Lễ hội Đền Và thị xã Sơn Tây - Lễ hội lớn nhất tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Tản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vùng xứ Đoài xưa có đến hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với nhiều loại hình di tích như: Đình, đền, miếu. Gắn với đó là các lễ hội đặc sắc như: ở đình Tường Phiêu, Mông Phụ, Tây Đằng, đền Lăng Xương (Phú Thọ). Tuy nhiên, lễ hội Đền Và thị xã Sơn Tây là lễ hội lớn nhất, luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Dân gian có câu: “Thứ nhất là hội Đền Và/Thứ nhì Hội Nả, thứ ba Hội Thầy”. Vùng xứ Đoài xưa có đến hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh Tản - người đã cống hiện trọn đời mình cho cuộc sống và sự an lành của muôn dân, với nhiều loại hình di tích như: đình, đền, miếu. Gắn với đó là các lễ hội đặc sắc như: ở đình Tường Phiêu, Mông Phụ, Tây Đằng, đền Lăng Xương (Phú Thọ). Tuy nhiên, lễ hội Đền Và thị xã Sơn Tây là lễ hội lớn nhất.

Lễ hội Đền Và thị xã Sơn Tây diễn ra hai lần trong một năm, đó là lễ tháng giêng, từ 14 – 17/1 âm lịch và lễ hội Đả ngư diễn ra vào ngày 15/9 âm lịch. Trong đó, lễ hội tháng Giêng diễn ra quy mô, tổ chức long trọng. Theo thông lệ, cứ 3 năm một lần vào các năm chẵn thì chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ chính, đó là vào các năm Tý – Ngọ - Mão – Dậu.

Lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để tế lễ.

Lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để tế lễ.

Vào dịp này, nhân dân ở một làng, và 7 tổ dân phố thuộc Sơn Tây thuộc các phường: Phú Thịnh, Viên Sơn và Trung Hưng, thị xã Sơn Tây và thôn Duy Bình, huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) lại họp bàn cùng nhau để tổ chức lễ rước.

Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ Đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây và qua sông Hồng sang Đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để tế lễ. Khi tập kết và làm các nghi lễ tại khu vực Đền Ngự Dội, đám rước gồm đủ mọi đối tượng được hòa mình trong không khí linh thiêng, tự hào, vui tươi, phấn khởi.

Thời gian được diễn ra cho đến khi thấy lá cờ tứ linh gặp gió thổi phất đuôi cờ về phía Nam (hướng bên kia sông) thì các cụ tế triệu hồi đưa kiệu để tế, đồ rước trở lại Đền Và để yên vị trước sân tiền tế.

Quá trình đoàn rước kiệu từ sân đền qua các khu phố của thị xã Sơn Tây, mọi nhà và các đình - nơi kiệu đi qua, đều sắp sửa mâm lễ để nghênh kiệu; trẻ nhỏ, người lớn đều tranh thủ từng phút được chui qua kiệu để lấy phước cầu may. Các điểm ngã ba, ngã tư đường phố đoàn rước tiến hành nghi lễ quay kiệu.

Lễ hội ở Đền Và có tính giáo dục truyền thống, thể hiện tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, có sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn to lớn, sâu sắc. Đó không chỉ là tưởng nhớ đến công lao với dân với nước của Đức Thánh Tản mà còn thể hiện lòng ước nguyện của hàng triệu người dân ở trong và ngoài nước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước phát triển, xã hội cường thịnh.

Sau gần hai năm phải tạm thời đóng cửa để thực hiện các biện pháp chống đại dịch Covid- 19, trong đó có việc phải dừng lễ hội rước Thánh sang sông vào mùa xuân Canh Tý 2020. Khi đại dịch tạm thời được đẩy lùi, mọi hoạt động trở lại bình thường, Đền Và lại mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan của đông đảo du khách.

