“Lõi” của mọi nguyên nhân

ANTĐ - Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014, các đại biểu Quốc hội không chỉ “mổ xẻ”, đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ, một số đại biểu còn đề xuất một số giải pháp căn cơ. Đó là không “bơm” tiền cho các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, mắc nợ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không để lợi ích nhóm chi phối; tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc doanh nghiệp nhà nước; giám sát chặt tính chính xác của các con số trong báo cáo.

Đánh giá tình hình kinh tế 10 tháng qua, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra những tín hiệu khả quan. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 7% là một kết quả nổi bật. Tổng thể bức tranh kinh tế tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, dự báo quý IV-2013 GDP sẽ tăng ở mức 6% do tổng cầu nền kinh tế chuyển biến tốt lên. Hiện nay, CPI tính đến tháng 10 tăng 5,14% so với đầu năm, dư địa cho 2 tháng cuối năm là 1,9%.

Khẳng định sự năng động, quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đề xuất một loạt giải pháp. Trước hết cần có một cuộc tổng kiểm tra “sức khỏe” của các doanh nghiệp để đưa ra “liều thuốc” đặc trị. Do ngân sách nhà nước còn khó khăn và phải kéo dài chính sách miễn giảm thuế sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu, vì vậy cần phân bổ lại ngân sách và không chi theo kiểu cào bằng.

Một số đại biểu nhấn mạnh, cần xác định kinh tế nhà nước hỗ trợ vĩ mô để các doanh nghiệp tự vươn lên. Do đó, chỉ nên hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, không rót tiền vào những doanh nghiệp có “tiền sử” thua lỗ, nợ nần, mất khả năng thanh toán. Chỉ nên ưu ái cho những đơn vị hoạt động hiệu quả, chứ không trao cơ chế độc quyền. Chi phí lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai, minh bạch, đảm bảo phù hợp với hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nếu làm ăn thua lỗ, thất thoát thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường trước pháp luật. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và không có sự phân biệt.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đã nêu được ưu và nhược điểm, nhưng chưa chỉ rõ nguyên nhân hạn chế. Một trong những yếu kém cần khắc phục là kỷ cương trong thực thi chính sách pháp luật. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm minh tức là quyền lực nhà nước chưa được thực thi đầy đủ. Đây chính là “lõi” của mọi nguyên nhân.