Làm phim lịch sử là chấp nhận đối mặt thách thức

ANTD.VN - Theo nhà sử học Lê Văn Lan, từ lâu, người xem thường định hình phim lịch sử Việt Nam là làm về chính trị, quân sự, triều chính. Nhưng chúng ta quên mất, điều hấp dẫn người xem là những vấn đề thâm cung bí sử, những câu chuyện hậu cung. Chính vì vậy, làm phim lịch sử đừng dại ham mênh mông mà cứ khuôn lại, làm một khúc nhỏ sẽ dễ hơn và dễ cả cho việc lựa chọn trang phục (cổ phục).

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Cổ phục Việt Nam-Từ đời sống đến điện ảnh" vừa diễn ra sáng ngày 8-8 tại Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, trang phục vừa là hình ảnh vừa là biểu tượng, kết tinh của 1 thời đại. Khi làm phim lịch sử, trang phục đóng vai trò quan trọng và cũng là khâu dễ nhận "gạch đá" của dư luận với những câu hỏi đặt ra như trang phục như vậy đã đúng chưa, dù là phóng tác nhưng có thể chấp nhận được không...

Cái gọi là thâm cung bí sử dĩ nhiên có tính ly kỳ, hấp dẫn nhưng nó chính là 1 bộ phận của lịch sử mà lâu nay chúng ta bỏ quên không khai thác. Gần đây, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã bắt tay vào dàn dựng bộ phim "Phượng Khấu" về triều nhà Nguyễn. Nhưng theo nhà sử học Lê Văn Lan, triều nhà Nguyễn dù gần với thời hiện đại ngày nay nhất nhưng vương triều này kéo dài từ đời vua Gia Long tới vua Bảo Đại vào khoảng 150 năm, động vào mảng cổ phục chắc chắn sẽ phát sinh nhiều ý kiến trái chiều. 

Buổi tọa đàm "Cổ phục Việt-Từ đời sống đến điện ảnh"

Chính vì thế, khuôn lịch sử vào triều đại nhà Nguyễn đã tốt nhưng vẫn mênh mông thì khuôn vào chỗ nào cho vừa đắt, trúng và đúng? Các nhà làm phim đã chọn khúc thời gian là vua Thiệu Trị, khúc thời gian lịch sử êm ả, thuận hòa nhưng không ít những đẹp đẽ, sinh động của lịch sử. Đó là cái khôn ngoan của những nhà làm phim. 

Nói về những khó khăn trong làm cổ phục cho các bộ phim, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên chia sẻ, đưa một bộ cổ phục ra trước công chúng đặc biệt là trong các bộ phim, những người thực hiện không dám nói đó là phục chế, phục dựng. Bởi nếu làm chuẩn chỉ thì một bộ cổ phục đúng với lịch sử có giá cả vài trăm triệu đến cả tỷ đồng với kỹ thuật dệt, chất liệu, thêu... đều 100% "made in Vietnam". Nguồn cứ liệu để  phục dựng trang phục cổ được lấy trên thư tịch, tranh ảnh và hiện vật gốc. Khi dựa vào 3 nguồn này, mọi tranh cãi sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, khi đưa vào điện ảnh lại khác, để giảm giá thành, chất liệu được sử dụng đa dạng hơn. Hơn nữa, vì hình ảnh khán giả xem phim đều thông qua ống kính nên những kỹ xảo điện ảnh sẽ được sử dụng. Chỉ cận cảnh, các bộ trang phục mới sử dụng thêu tay để thể hiện tinh hoa trong trang phục truyền thống. Ngoài ra, có những đại cảnh lớn nhìn từ xa, đoàn làm phim sẽ sử dụng trang phục được in hoặc thêu máy. 

Còn với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim lịch sử, ông biết mình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mà khó khăn lớn nhất chính là trang phục của diễn viên sao cho trúng và đúng với thời đại mà bộ phim đề cập. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm dấn thân bởi một vài lần nói chuyện với các bạn trẻ thế hệ 2000, được nghe chia sẻ của các bạn khen Hanbook của Hàn Quốc đẹp hơn áo dài Việt Nam và sự mù mờ của người trẻ về lịch sử khiến ông muốn làm điều gì đó để góp phần thay đổi thực trạng này. 

Nhà sử học Lê Văn Lan

Một khó khăn nữa của đoàn làm phim là dù cổ phục khó làm nhưng các đơn vị làm trang phục cổ ở Việt Nam lại khá đông đảo và quan điểm mỗi đơn vị lại khác nhau. Tuy nhiên, các trang phục trong phim này đã được đoàn làm phim căn cứ vào nguồn tư liệu do người Pháp chụp và viết, nguồn tư liệu chữ viết trong và ngoài nước và các cổ vật lưu giữ trong bảo tàng tư nhân và nhà nước. 

Trông cậy vào nguồn sử liệu "mắt thấy tai nghe", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định, nay mai nếu khai quật và tìm được cổ vật cho thấy, các trang phục của bộ phim chưa đúng, đoàn làm phim sẽ sửa tiếp. Còn hiện nay, ê kíp tin tưởng vào tính sát thực của lịch sử từ những trang phục của tác phẩm điện ảnh "Phượng Khấu".