Luôn giữ thế chủ động trong công tác phòng, chống khủng bố

ANTĐ - Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra khủng bố, nhưng cũng đã manh nha hoạt động của một số đối tượng khủng bố lưu vong. Do đó, trong phiên thảo luận chiều qua 21-11, các đại biểu đều tán thành cần thiết phải có Luật Phòng, chống khủng bố. 

Về khái niệm, theo ý kiến nhiều đại biểu thì “khủng bố là việc tổ chức, cá nhân nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền, tổ chức quốc tế thực hiện hoặc không thực hiện một việc theo yêu cầu của mình hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng”. Đa số đều tán thành với định nghĩa này, song theo ĐBQH Phạm Trường Dân (Quảng Nam) quy định hành vi làm hoảng loạn là chưa rõ vì bất cứ hành vi phạm tội nào như cướp giật tài sản, giết người… đều khiến người dân hoảng loạn. Do đó cần nêu dấu hiệu bắt buộc để xác định được tội danh khủng bố, cũng như vậy hành vi tài trợ khủng bố cần được làm rõ ràng hơn. Phải xác định được động cơ mục đích nếu không sẽ chung chung như các loại tội phạm khác. 

Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến trong tình hình hiện nay phải thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) để thống nhất đảm bảo công tác phòng, chống khủng bố. ĐBQH Bùi Đức Hạnh (Lào Cai) đề nghị BCĐ phòng chống khủng bố là cơ quan hoạt động kiêm nhiệm, nhưng phải hoạt động thường xuyên, không nên quy định chỉ khi có khủng bố có thể xảy ra mới hoạt động. BCĐ phải thành lập cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương. Cùng với BCĐ, nhiều đại biểu đề nghị phải có lực lượng chuyên trách vì khủng bố  có thể diễn ra mọi nơi mọi lúc, hành vi manh động, không phải như các hành vi phạm tội khác. “Nếu không có lực lượng chuyên trách thì khi hành vi khủng bố đã xảy ra rồi mới huy động lực lượng, sẽ để lại hậu quả khôn lường mà việc phòng, chống thường không hiệu quả” - ĐBQH Nguyễn Kim Hùng (Đồng Tháp) nêu ý kiến. 

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ, đa số các đại biểu đều tán thành lực lượng nòng cốt trong phòng chống khủng bố là công an và quân đội, không nên mở rộng sang lực lượng khác làm cồng kềnh biên chế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị cần phải tăng cường cơ sở vật chất, vũ khí chiến đấu, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. Về hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống khủng bố phải đảm bảo an ninh quốc gia, trước mắt chỉ hợp tác trong diễn tập chứ không tham gia lực lượng chống khủng bố ở nước khác.