Một nhà bán cho 2 người, công chứng viên có đồng lõa hay không?

ANTĐ - “Quá trình làm việc tôi đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường và chút kinh nghiệm công tác, chúng tôi không thể đảm bảo chắc chắn phân biệt thật giả được mọi loại giấy tờ. Với trình độ làm giả siêu việt như hiện nay, chỉ ba đơn vị, cá nhân có thể xác định chắc chắn giấy tờ thật hay giả là cơ quan giám định, cơ quan ban hành văn bản và chính người làm giả mà thôi”

Nội dung vụ án

Ngôi nhà nói trên ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.7, Q.3, TP.HCM) do ông Phạm Văn Cần đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà (sổ hồng) đã được ông bán cho bà L.T.Đ.T. với giá ghi trên hợp đồng là 4,5 tỉ đồng, được chứng thực tại văn phòng công chứng Hội Nhập (Q.4, TP.HCM) ngày 16-8-2010. Sau đó, cũng chính ông Cần lại một lần nữa bán căn nhà này cho ông S với giá 2 tỉ đồng ngày 4-1-2012, được chứng thực tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM). Dù căn nhà ở Q.3, ông S ở Q.11, nhưng ông Cần đề nghị chọn công chứng tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM) vì ông Cần có quen với công chứng viên làm việc ở đây, sẽ có thể làm thủ tục nhanh chóng.

Ông Cần là người trực tiếp liên hệ với công chứng viên và chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan, sau đó hẹn ngày giờ để ông S tới ký hợp đồng. Ông S giao đủ 2 tỉ đồng và nhận bản gốc sổ hồng của căn nhà ngay tại văn phòng công chứng. Khi tới nộp thuế trước bạ tại Chi cục Thuế Q.3 để sang tên tài sản, ông S mới biết ông Cần đã bán nhà trên cho bà T.. Liên hệ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.3, ông S ngã ngửa khi được thông báo bản chính sổ hồng ông đang giữ là giả.

Công chứng viên Trần Trọng Thư - người chứng thực bản hợp đồng mua bán giữa ông Phạm Văn Cần và ông S dựa trên bộ giấy tờ giả  - cho rằng: “Quá trình làm việc tôi đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường và chút kinh nghiệm công tác, chúng tôi không thể đảm bảo chắc chắn phân biệt thật giả được mọi loại giấy tờ. Với trình độ làm giả siêu việt như hiện nay, chỉ ba đơn vị, cá nhân có thể xác định chắc chắn giấy tờ thật hay giả là cơ quan giám định, cơ quan ban hành văn bản và chính người làm giả mà thôi”.

Vấn đề là công chứng viên có phải chịu trách nhiệm gì trong vụ lừa đảo này?

Ý kiến bạn đọc 

Đây là một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong những năm thị trường bất động sản nóng lên, giá tăng từng ngày, các vụ lừa đảo kiểu này trở nên phổ biến. Trong vụ việc này, ông Phạm Văn Cần đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS. Là người đã từng đi mua nhà, tôi nhận thấy vai trò của công chứng viên rất quan trọng. Theo Bộ luật Dân sự, hiệu lực của một hợp đồng mua bán bất động sản có hiệu lực ngay sau khi được công chứng, vì vậy ngay sau khi được công chứng, người mua đã phải trả tiền mua nhà. Điều 6 Luật Công chứng quy định: Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Chính vì vậy vai trò của công chứng viên rất lớn. Có một câu hỏi: Nếu ngay công chứng viên cũng không phân biệt được đâu là giấy tờ thật, đâu là giấy tờ giả, thì người mua làm sao biết được? Chúng tôi tin cậy vào phòng công chứng mà công chứng viên lại trả lời như vậy thì công chứng viên cũng chỉ giống người làm chứng ngoài xã hội, không giúp gì cho phía người mua, trong khi chúng tôi phải trả tiền công chứng rất nhiều. Không thể có chuyện công chứng viên không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội)

Có dấu hiệu công chứng viên đồng lõa với kẻ lừa đảo
Tại sao ngôi nhà được mua bán ở quận 3 mà chủ nhà lại đòi ra tận huyện ngoại thành Hóc Môn để công chứng? Có hai khả năng, một là công chứng viên là người thân của chủ nhà, biết rõ là nhà đã bán, nhưng đồng lõa với chủ nhà để lừa đảo người mua nhà. Hai là công chứng viên kém về nghiệp vụ, không phát hiện được giấy tờ giả cũng như hành vi lừa đảo. Trong vụ việc này, ông Cần là người trực tiếp liên hệ với công chứng viên và chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan, sau đó hẹn ngày giờ để ông S tới ký hợp đồng. Ông S giao đủ 2 tỉ đồng và nhận bản gốc sổ hồng của căn nhà ngay tại văn phòng công chứng. Rõ ràng, nhà ở quận 3 mà ra tân ngoại thành để công chứng, trong khi ở quận 3 có rất nhiều phòng công chứng, người yêu cầu công chứng đã có làm việc riêng và chuẩn bị trước với công chứng viên rồi mới mời người mua nhà đến ký hợp đồng mua bán tại phòng công chứng. Lẽ ra với những hành vi đáng ngờ của ông Cần, công chứng viên phải xác minh đầy đủ về tính hợp pháp của giao dịch rồi mới công chứng. Nhưng công chứng viên lại công chứng luôn mà không xác minh tại các cơ quan chức năng. Rõ ràng là có vấn đề. Đề nghị cơ quan điều tra xác minh trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp này.
Bà Vương Thu Hà (Đại Từ, Thái Nguyên)

Bình luận của luật sư
Theo điều 6 Luật Công chứng 2006 có hiệu lực từ 1-7-2007, quy định Giá trị pháp lý của văn bản công chứng: Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu. Như vậy là hợp đồng kinh tế đã được công chứng là văn bản có giá trị pháp luật.  Cũng theo Luật Công chứng, tại Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm : Nghiêm cấm công chứng viên thực hiện các hành vi sau đây: d) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Điều 3 Luật Công chứng quy định công chứng viên phải: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng.  Trong vụ việc này, dù với bất kỳ lý do nào, công chứng viên đã công chứng một bản hợp đồng giao dịch tài sản vi phạm pháp luật vì vậy, không thể nói công chứng viên không có lỗi, không chịu trách nhiệm được. Thêm nữa, theo Điều 16, Nghị định 04/2013/NĐ-CP ngày 7-1-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã quy định: 1. Các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng phải được xây dựng thành cơ sở dữ liệu tin học hóa tập trung thống nhất tại Sở Tư pháp để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trong hoạt động công chứng.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin, dữ liệu này giữa các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi địa phương mình và cung cấp thông tin trong trường hợp có yêu cầu của tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.   2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm cung cấp thông tin về đất đai theo yêu cầu của công chứng viên. Các văn bản này đều nhấn mạnh đến trách nhiệm thẩm tra tính hợp pháp của các hợp đồng, giao kết của công chứng viên trước khi công chứng. Dĩ nhiên, ông Cần cũng phải chịu trách nhiệm, vì theo Điều 8, Luật Công chứng: Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó. Ông Cần trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để công chứng là hành vi vi phạm pháp luật theo điều 139 BLHS quy định tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  Đó là chưa nói tới một trường hợp khác là nếu cơ quan điều tra xác định được công chứng viên có biết trước về việc ông Cần đã bán nhà rồi, hoặc biết là giấy tờ giả mà vẫn công chứng thì công tố viên sẽ bị truy cứu hình sự với vai trò đồng phạm trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.Luật sư  Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)