- Cướp lộc, rải tiền lẻ tái diễn mùa lễ hội
- Để lễ hội bớt xấu xí
- Đò thuyền chở khách trên suối Yến, chùa Hương phải có phao cứu sinh
Bức ảnh ấn tượng về mùa lễ hội 2017 đang được lưu truyền trên mạng xã hội
1. Đâu xa, hôm qua thôi, từ truyền thông cho tới mạng xã hội đồng loạt đăng tải bức ảnh những người phụ nữ tham gia “cướp” lộc ở sân Thiên Trù, chùa Hương đúng ngày khai hội. Một bức ảnh hơn vạn lời nói - và đó chính là bức ảnh mô tả toàn cảnh và chân thực nhất về tổng thể các hoạt động lễ hội diễn ra trong vài năm trở lại đây. Ở đó, có nụ cười hoan hỉ của người được lộc, có khuôn mặt biến dạng vì mất mát, có cả những đôi bàn tay sỗ sàng, thậm chí là hung hãn, trắng trợn của những người mà bấy lâu nay vẫn được gọi là khách du xuân vãn cảnh chùa. Họ dùng hết sức lực để “cướp” cho bằng được một thứ được gọi là… lộc, được ném ra từ bàn tay của một nhà tu hành. Cả biển người lao vào, cả rừng cánh tay giơ lên, rồi ầm ào chuyển động mạnh như sóng thần theo hướng lộc được ném đi.
Không hiểu nguồn cơn từ đâu mà trong tiềm thức của những người tham gia lễ hội lại nảy sinh tâm lý (hay là ước vọng) muốn có may mắn suốt năm thì đều phải “cướp”(?). Từ “cướp” ấn, “cướp” phết, “cướp” lương đến lộc cũng… “cướp”. Người ta sẵn sàng xô đẩy, dẫm đạp, cào cấu nhau đến ngất xỉu. Thậm chí năm ngoái thôi, ở đền Trần Nam Định, người tham gia hành lễ còn nhảy lên ban thờ để “cướp” cho bằng được mấy nhành hoa đang cắm trong lọ.
Chính con người đã biến văn hóa truyền thống thành “văn hóa… cướp”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa còn phẫn nộ lên tiếng phủ nhận thì đến nay hễ đến mùa hội, “tận mục sở thị” xong chỉ im lặng ngao ngán. Họ mệt. Họ nản. Họ chẳng muốn phát ngôn nữa vì nói mãi rồi, có nói nữa cũng chẳng có ai cần nghe. Lời nói sao bằng được… lộc. Nhưng những người đi “cướp” nào có chịu hiểu, phúc lộc là do công quả mà nên, chứ cứ chăm chăm tranh cướp thế thì chỉ tạo thêm nghiệp mà thôi.
Chen nhau xin lộc
2. Một mùa lễ hội nữa đã đến, báo chí ra rả đưa tin, nào chặt chém, nào tăng giá vé thắng cảnh, tắc đường, tắc phà, tắc cáp treo... Ngành Văn hóa mỗi năm đến cả chục lần tổ chức đủ các cuộc họp bàn ra luận vào, oằn mình bàn tới bàn lui. Thu hẹp diện tổ chức lễ hội này, thì lễ hội kia lại phình to ra. Yêu cầu địa phương nghiêm chỉnh chấp hành thì lãnh đạo địa phương cự lại với cái lý tỉnh nghèo, phải trông vào lễ hội để còn tạo công ăn việc làm cho nhân dân, bổ sung cho ngân sách địa phương.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, thậm chí đưa ra áp dụng hẳn hoi, lấy lễ hội truyền thống làm cơ sở để phát triển du lịch. Nhưng thực tế, việc dùng lễ hội để làm tiền đề cho du lịch địa phương “cất cánh” chẳng phải lễ hội nào cũng làm được, tỉnh nào cũng thành công, nếu như không có sự đồng bộ và tư duy khoa học, cùng đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp.
Còn nếu, cứ bày ra thật to, kiểu vẽ rắn thêm chân, nặn rồng thêm cánh, rồi chăm chăm đếm khách, tính xe thu tiền, căng bạt bán chỗ cho hàng quán kinh doanh thì dù sớm hay muộn cũng làm hỏng truyền thống, băm nát văn hóa. Bao nhiêu bài học nhớ đời đã bày ra trước mắt. Chỉ có điều, những người tổ chức lễ hội có chịu học hỏi hay không. Chứ nhắm mắt mà làm rồi khi hậu quả xảy ra mới “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”, “kiểm điểm đúng quy trình” thì còn gì là truyền thống văn hóa nữa. Báo động cấp độ đỏ rồi chứ chẳng đùa được nữa!
3. Vài ngày vào hội mà tiền lẻ đã được rải khắp các di tích tín ngưỡng, lan sang cả cửa Khổng sân Trình là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đạo học được tôn vinh hàng đầu. Tiền lẻ được gài, xoa từ mặt-mũi-đầu-tóc cho tới bàn chân, bàn tay, nếp gấp áo tượng. Hễ chỗ nào vừa tầm với của du khách là chỗ đó sáng bóng lên. Văn Miếu từ ngày quây rào ngăn du khách xoa đầu rùa, “hủ tục” này cơ bản đã được dẹp yên, ngoại trừ một số phụ huynh cố tình khuyến khích bằng cách cho con vượt rào.
Dân ta vốn nhiều sáng tạo, tất nhiên trong đó không loại trừ cả sự khôn vặt. Không sờ được rùa đội bia đá thì con rùa đội hạc trong nhà Đại bái bỗng trở thành vật thế thân. 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Di sản tư liệu thế giới) là hình ảnh tôn vinh hiền tài bởi lẽ đó chính là nguyên khí quốc gia. Đương nhiên để trở thành hiền tài thì không thể trông chờ vào sự cầu may theo kiểu xoa đầu rùa. Chẳng biết các bậc phụ huynh có biết? Mà dường như, dù có biết thì cũng cố tình để con em mình là các sĩ tử “hành động” cầu may.
4. Một nhà nghiên cứu tôn giáo từng đau xót thốt lên rằng: Ngày xưa tiền lẻ chỉ dành cho những người ăn mày, để đi chợ mua mớ rau cọng hành thì nay cái cụm từ “đổi tiền lẻ để đi chùa” đã trở nên thông dụng hơn lúc nào hết. Mùa lễ hội 2017 đã bắt đầu. Biết bao nhiêu những bức xúc mùa cũ có dịp phơi bày hết ra. Họp nữa, bàn mãi, lại rút kinh nghiệm, lại chấn chỉnh. Nhưng cái gốc rễ vấn đề là “văn hóa của người tham gia đi hội” thì phải làm sao để “siết lại” để “kịp thời chấn chỉnh” đây? Chỗ nào mà rỉ tai nhau cầu lộc, cầu tài, cầu thăng quan tiến chức thì dẫm đạp lên nhau để lao vào. Chỗ thênh thang cầu tấm lòng thanh bạch, “hễ lấy của công làm của tư thì trời đất đả tử” thì vắng tựa Bà Đanh tự. Mấy cụ cao niên trong làng tự bày biện hương án rồi (cũng tự) cắt tiết gà thề với nhau dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân trong làng. Hỏi chuyện mấy lãnh đạo địa phương thì được đáp: “Đây là lễ hội của dân, phải để người dân làm chủ”.