Lễ hội Đền Và thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương

Lễ hội Đền Và thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương

Vào tháng 4/2022, thị xã Sơn Tây đã khai trương năm Du lịch “Về Sơn Tây – về miền di sản”, trong đó, Đền Và là một điểm đến quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng nền kinh tế du lịch của địa phương và hướng tới xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô theo hướng đô thị du lịch – sinh thái – nghỉ dưỡng.

Chính vì thế, vào tháng 11/2022, thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban tổ chức Lễ hội Đền Và xuân Quý Mão 2023 với mục tiêu chính là tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn về mọi mặt, tạo ra sức lan tỏa ý nghĩa lớn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hiến của quê hương, tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư chung tay quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa quý báu, độc đáo mà các bậc tiền nhân đã để lại.

Đền Và đưuọc bao quanh bởi rừng lim cổ thụ

Đền Và đưuọc bao quanh bởi rừng lim cổ thụ

Tuy nhiên, để công tác phát huy giá trị di tích trong giai đoạn tới đạt kết quả tốt hơn nữa, cũng cần một số giải pháp phải thực hiện đồng bộ, yêu cầu sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và sự tham gia tự giác của nhân dân như: Xây dựng công tác xúc tiến, quảng bá có chiều sâu về các giá trị của di tích, xúc tiến du lịch rộng rãi hơn; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn di tích hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả, đa dạng hóa thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất bán sơn địa; tổ chức thêm các cuộc hội thảo, tọa đàm để thu nhập và tiếp nhận các thông tin hữu ích liên quan đến tín ngưỡng thờ Đức Thánh cũng như các sự kiện liên quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội mang yếu tố truyền thống, ý nghĩa thu hút được đôg đảo nhân dân tham gia; tiếp tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn công đức.

Với các giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, kỳ vọng trong thời gian sắp tới, di tích Đền Và nói riêng và các di sản văn hóa danh thắng tiêu biểu trên địa bàn thị xã Sơn Tây sẽ được quản lý, bảo tồn và khai thác một cách bền vững, hiệu quả, xứng danh là một địa chỉ đỏ, trung tâm của đất xứ Đoài.

Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, một trong tứ cung có quy mô bề thế nhất trong tứ cung, thờ Đức Thánh Tản và hai vị em của Người (3 cung còn lại là Tây Cung, Nam Cung nằm ở Ba Vì và Bắc Cung nằm ở thôn Duy Bình, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Đền tọa lạc tại tổ dân phố Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây.

Đền nằm trên một quả đồi thấp, mang dáng dấp hình linh vật rùa đang bơi về phía đông (phía mặt trời mọc). Quả đồi có diện tích 2000 m2, bao quanh là hàng trăm cây lim và các cây cổ thụ, cùng các cây bóng mát khác, bốn mùa xanh tươi hoa lá.

Toàn bộ khuôn viên của Đền có diện tích 8000 m2. Kết cấu của Đền được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mang đậm bản sắc kiến trúc phương Đông. Xung quanh Đền được bao bọc, che chở bằng bức tường đá ong phủ màu rêu phong cổ kính.

Trong Đền hiện còn lưu giữ rất nhiều di vật đồ thờ quý như: khám thờ cao 3m có bài vị Đức Quốc Mẫu, ngai Tam vị gồm Đức Thánh và hai người em, 4 pho tượng tứ trấn, 18 đạo sắc phong, 47 đôi câu đối, 18 bức hoành phi, hai tấm bia đá (trong đó, đạo sắc phong đã được thành phố Hà Nội đưa vào danh mục tài liệu lưu trữ quý hiếm năm 2018).

Các hạng mục trong Đền được xây dựng tu bổ qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau vẫn luôn giữ được nét cổ kính như: nghi môn, lầu chuông, lầu trống, nhà tiền tế, tả - hữu mạc, thượng điện, sân long hóa, ngũ dinh, giếng Cô, hồ bán nguyệt, nhà kho, nhà khách, lầu hóa vàng.

Di tích Đông Cung (Đền Và) đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1964. Lễ hội ở Đền Và được Nhà nước xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.