Đó là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về diễn biến kinh tế 7 tháng đầu năm nay. Cả hai yếu tố tổng cung - tổng cầu của nền kinh tế đều rất yếu. Về phía tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,8% bằng một nửa so với mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là nhóm hàng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất thấp chỉ đạt 4,3%. Về phía tổng cầu, hầu hết các chỉ tiêu vẫn ở mức rất thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 18,7% so với cùng kỳ, nhập siêu chỉ bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu và là mức thấp kỷ lục trong cùng giai đoạn nhiều năm trước. Đáng quan tâm là nhập khẩu một số mặt hàng về nguyên liệu sản xuất tiếp tục giảm.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tín dụng chưa có dấu hiệu khả quan dù đã áp dụng các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, khơi thông tín dụng, song tính đến cuối tháng 7 vừa qua, dư nợ tín dụng vẫn giảm khoảng 0,1% so với đầu năm. Chừng nào chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề nợ xấu thì khó nói tới khả năng khơi thông tín dụng trong những tháng tới. Trong phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, tính chung hai tháng 6 và 7 lạm phát âm, nhưng nếu tính thực chất của lạm phát “lõi” thì vẫn dương. Tăng trưởng kinh tế tuy có thấp hơn song không có nghĩa là suy thoái “kép”.
Tuy vậy, ông Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu không có biện pháp đặc biệt thì lạm phát năm nay vẫn ở mức rất cao vào khoảng 7%. Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn như nước ta, thì lạm phát phải rất thấp, kinh tế phải ổn định. Do vậy, theo ông, không phải thấy lạm phát giảm thì lại kích cầu, rồi lại lạm phát. Điều hành kinh tế sao cho không “giật cục”, đó là điều mà nhân dân và doanh nghiệp trông đợi. Giải thích về việc Chính phủ vừa cho ứng 30.000 tỷ đồng, vốn từ năm 2013, ông Bộ trưởng nói, đó không phải là “gói kích cầu” mà là Chính phủ đang chấn chỉnh mạnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là những công trình trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Bởi vì những tháng cuối năm vẫn còn dư địa giải ngân nhiều hơn và Chính phủ dự liệu với khoảng 30.000 tỷ đồng thì lạm phát vẫn được kiềm chế theo mục tiêu đã đề ra.
Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, về bản chất lạm phát giảm thấp trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời và có thể những yếu tố như giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, điện sẽ tác động ngược lại đối với chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới. Lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh, thậm chí nếu nới lỏng tiền tệ quá mức thì có nguy cơ làm “bùng nổ” lạm phát vào những năm sau.