Tại ĐH Sài Gòn là 85,8% dưới 5. ĐH Phú Yên 99,4% thí sinh thi môn Lịch sử đạt trung bình, trong đó 55,5% đạt điểm từ 0-1. ĐH Tây Nguyên 95,3% bài thi Sử dưới 5… ĐH Văn hóa Hà Nội có tất cả 220 điểm 0, trong số 4.474 bài thi ở các khối C, D1, N1-4, R1, thì môn Lịch sử chiếm 208 bài. Trong nhiều bài thi, giáo viên đã phải dở khóc dở cười với những câu trả lời ngô nghê, sai toét, đại loại như “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Năm 1945, chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Nhật Bản có bom nguyên tử để dọa Liên Xô”, “Nhật Bản là thành viên sáng lập ASEAN”…
Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra mà đã tồn tại nhiều năm qua. Có những nguyên nhân “xưa như trái đất” - “khổ lắm biết rồi nói mãi”, như SGK viết dài dòng, nặng về sự kiện, lý luận. Giáo viên coi SGK là “kiến thức cơ bản” nên “bám” vào sách để soạn giáo án, dạy học trò theo đúng đề mục SGK. Không ít thầy cô giáo vô trách nhiệm, lười nhác tới mức lên lớp đọc SGK cho học sinh… chép bài. Hà Nội có đủ các loại bảo tàng lịch sử, cách mạng, quân đội, bảo tàng dân tộc, không quân, pháo binh, tăng thiết giáp… tuy nhiên không mấy khi thầy cô giáo đưa học trò đến “thực địa” sống động đó, tái hiện lại bối cảnh lịch sử, để học trò được học bằng trực quan sinh động. Bộ môn Lịch sử luôn bị xếp là “môn phụ” chưa được đặt đúng chỗ nên nhiều học sinh sợ học môn Lịch sử. Nhiều trò quan niệm coi đây là môn học thuộc lòng, trong khi thực tế muốn nhớ lâu phải đi sâu vào bản chất vấn đề. Do vậy lúc làm bài gặp phải đề “lệch tủ”, họ sẵn sàng “viết lại” lịch sử. Hệ quả của việc “sáng tạo” lịch sử là những câu trả lời ngớ ngẩn, gây “sốc” mà ta đã biết.
Để có một bài lịch sử hay, cách học phải biết lồng ghép những câu chuyện lịch sử và biến thành cái hồn ở trong đó. Mỗi học trò có cách học khác nhau, nhưng mẫu sỗ chung là học để hiểu chứ không phải học đối phó để đi thi. Học Lịch sử không phải học sự kiện mà phải học qua tư liệu cuộc sống.
GS-TS. Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhìn thẳng, nói thật và làm thật, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, từng bước thay đổi thực tế này”. Đó là “căn bệnh thành tích” trầm kha trong ngành giáo dục đã ăn sâu vào tiềm thức và hành động trong thi cử, khiến người ta không dám đối mặt, né tránh. Đó là lý do mùa thi năm 2011 cả nghìn thí sinh thi Sử đạt điểm 0, mà năm học này điểm thi môn Lịch sử vẫn đi vào “vết xe đổ”!