Một tác phẩm, 2 đơn vị nhận “độc quyền”

ANTĐ - Hai bản dịch của một cuốn sách nước ngoài cùng được cấp phép xuất bản, cùng “ra lò”, bên nào cũng nhận mình có “bản quyền tiếng Việt” và đổ lỗi cho bên kia xâm phạm khiến người đọc không biết đường nào mà lần. Trong lúc đôi bên còn tranh cãi “nảy lửa” thì đơn vị cấp phép xuất bản lại dửng dưng.

2 cuốn “Hủ nữ Gaga” đang đôi co về “bản quyền tiếng Việt”


Sự đụng độ hiếm gặp

Thị trường sách những ngày vừa qua được phen “nóng” lên bởi có tới 2 bản dịch tiếng Việt tác phẩm văn học Trung Quốc “Hủ nữ Gaga” cùng ấn hành, vấn đề ở chỗ bên nào cũng khăng khăng nhận bản quyền tiếng Việt thuộc về mình, thậm chí còn yêu cầu phía bên kia phải ngừng việc phát hành sách trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Công ty sách Đinh Tỵ thì đơn vị này đã mua bản quyền tiếng Việt cuốn sách trên từ một công ty phát hành ở Trung Quốc được chính tác giả ủy quyền. Bản thảo cuốn sách này đã được NXB Văn học cấp phép, tuy nhiên chưa kịp phát hành thì bất ngờ bị đơn vị khác “nẫng” tay trên. Và “thủ phạm” “nẫng” tay trên được nhắc đến ở đây là bản dịch cuốn “Hủ nữ Gaga” của công ty XYZ do NXB Hồng Đức cấp phép lưu hành trên thị trường từ ngày 3-2 vừa qua. Lo “trâu chậm uống nước đục”, phía Đinh Tỵ đã vội vàng phát hành sách sớm hơn dự kiến để kịp “chạy đua” đến với người đọc, đồng thời tuyên bố sẽ làm cho ra nhẽ.

Trong khi đó, đại diện công ty XYZ cũng lên tiếng khẳng định đơn vị này đã mua độc quyền xuất bản và kinh doanh bản dịch tiếng Việt cuốn sách trên của một công ty phát hành khác ở Trung Quốc cũng do tác giả ủy nhiệm và có đầy đủ cơ sở pháp lý cần thiết, thậm chí còn mua từ thời gian trước khi Đinh Tỵ mua gần 1 năm. Thế nên XYZ có quyền kiện đơn vị nào nói rằng cuốn “Hủ nữ Gaga” mà mình phát hành là sách lậu, sách vi phạm bản quyền. Có điều khi nhận định về chuyện “đụng hàng” hy hữu này thì cả hai bên đều cho rằng “đối thủ” của mình rất có thể chỉ là “nạn nhân” và đổ lỗi cho…đối tác nước ngoài. Theo đó có thể do một số công ty hoạt động trong lĩnh vực văn học ở Trung Quốc làm việc chưa chuyên nghiệp, việc thực hiện bản quyền chưa chặt chẽ, trong khi bản thân các công ty sách ở Việt Nam lại rất khó để biết họ có cùng lúc bán bản quyền cho nhiều nơi hay không và liệu tác giả ấy có cùng lúc ủy quyền cho nhiều đơn vị phát hành tác phẩm của mình hay không.


Cấp cứ cấp, kiện cứ kiện!

Đúng là việc cùng một cuốn sách dịch mà có tới nhiều NXB khác nhau cùng phát hành là chuyện thường ngày đối với thị trường văn học Việt. Có điều nói như lời đại diện công ty sách Đinh Tỵ thì hiếm có trường hợp nào như cuốn “Hủ nữ Gaga” lần này. Bản thân đơn vị này cũng từng vấp phải không ít lần bị “nẫng” tay trên như thế, nhưng thường thì đó là những cuốn sách được phát hành mà không mua bản quyền, không được sự ủy quyền của tác giả và bên phát hành sau khi nhận sai thì gấp rút bán xong rồi…thôi. Vì thế nên dù bị thiệt hại và không được bồi thường, nhưng phía Đinh Tỵ cũng không đôi co hay nghĩ đến chuyện kiện tụng. Còn lần này “gay” hơn bởi cả hai bên đều có bản quyền, đều được giấy phép xuất bản của Cục Xuất bản. Cả Đinh Tỵ lẫn XYZ đều cho biết họ ngạc nhiên về sự trùng hợp này bởi thường thì kế hoạch phát sách được công ty sách đăng ký lên NXB, sau đó tất cả các NXB đều phải báo cáo lên đầu mối chung là Cục Xuất bản để chờ duyệt. Vậy nên các NXB có thể không biết về việc sách của mình đăng ký xuất bản bị trùng nhưng cơ quan duyệt cuối cùng là Cục Xuất Bản thì sao lại không nắm được.

Liên hệ với Cục Xuất bản, bà Phan Thị Tuyết Nga - Trưởng phòng quản lý Xuất bản cho biết, do có quá nhiều đầu sách nên tạm thời bà…chưa nhớ ra tác phẩm nào có tên là “Hủ nữ Gaga” và sẽ cho kiểm chứng thông tin này. Đại diện Cục Xuất bản cũng khẳng định “không quan tâm đến việc bản quyền”, rằng Cục Xuất bản chỉ có trách nhiệm cấp phép xuất bản cho các tác phẩm đủ điều kiện về mặt nội dung và có tính pháp lý, đồng thời có quyền cấp phép cho nhiều NXB cùng in ấn và xuất bản 1 tác phẩm (?!) và nếu xảy ra tranh chấp kiện tụng gì về mặt bản quyền thì…mời lên Cục bản quyền về tác giả Văn học nghệ thuật. Mà nói như lời lý giải của đại diện Cục Xuất bản thì xem ra việc các đơn vị phát hành sách cố công mua bản quyền một tác phẩm nào đó rồi tranh nhau “độc quyền”, xem ra cũng là thừa. Bởi lẽ Cục Xuất bản có thể cấp cho đơn vị của họ, nhưng cũng có thể cấp cho đơn vị khác, mà đâu cần quan tâm đến vấn đề bản quyền hay quyền tác giả.