rất dễ trở thành “đặc sản”. Bây giờ, Hà Nội giãn cách, mỳ Trinh đóng cửa, nhưng nếu sau này hết dịch thì rất nên ăn thử. Ăn để thấy Hà Nội món gì mà làm đến nơi đến chốn thì cũng thành thương hiệu cả.

Hơn 60 năm kể từ lần đầu ra mắt, chỉ tính riêng Việt Nam hoặc chỉ tính riêng các quảng cáo mỳ trên tivi thôi là đủ thấy, thị trường sản xuất mỳ gói phong phú và trăm hoa đua nở thế nào. Có mỳ bò cải chua, có mỳ riêu cua, mỳ kim chi, mỳ hải sản, mỳ gà, mỳ bò... Mỳ tôm thậm chí còn đi cả vào nhạc Rap của rapper nổi tiếng Đen Vâu: “Em chỉ mang lại chua cay, như là gói mỳ Hảo Hảo”. Câu hát này đã thành câu cửa miệng của giới trẻ. Không biết, doanh nghiệp sản xuất loại mỳ này có trả tiền quảng cáo cho Đen Vâu không? Nếu không thì quả là thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Bình thường, mỳ ăn liền chưa bao giờ là món hàng ế ẩm cả. Dịch bệnh như thế này, nó lại càng tăng sản lượng tiêu thụ vì nhà nào mà chẳng dùng. Mấy hôm nay mạng xã hội còn truyền nhau bức ảnh “triệu like” khi chiếc bánh sinh nhật được tạo nên hoàn toàn từ mỳ gói. Thấy bảo, đó mới là chiếc bánh thiết thực cho những ai trót có sinh nhật vào mùa dịch bệnh. Vừa no, lại vừa rẻ, rất tiết kiệm, lại sáng tạo.