LaMode, ngôi nhà của niềm đam mê thiết kế thời trang

ANTD.VN - Dưới trời nóng như đổ lửa, các chàng trai, cô gái của LaMode đang say sưa tập luyện cho buổi diễn thời trang mang cái tên lạ “Chứng minh nhân dân”. Nếu nhìn cách mà họ bước đi trên sàn diễn, hay chỉnh lại một bộ váy thì không ai nghĩ tất cả họ đều là dân không chuyên. Không chỉ là một câu lạc bộ thời trang, LaMode giờ giống như ngôi nhà sáng tạo dành cho những bạn trẻ chung niềm đam mê với thiết kế.

Mọi ý tưởng đều bắt đầu từ giấy

Trong buổi tập của LaMode,  Hoàng Quốc Thịnh mồ hôi  nhễ nhại đang chỉnh áo váy cho các người mẫu trước thềm show diễn mang tên “Chứng minh nhân dân” kỷ niệm 5 năm của câu lạc bộ. Là thành viên nam duy nhất trong nhóm sáng lập LaMode, sau một thời gian gắn bó cùng câu lạc bộ, Quốc Thịnh đã chính thức bước vào con đường thiết kế chuyên nghiệp.

Thịnh hiện đang học năm thứ hai tại ngôi trường Ithaca College tại bang New York, Mỹ và đã từng thiết kế nhiều mẫu trang phục mang thương hiệu LaMode. Nhớ lại “thuở ban đầu” của câu lạc bộ, Quốc Thịnh cho biết, lúc ấy cũng chỉ nghĩ ra LaMode là nơi để các học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ai muốn tập thiết kế thời trang, chứ không đặt nặng tính chuyên môn hay thương mại.

“Chúng tôi lúc đấy chỉ sử dụng người mẫu trong trường, không khắt khe về chiều cao, chỉ cần biết một chút về diễn xuất và có khả năng biểu cảm trước ống kính. Còn đội thiết kế thì thấy ai vẽ đẹp, khéo léo một chút thì tuyển vào” - Quốc Thịnh chia sẻ.

Những show đầu tiên thậm chí cũng rất khan hiếm về nguyên liệu, toàn sử dụng giấy mà lại là “giấy mếch”, một loại giấy gói hoa để thay vải. Một phần vì giấy là vật liệu dễ sáng tạo, một phần cũng không có kinh phí. Sau một thời gian, các nhà thiết kế trẻ mới bắt đầu sử dụng vải, kim loại… để sáng tạo.

Những buổi biểu diễn chuyên nghiệp của LaMode

Nhưng vấn đề đau đầu nhất theo chàng trai này không phải là vật liệu, mà là hầu hết các thành viên đều là những người lần đầu tiên làm quen với vải. Bởi thế, những khái niệm cơ bản về may mặc như tra cổ, tra cạp, đính khuy, thùa khuyết… hoàn toàn lạ lẫm với họ.  

Khi được xem cuốn catalogue những mẫu thiết kế của LaMode, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi những ý tưởng táo bạo và bùng nổ của những chàng trai, cô gái mới chập chững bước vào ngành thời trang.

Quốc Thịnh với những bộ cánh đầy nữ tính, kiêu sa, Lê Ngọc Hà Thu với những thiết kế bí ẩn mang hơi hướng Nhật Bản hay Kim Chi kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, chất liệu…

Không chỉ là câu lạc bộ thời trang đơn thuần, trưởng thành từ LaMode, rất nhiều bạn trẻ đã lọt vào “mắt xanh” của những nhà chuyên môn, các ngôi trường đào tạo thời trang và đây chính là cầu nối để họ bước đi trên con đường thiết kế chuyên nghiệp.

Bệ phóng cho những tài năng

Chỉ trong vòng 5 năm, câu lạc bộ LaMode đã tổ chức thành công nhiều show thời trang chuyên nghiệp đó là “Người trong bao” (2012), “Góc cạnh” (2013), “Mắt thời gian” (2014) và “Gợi” (2015) với nhiều bộ sưu tập đẹp mắt và được đánh giá cao. Mỗi show diễn, mỗi bộ sưu tập đều gửi gắm những thông điệp về xã hội như tôn vinh sức mạnh của người phụ nữ; lên án sự bảo thủ, cố chấp, không chịu đổi mới…

Có nhà thiết kế còn đưa ra bộ sưu tập để phản đối việc các hãng thời trang trên thế giới sản xuất những bộ quần áo đại trà, chất liệu xoàng xĩnh… cho người tiêu dùng, chính những bộ quần áo “dễ mua chóng chán” ấy khi thải ra đã góp phần làm ô nhiễm môi trường. Từ những ý tưởng nhỏ nhưng đầy cá tính, nhiều bạn trẻ đã lọt vào mắt xanh của những môi trường đào tạo chuyên nghiệp.

Những bộ trang phục thể hiện ý tưởng táo bạo từ những nhà thiết kế trẻ

Lê Ngọc Hà Thu, Trưởng ban Thiết kế nhiệm kỳ 2013-2014 đã nhận được học bổng “Tài năng thiết kế trẻ” 2016 của Học viện Thiết kế và Thời trang London (Hà Nội), còn Kim Chi - Phó Chủ tịch CLB nhiệm kỳ 2013-2014 đã được trao học bổng 50% cho 3 khóa Thiết kế thời trang, trường Cambridge School of Visual and Performing Arts, Anh quốc. Tuy nhiên, với những bạn trẻ này thì con đường theo đuổi nghệ thuật phía trước còn rất dài.

Kim Chi chia sẻ: “Khi ngành thời trang lên ngôi thì những nhà thiết kế không bao giờ thiếu việc. Nhưng cũng chính vì trên thị trường có rất nhiều nhà thiết kế tài năng nên việc để chứng tỏ mình là một điều không đơn giản. Thay vì nghĩ đến việc mở một shop thời trang, tôi muốn mình được rèn luyện trong các hãng thời trang lớn trên thế giới để đúc rút kinh nghiệm, sau đó mới tính đến chuyện khởi nghiệp”.

Còn Quốc Thịnh thì cho rằng, thị trường thời trang sản sinh ra những thiết kế xa rời thị hiếu người tiêu dùng, hoặc chỉ chăm chăm vào mục đích thương mại để bán được hàng. Bởi thế, Quốc Thịnh mong muốn sẽ làm ra được những trang phục chất lượng cao, đáp ứng cả tiêu chí thẩm mỹ và chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng. Và những show diễn thời trang cùng LaMode đã đặt viên gạch đầu tiên đưa những nhà thiết kế trẻ ấy đến với sàn diễn chuyên nghiệp. 

Show diễn thời trang “Chứng minh nhân dân” của LaMode Fashion House được tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-8 tại MAM - Arts Projects (5F, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). 4 bộ sưu tập, với 31 bộ trang phục khác nhau kết nối xuyên suốt, kể về hành trình đi tìm và khẳng định bản thân trong mỗi người.