Lương tăng, giá khó tăng

ANTĐ - Đợt điều chỉnh lương từ 1-10 tới của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tạo ra những lo ngại về việc giá cả tiếp tục tăng.

Xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng khiến giá khó tăng mạnh


Giá khó tăng mạnh

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, từ 1-10 các doanh nghiệp trong cả nước thực hiện tăng lương tối thiểu trước thời hạn. Lương tối thiểu cho các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo 4 vùng. Mức cụ thể: Vùng 1 tăng lên 1,9 triệu đồng/tháng; vùng 2 tăng lên 1,73 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng lên 1,55 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng lên 1,4 triệu đồng/tháng. Theo Đề án tăng lương đây là lần đầu tiên, mức lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thống nhất.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 1986, xu hướng “hễ cứ tăng lương là tăng giá” đã đeo bám người dân. Trên thực tế, mỗi đợt tăng lương đã tác động đến giá cả khá nhiều, làm tăng giá hầu hết các mặt hàng. Thậm chí, tăng giá còn diễn ra trước khi tăng lương, khi mới có thông tin lương tăng. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho biết: “Giá cả nhiều mặt hàng hiện nay đã theo thị trường nhưng lương của người lao động chưa theo kịp được thị trường. Riêng năm nay, tăng giá do tăng lương khó xảy ra” - ông Phong nhận định. Nguyên nhân là do người dân vẫn tiếp tục xu hướng tiết kiệm trong tiêu dùng nên dù có được tăng lương nhưng sức mua của người dân không tăng đột biến dẫn đến giá tăng. Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng mạnh nên nếu lương tăng thêm hơn 10% cũng khó tác động lớn đến các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, tác động vẫn xảy ở một số lĩnh vực nhất định.

Nhiều yếu tố ghìm giá

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2011, tăng 0,82% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 13 tháng trở lại đây, chủ yếu nhờ vào việc giá thực phẩm giảm 0,28% sau nhiều tháng tăng liên tục. Đây là con số khá khả quan trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang đối mặt với nhiều khó khăn. So với tháng 12-2010, CPI đã tăng 16,63% và tăng 22,42% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mục tiêu kiềm chế đã được “nới” 8% của cả năm nay, 3 tháng còn lại của năm, CPI chỉ còn được tăng thêm 1,37%. Các chuyên gia kinh tế dự báo, mặc dù theo chu kỳ, các tháng cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng lên do nhu cầu tiêu dùng tăng, nhưng trong ngắn hạn, xu hướng giảm và giữ ổn định giá vẫn là chủ đạo.

Bên cạnh đó, một số yếu tố đang được kỳ vọng sẽ ghìm giá cả nói chung là việc giữ ổn định giá điện, than và xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ cho biết, chắc chắn rằng giá điện, xăng dầu, than sẽ dần dần điều chỉnh theo cơ chế thị trường và Nhà nước sẽ can thiệp trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tuy nhiên việc điều chỉnh phải dựa trên cơ sở đánh giá tổng kết đầy đủ. Phải tùy vào tình hình kinh tế vĩ mô, khi chúng ta kiềm chế được lạm phát lúc đó mới đưa mặt hàng kinh doanh theo cơ chế thị trường. Ông Huệ nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này cần phải thận trọng hơn trong những quyết định về giá”.

Tất cả các mặt hàng trong danh mục kiểm soát giá Bộ Tài chính đều có chỉ đạo. Kể cả giá thuốc chữa bệnh, Tổ liên ngành giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang kiểm tra việc đăng ký và kê khai lại giá thuốc. Bộ Tài chính sẽ không bỏ sót một mặt hàng nào. Đối với giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ không tăng giá bán lẻ từ nay đến cuối năm nếu giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tăng thì sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.