Miệng lưỡi thế gian

ANTD.VN - Một nhóm bạn rủ nhau đi săn trong rừng sâu. Đang đi, bất ngờ một người trong số họ không may trượt chân rơi xuống một khe nứt sâu. 

Hai chân của anh ta và cánh tay trái bị va đập mạnh nên bị gãy xương chỉ còn có tay phải là nguyên vẹn và anh ta dùng nó để bám vào vách đá leo lên. 

Khe nứt hẹp và sâu lại không có dụng cụ cứu hộ nên những người bạn khác không thể làm gì để cứu anh ta lên, họ chỉ biết đứng trên đó la hét để mong anh cố gắng tự leo lên. Vách đá có rất nhiều bụi cây nhô ra vì thế người bị ngã đã nghĩ ra một cách, anh dùng miệng cắn vào các bụi cây và dùng cánh tay còn lại bám lấy các bụi cây tiếp theo để leo dần lên.

Thấy cảnh đó, những người bạn bắt đầu bàn tán xôn xao: “Ôi, các bụi cây kia làm sao chịu nổi sức nặng của cậu ta chứ, cậu ta nên bám vào các vách đá sẽ an toàn hơn”, “Xem ra cậu ta nguy kịch lắm, tay và chân đều gãy hết thế kia, liệu leo lên được rồi thì có chịu nổi tới khi về đến nhà không?”, “Thật đáng thương, anh ta mà chẳng may không qua khỏi thì mẹ với vợ anh ta biết làm thế nào nhỉ?”, “Còn tài sản nữa, giải quyết thế nào đây?….

Những lời bàn tán càng lúc càng khó nghe, tới mức người bị ngã không thể nào chịu đựng được thêm nữa, anh ta vung cái tay lành còn lại và hét lên: “Các người im miệng đi cho tôi nhờ, tôi chưa chết đâu”.

Và thế là cả cơ thể không còn cái gì giữ lại nữa đã rơi thẳng xuống đáy khe nứt một lần nữa. Trước lúc chết, anh ta vẫn còn nghe thấy những tiếng kêu thương tiếc trên mặt đất: “Tôi đã nói rồi mà, làm sao có thể dùng miệng mà leo lên được !”.

Bi kịch của người bị ngã xuống khe sâu vốn không thể trách ai ngoài chính bản thân anh ta, bởi trong lúc nguy kịch, việc quan trọng nhất là mạng sống của mình thì anh ta không tập trung lại lo đi để ý những việc không đáng xung quanh.

Trong cuộc sống cũng vậy, nói thế nào là quyền của thế gian, còn việc có để bị nó tác động tới bản thân mình hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính bạn.