Một câu hỏi “treo”

ANTĐ - Phát biểu tại Hội nghị ngành Kế hoạch - đầu tư vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cố gắng điều hành để lạm phát năm 2012 ở mức 6-7%. Ông nhận định tăng trưởng năm nay khó đạt mức 6-6,5%. Sau khi rà soát 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ có khả năng đạt 14 chỉ tiêu. Chỉ duy nhất không đạt là chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Thủ tướng nhấn mạnh, phương hướng tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải thoái vốn ở lĩnh vực không liên quan đến ngành chính. Đặc biệt, từ nay dự án chưa có vốn rõ ràng thì không được khởi công. Không thể ghi tên dự án rồi doanh nghiệp mới chạy vốn.

Có một câu hỏi “treo” về quản lý tài sản công và vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khi chính “xương sống” của nền kinh tế đã bộc lộ những đốt sống quá yếu, quá rệu rã. Khi đặt bút soạn thảo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tỏ ra nghi ngờ trước những báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đều hoạt động “tốt” không cần phải “tái cơ cấu”.

Thế nhưng trước đó, chính những tập đoàn doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh “tốt”, tài chính “ổn thỏa”, lại gây ra những đổ vỡ bất ngờ. Ông Viện trưởng đặt câu hỏi: Phải chăng đó chỉ là những báo cáo “đẹp” nặng về hình thức? Vai trò giám sát hoạt động, quản lý tài sản công và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn của các cơ quan chức năng như thế nào? Bản thân Bộ Kế hoạch - Đầu tư, với chức năng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn và dài hạn cũng thừa nhận rằng, khi các cơ quan của Bộ này làm việc với các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước thường không mấy “mặn mà”.

Một số chuyên gia nhận xét, tình trạng này xuất phát từ “lỗi hệ thống” trong quản lý khu vực doanh nghiệp nhà nước. Điều này không chỉ bắt nguồn từ những yếu kém nội tại trong quản trị doanh nghiệp từ trình độ, đạo đức của người được giao “tay hòm chìa khóa” nắm vốn nhà nước, điều hành doanh nghiệp mà còn xuất phát từ tư duy, cách nhìn chưa nhất quán về vị trí, vai trò khu vực doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Hàng loạt những “bài học” đau xót Vinashin, Vinalines, EVN, Dầu khí, Sông Đà… không chỉ quy ra hàng trăm nghìn tỷ đồng, mà theo một chuyên gia kinh tế độc lập, việc đề ra thể chế giám sát hoạt động, quản lý tài sản công và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ rất khó khăn vì quá rộng và quá lớn với nhiều “khoảng mờ” và “vùng cấm”. Hơn thế các quy định về chế độ sở hữu trải rộng trong nhiều luật, các văn bản pháp quy, hình thành qua nhiều thời kỳ, sửa đổi nhiều nhưng không đồng bộ, nhất quán.

Một câu hỏi “treo” lớn cũng là một thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để chuyển đổi từ hệ thống quản lý dựa trên cơ chế xin - cho, sang hệ thống quản lý dựa trên luật pháp, khi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước lại đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế.