- Ấm tình người tủ quần áo "ai thừa ủng hộ, ai thiếu lấy đi"
- Những "trái tim hồng" sưởi ấm mùa đông
- Sự chân thành kết nối trái tim
Tranh: Tào Linh
Vốn là hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, sống trên tầng cao mà tôi không sao quên được nếp sống tầng thấp, sát đất. Như cái cây bị nhổ bật gốc, bứng lên trên cao, không thể tốt tươi, chỉ còi cọc, khô kiệt dần.
Khói bếp than tổ ong, củi lửa, theo gió từ dưới đất vẫn cuốn lên, lách qua cửa sổ căn hộ mỗi chiều muộn. Xế chiều ba mươi Tết như mọi năm, cả xóm gom góp mấy đống củi to, chụm lại, nhóm lên 3 bếp lửa đỏ rực giữa bốn bề gió đông buốt giá. Khoảng trống gió lùa, chưa đủ rộng để thành mảnh sân cho trẻ con chơi đùa, chạy nhảy. Chỉ đủ chỗ cho mấy bàn cờ tướng của các cụ cao tuổi, rỗi việc ham tụ tập.
Sống trên chục tầng chót vót, điều hòa hai cục, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, chẳng hiểu vì sao tôi luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó, lòng thật trống trải. Nhưng, khi phong phanh giữa bốn bề hoang hoải gió, tôi chợt nghe trong lòng ấm lạ. Ấm cũng bởi bếp củi rực cháy. Ấm bởi những người hàng xóm đang tíu tít, bận rộn rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ, chẻ lạt, pha thịt...
Chiều cuối đông, thấy gió phũ phàng dứt rời những chiếc lá vàng cuối cùng cố bấu víu trên cành khô. Thấy gió ào ào cuốn bay đám lá rụng trên lòng đường vun vào ngõ cụt xóm nghèo thưa vắng bóng người. Gió lạnh thu gom những phận người lam lũ vào khoảng đất chật hẹp này.
Mọi thiếu thốn được sẻ chia cho nhau, hóa nên đầy đủ. Trong thùng có bao nhiêu gạo nếp để dành, có mấy cân thịt, măng miến đều bỏ ra nấu chung. Tết đâu phải của riêng mỗi nhà. Cả xóm quây quần nấu nướng, gói bánh, luộc bánh như một bếp ăn tập thể. Chẳng khác gì Tết quê giữa thành phố ngay dưới chân chung cư...
Khi hương vị Tết xa xưa dường như đã chìm sâu vào quên lãng, chỉ cần chụm củi, nhóm lên bếp lửa. Lửa vẫn đỏ, than vẫn đượm nồng, nghĩa là tình người chưa thể nguội lạnh, tàn lụi
Già nửa đời người đón Tết, giờ trong tôi hương vị xưa đã mờ nhạt, nguội ngắt. Nhưng, khi ngồi bên bếp cháy rực, than đượm, nghe nồi bánh chưng sôi trào, mùi vị quá khứ trở về nguyên vẹn như hồi còn bé ngồi bên cha mẹ chờ vớt bánh đêm Giao thừa. Háo hức hệt như hai đứa cháu gái chầu chực bên ngọn lửa cháy rừng rực, nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút.
Đã bao giờ chúng được ngửi mùi khói củi, được rửa từng tấm lá dong, vo gạo, đãi đỗ? Lại được tự tay xếp lá, đong gạo, đặt đỗ, thịt, gói chiếc bánh nho nhỏ, méo mó, mà gói cả niềm vui chưa từng có. Những bàn tay bé bỏng chỉ quen nhấn “chuột”, lướt trên bàn phím, giờ lại được nhúng tay vào việc bếp núc.
“Mùi” lam lũ, nhọc nhằn từ cha mẹ vắt sang đời mình, chẳng còn lo đám trẻ sẽ quên lãng. Bao đêm kể chuyện, lục lại ký ức xa xăm sao bằng một đêm nay, dài như bất tận. Khi trẻ cố căng mắt chờ đến lúc vớt, ép bánh. Để được nếm chiếc bánh tự tay mình gói. Xuýt xoa, hoan hỉ thưởng thức tấm bánh đầu tay. Ngắm nhìn con bé, tự dưng tôi ứa nước mắt như thấy lại mình hồi bé.
