Mua danh ba vạn, bán danh... một đồng

ANTĐ - Sau khi đường dây mại dâm cao cấp liên quan đến hàng loạt người mẫu, diễn viên “lộ sáng” thì điều mà dư luận đặt câu hỏi là liệu đây có phải chỉ là “tảng băng chìm” của khoảng tối trong giới showbiz Việt hiện nay.

Không thể biện minh

Dường như dư luận không quá ngạc nhiên khi đường dây mại dâm cao cấp có liên quan đến giới showbiz bị phanh phui. Có lẽ đây là điều đáng chua xót cho những người được gắn danh hiệu “Hoa hậu”, “Hoa khôi”, người mẫu, diễn viên, những người được công chúng biết đến như những bông hoa đẹp. Càng xót xa hơn, khi bị bắt một cô người mẫu đã lý giải hành động của mình rất “ngây thơ” rằng: “Em cũng chỉ định làm một thời gian, khi nào mua được nhà, xe ôtô sẽ dừng lại”. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ khi họ đã đặt đồng tiền lên trên nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp. Họ đã dùng nhan sắc của mình như một công cụ để kiếm tiền, làm giàu mà không cần phải lao động vất vả. Phải chăng sự lý giải của cô người mẫu này đã phản ánh một thực tế đáng báo động rằng những người mẫu muốn có cuộc sống vật chất xa hoa chỉ có một cách là bán thân lấy tiền?

“Tôi cho rằng các người đẹp biết xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt công chúng hiện nay không nhiều nên vô tình tạo ham muốn cho rất nhiều đối tượng săn đuổi họ. Việc trao đổi để mua bán thân xác núp sau nghề người mẫu là hệ quả của sự thoả mãn những ham muốn cá nhân dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong nghề nghiệp. Dẫu chỉ là chuyện con sâu làm rầu nồi canh, nhưng những thông tin dồn dập về người mẫu bán dâm đã và đang có sức ảnh hưởng không nhỏ đến nghề người mẫu. Rõ ràng, công chúng đang bị hoang mang không hiểu “nghề người mẫu là gì” bởi chính những đối tượng này. Sẽ khó có thể triệt tận gốc hiện tượng này nếu xã hội không chung tay tìm cách giáo dục thế hệ trẻ theo lối sống lành mạnh và nhân văn hơn”, bà Cao Quỳnh Loan, nhà thiết kế thời trang thừa nhận.

Tôi cho rằng sẽ vẫn có một bộ phận những người mẫu tiếp tục bị cám dỗ hay tự nguyện sa ngã vào con đường này bởi những thói quen hưởng thụ, tiêu tiền không tiếc tay của họ. Tuy nhiên, không phải người mẫu nào cũng dễ dàng bán mình, vì điều này còn tùy thuộc vào trình độ nhận thức và nền tảng giáo dục của mỗi người. Điều đáng nói, chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều cuộc thi người mẫu, hoa khôi  ở các cấp độ như hiện nay. Các cấp quản lý cần có những cuộc thi sắc đẹp tiêu biểu, chọn lọc, khắt khe hơn nữa. Chính sự dễ dãi trong khâu tổ chức các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu nên thời gian qua có nhiều cô người mẫu nhăm nhăm đi thi và cố gắng đoạt giải chỉ để có cơ hội bán mình với giá cao hơn. 

PGS.TS Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam)

Bội thực vì tin người mẫu bán dâm

PGS.TS Trịnh Hoà Bình

Sau những cái lắc đầu ngao ngán về một bộ phận  showbiz  mất nhân cách thì dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có công bằng khi cùng tham gia một quan hệ mà chỉ có người bán bị lên án còn kẻ mua lại không được nhắc đến. Trong khi “cung” là những cô người mẫu, diễn viên bị phán xét và đứng trước tương lai mờ mịt thì “cầu” lại chỉ được gói gọn trong hai từ “đại gia”. Thử hỏi ai dám bỏ ra số tiền 1.000 đến 2.500 USD, thậm chí là nhiều hơn thế để mua những món hàng  giá cao này. Câu trả lời là không nhiều. Có thể thấy, việc một số diễn viên, hoa hậu sa ngã, hư hỏng có sự tiếp tay của không ít đại gia lắm tiền nhiều của. Họ đã biến những cô người mẫu chân dài thành những món hàng sống để thỏa mãn thú chơi ngông của mình.

“Một khi hành tung của các đại gia vẫn được giấu kín, thì chắc chắn họ vẫn thường xuyên làm cái việc “mua bán” mà bấy lâu nay họ vẫn làm. Khi những chân dài này bị bắt, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền để “mua” người đẹp khác...”, luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết. Điều đáng nói là sau khi vụ việc được phát hiện, các trang báo mạng đã cho đăng tải những hình ảnh, thông tin về những cô người mẫu, diễn viên với tần suất chóng mặt. Những thông tin về họ được khai thác một cách chi tiết tới mức người xem cảm thấy bội thực. Xét về góc độ đạo đức xã hội cũng như pháp luật đó là tội lỗi không thể biện minh và mọi hành vi vi phạm pháp luật của họ sẽ bị pháp luật điều chỉnh. Nhưng đây không phải là sự việc sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của họ. Họ vẫn phải tiếp tục sống để sửa sai, để hoàn lương và làm lại cuộc đời. 

Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, “giả sử tôi có con gái là một trong số những người mẫu bán dâm tôi sẽ rất đau khổ và xấu hổ. Khi đã được xã hội trao danh hiệu là hoa khôi, hoa hậu, người mẫu,... đáng lẽ họ phải sống và làm việc làm sao cho xứng đáng với danh xưng đó. Nhưng đáng buồn là không ít người đã làm ngược lại, họ đã mượn danh nghệ sĩ để bán dâm và bôi nhọ những người làm nghề chân chính. Không lý do gì có thể biện minh cho hành động của họ. Tuy nhiên, việc một số trang báo mạng cho đăng tải quá nhiều hình ảnh của những người mẫu này, thậm chí phê phán quá đà, đưa thông tin một chiều về cuộc sống của họ nhằm thu hút độc giả là rất phản cảm và thiếu nhân văn. Nếu họ có lỗi lầm nhưng biết đứng dậy và để đưa họ ra khỏi những lỗi lầm đó, xã hội nên có cái nhìn cảm thông và khoan dung hơn...”.

Sắc đẹp giống như con dao hai lưỡi đối với những người đang nắm giữ nó. Vẫn biết ánh hào quang của sự nổi tiếng, danh vọng luôn có một sức hấp dẫn đến ma mị. Nhưng có lẽ những cô gái ôm mộng trở thành người của công chúng cũng nên biết thay đổi mình đúng lúc, đừng để những cám dỗ và ham muốn vật chất tầm thường đánh mất giá trị của bản thân.