Một bản sắc Việt

ANTD.VN - Sự tồn tại hào hùng và quật cường của bất cứ một dân tộc nào, trong bất cứ một hoàn cảnh địa lý nào, bao giờ cũng đặt ra những câu hỏi lớn. Bởi lịch sử của nhân loại đã có tiền lệ, không ít những quốc gia thịnh trị, sau một thời gian dài rực rỡ đã dần dần tàn lụi, thậm chí vĩnh viễn biến mất. 

Một bản sắc Việt ảnh 1Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: ĐOÀN KỲ THANH

Đã có rất nhiều những đại thuyết sâu sắc bàn về sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc từ góc nhìn văn hóa. Ngoài vô số những nguyên nhân hữu lý khác nhau, thì tựu trung đều cho rằng, sự tồn vong của một đất nước luôn phụ thuộc vào hai yếu tố lớn.

Đầu tiên phải thâm hậu mang một nội lực tinh hoa văn hóa của riêng mình, và tinh hoa (elite) đó được đặc biệt thể hiện ở con người. Hai là luôn bền vững bảo đảm một nền văn minh đích thực, ngang bằng cao không kém những nền văn minh xung quanh đang lăm le xâm nội. Hạnh phúc thay cho nước Việt, hơn ngàn năm nay chúng ta luôn sở hữu cả hai điều đó.

Vấn đề con người tinh hoa thì quá dễ thấy, bởi như “Đại cáo bình Ngô” tự tin từng viết: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Còn về sự cao cả của văn hóa văn minh, chỉ cần cảm nhận qua những hình thức tín ngưỡng tôn giáo mang đậm đà bản sắc Việt là thấy rõ.

Những hình thức tín ngưỡng sinh hoạt tâm linh mang màu sắc bản địa, luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đại bộ phận cư dân Việt. Với tuyệt đối người Việt, gia đình dòng họ là nhất, nên tín ngưỡng thờ kính tổ tiên có thể coi gần như là “quốc đạo”. Nói chung những thao tác cầu cúng, với các nghi thức trang trọng, phong phú đa dạng luôn hiện diện thường xuyên ở mọi thành phần dân tộc khác nhau trên đất nước. Tục thờ thần, thờ thánh thể hiện tính chất tín ngưỡng đa thần đã có từ xa xưa.

Loại đi vài điều không hay, tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt luôn là những viên ngọc quý, nó tạo một sinh lực dồi dào cho sức sống của dân tộc. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: “Trong lịch sử, ông cha ta đã bảo lưu rất nhiều hình thái tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Sẽ thấy sự hiện diện của những hình thái sơ khai nguyên thủy như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các tín ngưỡng thờ sinh thực khí, các tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên như Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp), tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ động vật, thờ nhân thần… Với hệ thống nhân thần thì các nhân vật được thờ phụng thường là các anh hùng có công với nước, giúp dân khai hoang lập ấp hay dựng nghề khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các thần nhiều khi cũng là những nhân vật hết sức bình thường, thậm chí tầm thường nhưng giống nhau ở chỗ đều chết vào giờ “thiêng” nên linh ứng với cộng đồng”.

Cùng với nghi thức cúng lễ bản địa, cũng có rất nhiều nghi lễ tôn giáo ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là từ nền văn minh sông Hằng, sông Dương Tử và vài thế kỷ gần đây có thêm Thiên Chúa giáo tới từ Tây phương, bởi bản chất của người Việt vốn khoan hòa cởi mở. Có điều, hầu hết những nghi lễ này đã được tinh tế sâu sắc Việt hóa. 

Mươi năm gần đây, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước, thì “đạo thờ thánh Mẫu” hay còn gọi tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ đã được phục hồi và nhắc tới nhiều. Đây là một tín ngưỡng thuần Việt vô cùng đặc sắc, mang một tín lý tinh tế giản dị, sâu sắc dung hòa Phật giáo Ấn Độ, Đạo giáo Trung Hoa vào tục thờ thần thánh đậm đà bản địa.

“Tháng tám giỗ cha (hình ảnh thiêng hóa từ vị Anh hùng lỗi lạc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn), tháng ba giỗ mẹ (bà Chúa Liễu Hạnh, thánh mẫu của người Việt). Những nghi thức hầu đồng ở tín ngưỡng này, là sự kết hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và vũ đạo. Tất nhiên, ở hoàn cảnh ồn tạp từ các ứng xử văn hóa bây giờ, nó rất khó tránh khỏi những biến tướng không lành mạnh. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cảm thán: “Ngày nay, nhiều ban cung văn không giữ được chất giọng hát văn chầu như xưa, mà nhiều nơi hát văn pha chèo pha cải lương, thậm chí cả Opera nữa” (Đạo Mẫu tam phủ tứ phủ-NXB Dân Trí, trang 213).

Loại đi vài điều không hay, tín ngưỡng mang bản sắc thuần Việt luôn là những viên ngọc quý, nó tạo một sinh lực dồi dào cho sức sống của dân tộc. Trong bối cảnh quốc tế đương đại, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên ngôi ở vô số các quốc gia lớn nhỏ, thì một chủ nghĩa dân tộc chân chính luôn đem đến những bài học quý giá.

Có thể minh bạch thấy điều này qua sự nghiệp vĩ đại của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Người đã đi từ lòng yêu nước thiết tha trong sáng rồi hòa nhập tiến tới những giá trị tinh hoa phổ quát. Ở sâu xa trong tư tưởng của Người, sức mạnh dân tộc luôn có một vị trí hàng đầu. Các tín ngưỡng tôn giáo thuần chất bản địa cũng vậy thôi. Nó là kết tinh đặc sắc của tâm thế Việt. Để giản dị từ đó, nó tự tin hiện diện trong tiến trình văn minh thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 1-12-2016, UNESCO đã tự hào chính thức công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.