"Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt"

ANTĐ - Nelson Mandela là một trong những nguyên thủ được kính trọng nhất thế giới vừa qua đời vào lúc 20h50’ ngày 5-12-2013. Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma xúc động thông báo tin này trên truyền hình quốc gia: “Đất nước ta đã mất đi một người con vĩ đại. Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, chẳng điều gì có thể làm thuyên giảm nỗi mất mát sâu sắc và dai dẳng của chúng ta. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì tự do đã khiến ông được thế giới kính trọng. Sự khiêm tốn, đam mê và nhân đạo của ông khiến ông được thế giới yêu mến”, Tổng thống Zuma nói. 
"Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt" ảnh 1

"Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt" ảnh 2
Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đã nhiều lần phối hợp với Báo ANTĐ
tổ chức các hoạt động tình nghĩa nhân ngày quốc tế Nelson Mandela


Ông Mandela ra đi là một mất mát lớn không những cho nhân dân Nam Phi, mà là một mất mát lớn cho cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo xuất chúng của Nam Phi được coi là chiến sỹ kiên cường chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, là biểu tượng cho cuộc đấu tranh không mệt mỏi đòi tự do và công lý. Ngay sau khi nhận được tin về  sự ra đi của Nelson Mandela, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc, rất nhiều người nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ ông. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi cựu Tổng thống Nam Phi là người đã “hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác” - “Hôm nay ông ấy đã đi xa và chúng ta mất đi một trong những người có ảnh hưởng nhất, can đảm và tốt đẹp nhất. Ông không còn ở bên chúng ta nữa mà đã trở thành người thiên cổ”. Còn ông Goodluck Jonathan, Tổng thống Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, gọi ông Mandela là “biểu tượng của nền dân chủ thật sự..., là nguồn cảm hứng cho nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới”.  “Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt... Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cở rủ tại số 10 (phố Downing - Dinh Thủ tướng Anh)”, Thủ tướng Anh David Cameron viết trên trang Twitter cá nhân sau thông tin cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời.

Nelson Mandela tới Johannesburg, nơi ông trở thành luật sư và tham gia hoạt động chống chủ nghĩa Apartheid. Ông gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943, đầu tiên với tư cách một nhà hoạt động, sau trở thành sáng lập viên và Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên ANC. Năm 1962 ông bị bắt, và bị kết án chung thân. Tự bào chữa trước phiên tòa tại Rivonia, ông Mandela dùng vành móng ngựa làm nơi chuyển tải niềm tin của mình về dân chủ, tự do và bình đẳng. “Tôi ca tụng lý tưởng dân chủ và xã hội tự do, nơi mọi người chung sống hòa hợp và có các cơ hội như nhau. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng được sống vì nó, sống để tạo dựng nó. Nhưng nếu cần, thì tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó” - ông nói. 

Trong suốt thời kỳ Mandela bị giam giữ (ông đã trải qua 27 năm trong tù, trong đó 18 năm ở đảo Robben), đã có nhiều áp lực ở trong cũng như ngoài nước đòi chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho ông, với khẩu hiệu nổi tiếng Free Nelson Mandela! (Nelson Mandela tự do). Áp lực mạnh mẽ đã đem lại kết quả, vào năm 1990, Tổng thống FW de Klerk bỏ lệnh cấm đối với ANC. Ông Mandela được trả tự do và đã dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu. Ông là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu năm 1994 và cũng là Tổng thống da màu đầu tiên của quốc gia này.  

Ông Mandela là một người có một tấm lòng khoan dung lớn và một cái nhìn rộng. Khi cầm quyền ông không biến 27 năm tù đày thành thù hận mà biến nó thành một tinh thần hòa giải, giúp mang lại sự ổn định quốc gia tránh một cuộc nội chiến chủng tộc và đóng góp không ít cho nền hòa bình thế giới. Sau khi về hưu, ông đã đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội và vì quyền con người. Các lần xuất hiện trước công chúng của ông chủ yếu liên quan tới hoạt động của Quỹ Mandela, một quỹ thiện nguyện do ông thành lập. 

Ông Mandela được trao hơn 250 giải thưởng quốc tế cho các nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi trong đó có Huy chương Tự do của Tổng Thống Mỹ, Huy chương Lênin của Liên bang Xô Viết. Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng Frederik Willem de Klerk, lãnh đạo Nam Phi da trắng từng ra lệnh thả ông. “Đến nay, ông là nguyên thủ quốc gia đáng ngưỡng mộ và tôn kính nhất trên thế giới, và là một trong những con người vĩ đại nhất trên trái đất này”, Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, người giành giải Nobel Hòa bình năm 1984 nói.

Mandela đã được điều trị bệnh phổi tại nhà từ tháng 9 đến nay, và trước đó ông có 3 tháng nằm viện khi bệnh trở nặng. Cựu Tổng thống Nam Phi từng bày tỏ ước nguyện được chôn trên một ngọn đồi hẻo lánh trong ngôi mộ có bia đơn giản và người Anh hùng chống nạn phân biệt chủng tộc của Nam Phi đã từ chối đề nghị được yên nghỉ vĩnh viễn ở trung tâm Thủ đô hành chính Pretoria.