Cũng bên nồi bánh chưng đêm 30, được mẹ bóc cho tấm bánh “vét” dồn tất cả gạo đỗ thịt còn lại. Ấy là chiếc bánh ngon nhất ngày Tết, nhớ nhất qua bao năm tháng vui buồn. Hoài niệm, hoài cổ, người ta bảo dễ cổ hủ, có lẽ đúng thế. Nhưng từ quá khứ đến hiện tại là một dòng chảy liên tục, không thể đứt đoạn.
Nếu không có những ngày xưa thiếu thốn, chạy vạy, ăn bữa sớm lo bữa tối thì làm sao thấm thía ngày hôm nay. Hiện tại của những người lao động lam lũ ở ngay dưới chân những căn hộ cao tầng, chẳng phải là quá khứ mà mình đã nếm trải sao?
Khi hương vị Tết xa xưa dường như đã chìm sâu vào quên lãng, chỉ cần chụm củi, nhóm lên bếp lửa. Quây quần thức cùng nhau bên nồi bánh chưng, dường như tất thảy vẫn còn nguyên vẹn như cũ.
Còn nguyên làn hơi nước nóng ngào ngạt mùi bốc lên từ chiếc nồi đồng mẹ tôi đặt trên than đỏ rực. Còn nguyên mùi bồ kết, lá bưởi, hương nhu phảng phất mà giờ còn đọng lại, át hẳn các loại nước gội đầu, nước tắm ngoại nhập. Mẹ thường bảo, tắm nước lá mùi, lá bưởi, người nhẹ nhõm, tẩy rửa hết bụi trần, phiền muộn trong lòng...
Giờ đây, dù chỉ một góc bánh chưng, một khúc cá kho ủ vùi trong trấu, mùn cưa nóng âm ỉ, hay một đĩa dưa hành... cũng đủ gợi nhớ đến nao lòng chái bếp đầm ấm của bao nếp nhà thời chưa xa.
Chừng nào lửa còn cháy lên trong những sớm mai mưa phùn rét mướt, buốt thấu xương, nhập nhòe sương sa mờ mụt; chừng nào khói củi chưa thể tan loãng những đêm đông trong những mái nhà xập xệ, tồi tàn ngày thường cũng như ngày Tết, thì chắc hẳn hơi ấm vẫn còn truyền từ nhà này sang nhà khác.
Có ai muốn quay về thời bếp củi, tro trấu, lấm lem. Từ nhóm củi, bếp lò mùn cưa, rồi lên tới bếp dầu đã là một chặng đường dài.
Vụt một cái, bếp gas, bếp điện, bếp từ thay thế. Nóng tức thời tới nghìn độ, nhưng cũng nguội nhanh, nguội ngắt, lạnh tanh. Chẳng để lại chút hơi ấm nào trong góc bếp, nếp nhà khép kín, lòng người khép chặt trong những chung cư, căn hộ đầy ắp tiện nghi.
Làm gì còn chuyện hàng xóm chạy sang nhau xin lửa, xin củ hành, củ tỏi, mắm muối. Hay vay nhau bơ gạo, lít dầu. Nhà nào biết nhà nấy, có khi chỉ biết mặt nhau loáng thoáng khi đi đổ rác hoặc bất chợt gặp nhau trong thang máy.
Không lẽ cuộc đời cứ nguội lạnh dần, có cách nào giữ cho bếp đỏ lửa, cho than đượm nồng, từ đời mình cho tới đời con cháu? Dẫu có nghĩ gần, lo xa cũng chẳng ích gì. Cứ nhìn ánh lửa bập bùng, rạo rực trong đáy mắt hai đứa cháu, trong sâu thẳm mắt những người hàng xóm cách nhau cả một khoảng trống không thể lấp đầy, tự dưng thấy trong lòng bình yên, thanh thản.
Bao giờ còn những xóm lao động, những khu dân cư thu nhập thấp nép dưới chân những chung cư sang trọng, lấp loáng khung nhôm kính, thì vẫn còn những lò than tổ ong mù mịt khói, sặc sụa xộc lên mấy chục tầng cao ốc, lách qua những ô cửa đã đóng chặt.
Như một mùi khó chịu, nhắc nhở người ta đừng vội quên vẫn còn đó khoảng cách ngày càng rộng, giàu và nghèo, cao và thấp. Khi lửa còn cháy trong mắt, than còn ủ sâu trong lòng thì tình người không thể lụi tàn, nguội lạnh.