Làm rõ các khoản bổ sung cần tính đóng bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến đối với khoản bổ sung khi tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan bảo hiểm xã hội

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan bảo hiểm xã hội

Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng thực tế, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để tránh đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sử dụng lao động, đã phát hiện ngoài mức lương tính đóng thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung gọi là “khoản bổ sung kế hoạch”. Khoản này không được đơn vị sử dụng lao động tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Khoản bổ sung này được tính bằng (lương bổ sung kế hoạch x hệ số Khq). Trong đó, lương bổ sung kế hoạch được thỏa thuận với người lao động và ghi tại các tài liệu khi tuyển dụng như thư mời làm việc hoặc đề nghị ký hợp đồng lần đầu nhưng không ghi vào hợp đồng lao động. Hệ số "Khq" là hệ số hiệu quả thực hiện công việc được xếp loại, đánh giá theo quy chế làm việc, có mức cao nhất và thấp nhất (ở mức hoàn thành công việc Khq = 1).

Ví dụ, người lao động được thỏa thuận tại thư mời làm việc với mức tiền lương tháng kế hoạch là 22 triệu đồng. Tuy nhiên, hợp đồng lao động chỉ ghi mức lương theo chức danh công việc 4.750.000 đồng và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo mức lương này. Đối với khoản bổ sung 17,25 triệu đồng không ghi vào hợp đồng lao động nhưng hàng tháng được hưởng trên cơ sở đánh giá, xếp loại theo hệ số Khq.

Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành thì khoản bổ sung này có tính chất thường xuyên hàng tháng, được xác định trước với người lao động ở mức tối thiểu (vì hệ số Khq có quy định mức thấp nhất) và được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng lao động không ghi cụ thể khoản bổ sung này cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Để có cơ sở thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến đối với khoản bổ sung, mà đơn vị gọi là “khoản bổ sung kế hoạch” nêu trên có là khoản bổ sung phải tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định.